DANH MỤC

Dịch Covid-19 làm cuộc sống mưu sinh trở nên chật vật hơn, thu nhập giảm đi quá nửa nhưng với chị Tươi, còn sức khỏe là còn có thể kiếm ra tiền.

Một ngày theo chân người làm nghề “mua của người chán, bán cho người cần” giữa Thủ đô - 2Một ngày theo chân người làm nghề “mua của người chán, bán cho người cần” giữa Thủ đô - 3

H

ơn 7 giờ sáng, dù nắng hay mưa, chị Tươi (quê Nam Định) vẫn rời khỏi nhà với chiếc xe đạp cũ kỹ. Đầu đội nón mê, phía trước giỏ xe là chiếc cân treo hoen gỉ với đủ các loại dây buộc hàng, phía sau là hàng chục bao tải xếp gọn gàng để đựng hàng lúc cần thiết.

Sinh ra ở Nam Định rồi lập gia đình, chị theo chồng lên Hà Giang sinh sống. Cuộc sống khổ cực, vất vả lại không hạnh phúc nên chị “cắn răng” ôm 2 đứa con nhỏ về lại quê, tự bươn trải nuôi con bằng mấy sào ruộng.

Con mỗi ngày một lớn, ăn học lại tốn kém, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì không đủ ăn nên tôi để hai đứa con ở quê để theo đứa cháu lên Hà Nội đi mua đồng nát. Đến mùa cấy hay làm cỏ, bỏ phân, thu hoạch lúa, tôi lại tranh thủ về quê vài ngày để làm lấy lúa ăn”, chị Tươi chia sẻ.

Lên Hà Nội, chị được đứa cháu dẫn vào “xóm đồng nát” ở phố Yên Hòa. Gọi là xóm đồng nát vì toàn bộ người thuê phòng đều là chị em làm nghề đồng nát. Cả 9 phòng, hơn 20 người chung nhau 2 chiếc nhà vệ sinh.

Phòng của chị rộng vỏn vẹn 9m2 trên tầng 3, nhìn từ dưới lên không khác gì chiếc chuồng chim. Từ cầu thang đến sàn nhà đều làm bằng sắt. Mái lợp bằng tôn. Nếu người mới đến, sợ độ cao thì chắc phải “đầu hàng”.

Một ngày theo chân người làm nghề “mua của người chán, bán cho người cần” giữa Thủ đô - 5

Tôi được chị dẫn lên phía trên căn phòng, vừa đi vừa run vì từng bậc cầu thang nhìn xuống sân cứ hun hút. Chị thì luôn miệng hỏi: “Cô có sợ không. Đi từ từ rồi quen, không sao đâu. Ở cao thế này cho tiết kiệm vì phòng dưới những 1,2 triệu/tháng đấy. Phòng trên cùng thì chỉ có 900 nghìn thôi”, chị Tươi động viên.

Để tiết kiệm tiền, chị cùng 2 người nữa cùng làm nghề đi mua đồng nát ở chung phòng. Tiền thuê phòng trọ từ 300.000 đồng/tháng, sau 13 năm cũng đã tăng lên 900.000 đồng/tháng. Tiền nước là 90.000 đồng/người, tiền điện 4.000 đồng/số. Mỗi tháng riêng tiền nhà và tiền điện nước là khoảng 500.000 đồng/người.

Căn phòng vô cùng chật chội và hầu như không có gì đáng giá. Chiếc giường ngủ được ghép từ 2 tấm phản tạm bợ chiếm gần hết diện tích của căn phòng. Không đệm, không ga phủ, vật dụng đa số là đồ xin hoặc mua lại với giá “đồng nát”. Từ chiếc bếp ga đến chiếc tủ đựng quần áo, mấy chiếc phích đựng nước nóng hay chiếc tivi cũ kỹ.

Ở tạm ấy mà, cô đừng cười nhé”, chị Tươi cười gượng gạo khi nói về căn phòng trọ đã gắn bó suốt 13 năm qua của mình.

Rời phòng trọ, chị bắt đầu hành trình đạp xe quanh các con phố, ngõ, ngách để tìm mua phế liệu. Người ta gọi nghề của chị là nghề “mua của người chán, bán cho người cần”, bởi những vật dụng không còn giá trị sử dụng với người khác lại chính là nguồn sống của chị cùng rất nhiều người làm nghề “đồng nát”.

“Ai nhôm đồng sắt vụn bán đi. Ai đồng nát, sắt vụn bán đi. Đồng nát, sắt vụn bán không chị ơi”… Chiếc xe đạp với vòng quay chầm chậm, đều đều cùng với tiếng rao trầm bổng của chị cứ thế vang khắp các ngõ ngách để tìm mua phế liệu.

Hơn 13 năm làm nghề đồng nát, với bản chất chịu thương, chịu khó, ngoài thời gian đi mua phế liệu, ai nhờ làm gì chị cũng làm. Từ dọn nhà, dọn vườn đến rửa bát đám cưới, đám giỗ. Thu nhập của chị nhờ vậy cũng ngày một được cải thiện.

Có những công ty họ nhờ dọn dẹp nhà kho, được bao nhiêu giấy bìa, giấy vụn họ cho hết. Tôi nhớ có hôm gặp may, công ty họ thuê dọn dẹp rồi cho hết đống giấy. 3 người khuân từ tầng 7 xuống, thuê xe ba gác mang đi cân được hơn 2 tấn, bán được 2 triệu. Sướng ơi là sướng”, chị Tươi chia sẻ.

