Dậy thì quá muộn có thể gây vô sinh

Sự kiện: Bệnh vô sinh

Nam nữ ngoài 20 tuổi vẫn chưa có hiện tượng dậy thì là bất thường, khả năng sinh sản sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể dẫn đến vô sinh…

Trao đổi với chúng tôi, GS. TS Nguyễn Thu Nhạn – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho hay: Tuổi dậy thì ở bé gái thường được đánh dấu ở độ tuổi từ 9 – 14, bé trai từ 11 – 15. Bên cạnh hiện tượng dậy thì sớm, hiện tượng trẻ dậy thì muộn cũng khiến các bậc phụ huynh vô cùng hoang mang và lo lắng.

Dậy thì muộn là một dạng bệnh lý và cần được tư vấn sớm từ bác sĩ và có sự can thiệp của y học.

Những biểu hiện của dậy thì muộn

Theo các bác sĩ nội tiết, khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì, cơ thể sẽ bắt đầu có những thay đổi. Tâm sinh lý cũng biến đổi khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì.

Ở nữ, biểu hiện cơ thể dễ nhận thấy nhất là sự phổng phao nhanh chóng của cơ thể, ngực phát triển, các đường cong cơ thể xuất hiện, hông nở nang, mọc lông vùng kín,… và xuất hiện kinh nguyệt.

Nam giới khi bước vào giai đoạn dậy thì, chiều cao, cân nặng sẽ phát triển nhanh, chóng, vai mở rộng, cơ bắp bắt đầu phát triển. Điều dễ nhận thấy nhất là tiếng nói trở nên trầm do thanh quản phát triển to rộng ra, có ria mép, râu cằm, lông nách, lông mu, đặc biệt có hiện tượng phóng tinh lần đầu.

Những thay đổi này là do các hormone giới tính (testosterone ở nam và estrogen ở nữ) khiến cơ thể trẻ phát triển và thay đổi để dần đi đến giai đoạn trưởng thành. Do đó, nếu trẻ trong độ tuổi nói trên vẫn chưa thấy hiện tượng dậy thì xuất hiện thì có thể mắc chứng dậy thì muộn.

Dậy thì quá muộn có thể gây vô sinh - 1

Dậy thì muộn do di truyền, bệnh mạn tính, dinh dưỡng…

GS. TS Nguyễn Thu Nhạn cho biết, dậy thì muộn có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân như di truyền, bệnh mạn tính, vấn đề về tuyến yên, tuyến giáp, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý…

Theo đó, trường hợp dậy thì muộn do di truyền khi cha mẹ, chú bác, cô, dì, anh em, chị em, hoặc anh em họ cũng phát triển muộn hơn bình thường. Trường hợp này không cần bất kỳ một điều trị nào, trẻ sẽ dậy thì nhưng chỉ có điều là muộn hơn bình thường.

Một số vấn đề về bệnh mạn tính cũng có thể gây ra sự chậm trễ trong tuổi dậy thì như bệnh: đái tháo đường, bệnh thận, hoặc bệnh suyễn,… Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính dậy thì khi đã nhiều tuổi, do bệnh tật có thể làm cho các cơ quan trong cơ thể phát triển khó hơn.

Với những trường hợp này, các bậc phụ huynh cần cho con đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và có hướng điều trị phù hợp. Những can thiệp sớm này sẽ khiến trẻ đi qua thời kỳ dậy thì một cách bình thường.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý cũng là nguyên nhân khiến quá trình dậy thì diễn ra chậm trễ hơn bình thường. Suy dinh dưỡng dẫn đến không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cũng có thể làm cho dậy thì muộn hơn những người cùng tuổi có chế độ ăn uống tốt, khỏe mạnh, cân đối.

Trạng thái chán ăn, rối loạn ăn uống, thường xuyên giảm cân rất nhiều sẽ làm cho cơ thể không thể phát triển được.

Dậy thì muộn cũng có thể xảy ra vì các vấn đề trong các tuyến yên hoặc tuyến giáp. Các tuyến sản xuất hormone quan trọng cho sự tăng trưởng cơ thể và phát triển.

Vấn đề nhiễm sắc thể: Một số người cũng có thể không dậy thì bình thường vì có vấn đề với nhiễm sắc thể. Vấn đề này có thể gây trở ngại cho quá trình tăng trưởng bình thường. Đối với nữ, hội chứng Turner là một ví dụ của một chứng rối loạn nhiễm sắc thể.

“Trẻ có biểu hiện dậy thì muộn cần được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Trường hợp người dậy thì quá muộn đúng trường hợp giới tính không phát triển sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thậm chí là gây vô sinh” GS. Nhạn khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Thu (Trí Thức Trẻ)
Bệnh vô sinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN