DANH MỤC
Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 2

Theo Tổng Cục Thống kê, trong năm 2020, trung bình mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể. Đây là con số chưa từng có trong 10 năm trở lại đây.

Đại dịch Covid-19 bùng phát làm đảo lộn mọi kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm cự, cắt giảm chi phí tối đa hoặc giải thể. Hàng triệu người trên thế giới vì thế bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, thu nhập giảm sút.

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 3

Thế nhưng, không ít doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội và nắm bắt cơ hội để vực lại doanh nghiệp của chính mình bằng cách bứt phá “thần tốc”, tạo dấu ấn và gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Trong đó có anh Lê Thanh – người sáng tạo ra khẩu trang cà phê và mang sản phẩm của mình xuất khẩu ra hơn 50 nước trên thế giới trong năm 2020.

Sinh năm 1984, sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP. HCM và lấy bằng MBA tại Canada, anh Lê Thanh về nước kinh doanh sản phẩm giày da. Hợp tác sản xuất với 6 nhà máy gia công chuyên biệt về dệt, làm đế, lót giày… để sản xuất ra những đôi giày đầu tiên từ tháng 10/2019.

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 4

Đang trên đà phát triển và khẳng định tên tuổi của mình với sản phẩm giày làm từ bã cà phê thì Covid-19 ập tới, doanh nghiệp của anh cũng đứng trước vô vàn khó khăn. Giữa lúc đó, trong đầu anh lóe lên sáng kiến làm khẩu trang từ bã cà phê.

Ngày nào cũng theo dõi các tin tức liên quan đến dịch bệnh Covid-19, anh nhận thấy khẩu trang là mặt hàng thiết yếu, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh nhưng lại thiếu nguồn cung.

“Cũng trong thời gian dịch bệnh phức tạp này, tại Trung Quốc có đến 116 triệu tấn khẩu trang được tiêu thụ mỗi ngày. Đặc biệt hầu hết người dân trên thế giới đều vứt đi những chiếc khẩu trang dùng 1 lần. Vì thế, tôi quyết tâm nghiên cứu ra những chiếc khẩu trang có thể tái sử dụng từ sợi cà phê, đảm bảo tính kháng khuẩn và tái sử dụng nhiều lần”, anh Lê Thanh chia sẻ.

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 5

Sau thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, tìm màng lọc có thể thay thế, nguyên vật liệu có khả năng phân hủy, tuyển dụng thêm nhân công sản xuất và gửi mẫu ra nước ngoài kiểm nghiệm… những chiếc khẩu trang cà phê đầu tiên đã ra đời vào tháng 4/2020.

Chỉ sau 2 tháng, doanh nghiệp của anh đã nhận tổng đơn đặt hàng gần 500.000 chiếc khẩu trang. Trong năm 2020, khẩu trang cà phê đã được bán trên thị trường của 50 nước trên thế giới, chủ yếu là châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Úc và châu Á.

“Khẩu trang cà phê không chỉ là cứu cánh cho doanh nghiệp của tôi lúc khó khăn mà còn là sản phẩm chủ lực chinh phục thị trường xuất khẩu”, anh Thanh nói.

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 6

Đóng cửa trung tâm, trả mặt bằng thuê nhà, chuyển qua mô hình dạy trực tuyến… đó là cách mà chủ các trung tâm tiếng Anh lớn loay hoay trong mùa dịch Covid-19. Với chị Vũ Thị Thanh Phượng, Giám đốc hệ thống trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội, thay vì chọn cách ngồi chờ dịch qua thì chị lại chọn cách sống chung với dịch bằng nghề đi buôn hoa quả để có chi phí trả tiền thuê nhà.

Ngày bán hàng, chia đơn, tối hai vợ chồng lại bốc hàng, kiểm hàng đến 1-2 giờ sáng. Nhìn người phụ nữ 2 tay xách 2 túi hàng, nhanh thoăn thoắt chất lên xe tải, không ai nghĩ rằng đó là một Giám đốc hệ thống gồm 6 trung tâm ngoại ngữ kết hợp Homestay tại Hà Nội.

Chỉ vào ngôi nhà 6 tầng mặt phố Nguyễn Văn Huyên, chị Phượng ngậm ngùi cho biết, đây chỉ là 1 trong 6 cơ sở trong hệ thống trung tâm tiếng Anh của chị. Ảnh chụp học viên với giáo viên người nước ngoài vẫn còn đó nhưng xung quanh không phải là bàn ghế mà là la liệt đủ các loại hoa quả và nông sản chất cao ngất.

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 7

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, các cơ sở Homestay và trung tâm ngoại ngữ của chị buộc phải đóng cửa do giáo viên người nước ngoài về nước ăn Tết không thể bay sang Việt Nam để tiếp tục việc giảng dạy.

Suốt nhiều tháng liền, các cơ sở phải đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch nhưng tiền thuê nhà mỗi tháng hàng trăm triệu đồng khiến chị gặp khó khăn không nhỏ về tài chính.

“Tôi bàn với chồng mua hoa quả là đặc sản các vùng miền về bán online trên các chợ mạng. Ai ngờ người quen, bạn bè và phụ huynh học sinh tin tưởng, đặt mua nhiều quá”, chị Phượng nói.

Từ bán lẻ, bán online, chị Phượng nhận được những đơn hàng bán buôn với số lượng lớn. Văn phòng Trung tâm ngoại ngữ trước đây trở thành kho chứa hàng chục loại hoa quả với số lượng hàng chục tấn mỗi ngày. Từ kế toán, trợ lý đến lễ tân của trung tâm trước đây, giờ cũng bắt tay vào hỗ trợ chị Phượng đi “buôn”.