Kể về những ngày đi rửa bát thuê, chị Tươi cũng hào hứng không kém bởi mỗi mâm bát chị rửa được trả công 10.000 đồng. Xong xuôi, họ còn cho mỗi người một túi đầy ắp thức ăn ngon của đám cưới thừa lại. Vào mùa cưới, hầu như xóm đồng nát đi rửa bát cả ngày không hết việc.

Mua đồng nát quen, nhiều nhà còn thuê mình dọn dẹp. Mỗi giờ được 50.000 đồng. Có nhà thuê cả ngày, cọ rửa từng cái vân gỗ ở cửa hay từng viên gạch trong nhà tắm. Xong việc, bao nhiêu đồ cũ, hỏng họ không dùng đến lại cho mình luôn. Mình nhặt về, cái nào sửa được thì mang sửa để dùng hoặc bán lại cho sinh viên, cái nào không sửa được lại mang đi cân. Thích lắm. Ấy thế mà từ tháng 8 năm trước đến giờ, không nhà nào nhờ nữa”, chị Tươi thở dài.

Những người nhờ chị dọn nhà ngày một ít dần. Những mối làm cỗ đám cưới trước đây thuê chị và những người cùng xóm đồng nát rửa bát thuê cũng không thấy gọi. Các công ty, doanh nghiệp hay gọi đến mua hàng cũng dần thưa thớt rồi thôi hẳn. Thu nhập của chị ngày một giảm sút.

“Ngày nào may mắn thì kiếm được khoảng 200.000 đồng, ngày nào ít may hơn thì kiếm được ít, có ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn. Thậm chí, có ngày đạp xe mỏi hết người mà không có ai bán, đành về tay không”, chị Tươi nói.

Dừng xe trước một khu trọ đang được đập phá, tháo dỡ, chị Tươi vội vàng dựng chiếc xe đạp cũ kỹ vào lề đường, hỏi những người công nhân đang làm việc cặm cụi, mặt cũng lấm lem vết bụi vôi để vào thu mua lại những tấm lợp bằng nhựa đã cũ.

Tự tay cầm búa đập tấm lợp ra khỏi chiếc khung sắt hay những chiếc máng đèn tuýp trong từng căn phòng trọ, chị Tươi cho biết, hôm nay là ngày may mắn vì mới đi hơn 1km đã mua được “hàng”.

Trước đây, trung bình mỗi tháng chị làm được khoảng 8 triệu. Số tiền ấy hầu như chỉ đủ trang trải tiền ăn, tiền nhà trọ và nuôi 2 đứa con, học hết phổ thông rồi học lên Trung cấp, Cao đẳng.

Một đứa học Trung cấp Dược, ra trường rồi đi lấy chồng. Còn một đứa đang học Cao đẳng Du lịch trong TP HCM. Chi phí ăn học, thuê trọ mỗi tháng ít nhất cũng phải hết 3 triệu. Thế nhưng, bây giờ cố lắm tôi cũng chỉ làm được 4 triệu, thu nhập giảm đi quá nửa”, chị Tươi chia sẻ.

Mua xong đống đồ đồng nát với giá 50.000 đồng rồi chất đầy lên xe đạp, chị Tươi lại dắt bộ đến điểm cân.

Bán xong, cầm trên tay 74.000 đồng cũng là lúc chiếc điện thoại đen trắng điểm 10 giờ. Hơn 2 tiếng vất vả, tiền lời chị cầm về đúng 24.000 đồng.

Cho vội mấy đồng tiền lẻ vào túi, chị lại dắt chiếc xe đạp cũ kỹ đi tìm mua đồng nát. Tiếng rao quen thuộc len vào từng con ngõ nhỏ, vừa thân thuộc vừa gần gũi.

Công việc của chị cứ thế, ngày này qua ngày khác, dù không dễ dàng gì nhưng đây là nghề “câu cơm”, nuôi sống 3 mẹ con chị trong suốt 13 năm qua. Vất vả nhưng theo chị, để con cái được ăn học đàng hoàng, ngoan ngoãn, nên người thì mọi khó khăn chị đều chấp nhận hết.

Tôi chỉ mong dịch bệnh nhanh chấm dứt để mọi thứ lại trở về bình thường như xưa. Tôi sẽ lại mua được nhiều hàng, lại đi dọn nhà thuê và đi rửa bát đám cưới để có tiền trang trải cuộc sống, lo cho con bằng bạn bằng bè. Hai năm nữa thôi, nó học xong, có việc làm ổn định là tôi cũng “nghỉ hưu”, về quê thôi”, chị Tươi bộc bạch.

Tạm biệt chị Tươi, hình dáng người phụ nữ trung niên đội chiếc nón cũ xiêu vẹo bên cạnh chiếc xe đạp chất cao quá đầu, lọt thỏm giữa dòng người xe cộ đi lại khiến người viết không khỏi chạnh lòng. Người và xe cứ thế như đang tựa vào nhau để mưu sinh giữa phố phường Hà Nội.

Chị Tươi cũng như bao người lao động tự do khác, vẫn hàng ngày cần mẫn làm những công việc quen thuộc của mình. Covid-19 có ảnh hưởng ít nhiều đến thu nhập, nhưng vì một tương lai tốt đẹp hơn, họ vẫn nỗ lực sinh tồn.

Một ngày theo chân người làm nghề “mua của người chán, bán cho người cần” giữa Thủ đô - 14

Content: Hồng Cảnh

Media: Nguyễn Bình

Thứ Bảy, ngày 03/04/2021 13:39 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Cảnh - Nguyễn Bình ([Tên nguồn])