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 8

Để có hoa quả buôn bán, chị cùng chồng đến mua tận gốc rồi dùng xe của gia đình vận chuyển về cửa hàng bán cho các mối. Hơn 1 năm qua, từ một Giám đốc trung tâm ngoại ngữ có thu nhập hàng tỷ đồng, chị Phượng trở thành “dân buôn” hoa quả chuyên nghiệp, vừa duy trì công việc với mức thu nhập ổn định cho nhân viên cũ vừa có tiền duy trì các trung tâm tiếng Anh chờ thời điểm dịch bệnh chấm dứt và kinh tế được phục hồi.

“Covid-19 không phải khó khăn duy nhất mà tôi gặp phải. Có những khi khởi nghiệp, tôi bị đối tác lừa hết sạch tiền lẫn công sức. Thất vọng, đau khổ rồi tôi lại bắt đầu lại từ đầu. Tôi tâm niệm, nếu khó khăn thì hãy nghĩ đến lý do mình bắt đầu và khi một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra”, chị Phượng bày tỏ.

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 9

Du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 bởi các biện pháp đóng cửa biên giới, áp dụng lệnh hạn chế đi lại, phong tỏa nghiêm ngặt.

Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWRO), Covid-19 đã khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại khoảng 1.300 tỷ USD, khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành mất việc làm và đẩy ngành du lịch toàn cầu thụt lùi về thời điểm 1990.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%..

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 10

Hơn 13 năm làm việc trong ngành du lịch và 5 năm khởi nghiệp với doanh nghiệp lữ hành, công ty của anh Nguyễn Đức Trung (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang có doanh thu gần 20 tỷ mỗi năm thì Covid-19 ập tới.

“Trước Tết Nguyên đán 2020, công ty tôi kí được rất nhiều hợp đồng với các doanh nghiệp lớn, dẫn đoàn đi du xuân, lễ hội... Nhưng sau Tết, Việt Nam xuất hiện ca nhiễm Covid-19 nên toàn bộ tour tuyến và tất cả các hợp đồng bị hủy, tôi phải hoàn trả lại tiền đặt cọc cho các đoàn đã kí”, anh Trung nói.

Choáng váng vì “trận đánh úp” của Covid-19, cả tháng anh Trung loay hoay, không biết phải làm thế nào. Khi ngồi lại, nhận thấy tình hình dịch bệnh không khả quan nên anh đã quyết định cho bán xe ô tô, về quê, lập kế hoạch phát triển dịch vụ và du lịch tại quê nhà.

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 11

Khi dịch Covid-19 vẫn còn hết sức phức tạp, các hoạt động du lịch tạm dừng, đóng cửa, không có doanh thu thì anh dồn tổng lực vào xây dựng dự án của mình ở quê.

Tận dụng nguồn nhân lực sẵn có của địa phương và sự hỗ trợ của anh em, họ hàng, anh Trung tiến hành xây dựng khu vui chơi, bể bơi lắp ghép và khu ẩm thực.

Chỉ sau 1 tháng khởi công, anh đã bắt đầu thu được tiền từ các dịch vụ này với hàng trăm khách hàng là các bạn nhỏ và người dân trong xã và các địa phương lân cận. Vừa kinh doanh, anh Trung vừa tiếp tục triển khai xây dựng khu khách sạn, phòng nghỉ, nhà úp ngược và bể bơi vô cực.

Nhờ nhanh nhạy trong tư duy và sự cố gắng hết mình trong đại dịch, năm 2020, công ty của anh Trung vẫn đạt doanh thu gần 3 tỷ đồng. Khu vui chơi, giải trí của anh tiếp tục tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương và đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực lân cận.

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 12

Câu chuyện của những chủ doanh nghiệp lựa chọn thay đổi để “sống chung với đại dịch” bằng cách sáng tạo ra khẩu trang bằng cà phê đầu tiên trên thế giới; một giám đốc trung tâm du học xắn tay đi buôn hoa quả hay chủ một doanh nghiệp du lịch về quê, thay đổi mô hình kinh doanh để tạo ra lợi nhuận khiến cho chúng ta nhớ đến câu chuyện thay đổi để tiếp tục sống của đại bàng.

Nhắc tới đại bàng, chúng ta biết rằng đó là loài chim mạnh mẽ, được mệnh danh là chúa tể của bầu trời. Nhưng để có thể sống đến 80 tuổi, đại bàng đã phải trải qua một giai đoạn thay đổi khó khăn, thậm chí là đương đầu với tử thần để được tái sinh vào năm 40 tuổi bằng cách tự đập mỏ mình vào vách đá để bỏ đi chiếc mỏ già nua, chờ đợi mỏ mới mọc ra.

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 13

Cũng chính chiếc mỏ mới sẽ là công cụ để nó tự nhổ từng sợi lông trên cơ thể để những chiếc lông mới mọc ra và có được một cơ thể hoàn toàn mới, bay lượn với đôi cánh mạnh mẽ và kiếm mồi bằng bộ móng vuốt sắc nhọn.

Câu chuyện thay đổi của đại bàng dạy chúng ta bài học và sự thay đổi. Giữa những khó khăn chồng chất do tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra, trong bất cứ ngành nghề nào, nếu không thay đổi để thích nghi thì nhanh chóng sẽ bị bỏ lại phía sau.

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái: Vẫn kiếm “bộn” tiền giữa Covid-19 - 14
 

Bài viết: Hồng Cảnh - Anh Thư

Thực hiện: Nãm Trung Nguyên

Thứ Ba, ngày 09/03/2021 19:58 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Cảnh - Anh Thư ([Tên nguồn])