Xem nhẹ cơn tăng huyết áp, suốt đời phải chạy thận

Sự kiện: Bệnh huyết áp

TP HCM - Chàng trai 23 tuổi cảm thấy sụp đổ khi bác sĩ thông báo suy thận giai đoạn cuối, chỉ sau hai tháng phát hiện tăng huyết áp song chủ quan không điều trị.

Nhận kết quả chẩn đoán dịp giáp Tết, chàng trai không tin vào mắt mình. Suy thận mạn giai đoạn cuối, đồng nghĩa cuộc đời anh phải gắn với bệnh viện năm này qua tháng khác, một tuần ít nhất 3 lần lọc máu chạy thận. Chỉ khi được ghép thận, chuỗi ngày lọc máu mới có hy vọng chấm dứt.

Cách đây hai tháng, anh thường xuyên đau đầu, xây xẩm mặt mày, có lúc tê lưỡi, mờ mắt. Một tháng sau, anh đến khám tại cơ sở y tế địa phương, bác sĩ cho biết huyết áp tăng rất cao, khoảng hơn 180 mmHg, có lúc đến 220 mmHg (bình thường khoảng 120 mmHg). Bác sĩ khuyên nhập viện theo dõi để tìm nguyên nhân nhưng anh chần chừ, "đợi qua Tết rảnh rỗi hơn sẽ đi viện".

Mùng ba Tết, anh vào bệnh viện cấp cứu vì không thể chịu đựng nổi các cơn đau đầu. Lúc này, bác sĩ xác định suy thận giai đoạn 5, tức giai đoạn cuối. Thận đã tổn thương nghiêm trọng với mức lọc cầu thận giảm thấp. Gia đình đưa anh vào TP HCM đến Bệnh viện Bình Dân nhập viện điều trị, từ mùng 6 Tết. "Những cơn đau đầu nhiều khi kinh khủng như có vòng thép siết vào đầu", anh nói thêm rằng không hề nghĩ những cơn đau này, cùng các triệu chứng kèm theo như mờ mắt, tiểu đêm, tê lưỡi, da sạm màu lại là các triệu chứng của suy thận.

Ngày 21/2, BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy, Trưởng Khoa Nội Thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân, cho biết xét nghiệm máu đánh giá chức năng thận của người bệnh ghi nhận creatinine lên gần 2.000 mmol/l (nam giới bình thường khoảng 53-106 mmol/l). Hiện, chức năng tim mạch cũng đã bị ảnh hưởng. Chàng trai được chỉ định chạy thận lọc máu cách ngày. Mỗi lần lọc máu khoảng 4 giờ và dùng thuốc để ổn định huyết áp. Sắp tới, nếu tình trạng ổn định, người bệnh sẽ được xuất viện và lọc máu định kỳ tại địa phương.

Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân thăm khám cho chàng trai 23 tuổi trước khi lọc máu. Ảnh: Trần Nhung

Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân thăm khám cho chàng trai 23 tuổi trước khi lọc máu. Ảnh: Trần Nhung

"Rất đáng tiếc", bác sĩ nói. Trường hợp này, các xét nghiệm ghi nhận chàng trai bị suy thận mạn trên nền bệnh viêm cầu thận IgA. Đây là bệnh lý có yếu tố gia đình, gặp ở nam nhiều hơn nữ. Nếu bệnh nhân phát hiện bệnh sớm, có thể đã có hy vọng hồi phục.

Những năm gần đây, số bệnh nhân trẻ bị suy thận ở nhiều mức độ có chiều hướng tăng, không ít trường hợp diễn tiến suy thận mạn giai đoạn cuối. Khoảng 1/3 lượng bệnh tại phòng khám Nội thận, Bệnh viện Bình Dân là người dưới 40 tuổi.

Theo bác sĩ Thùy, tăng huyết áp và bệnh thận thường có mối liên quan chặt chẽ. Tăng huyết áp kéo dài có thể phá hủy các mạch máu, giảm lượng máu đến thận, phá hủy bộ lọc ở cầu thận, từ đó tăng nguy cơ suy thận. Ngược lại, việc suy giảm chức năng thận có thể làm giảm khả năng điều hòa huyết áp, dẫn đến huyết áp tăng. Đa số các trường hợp suy thận ở người trẻ có liên quan tới việc dùng thuốc không kiểm soát, bệnh cầu thận như IgA, lupus...

Có những bệnh nhân không biết bị tăng huyết áp, hoặc biết nhưng thấy bản thân khỏe, nghĩ không nguy hiểm nên không điều trị. Đến lúc phát hiện suy thận, bác sĩ cho rằng nếu kiểm soát tốt huyết áp đã có thể thoát nguy cơ suy thận, mới bày tỏ "hối hận muộn màng". Mới đây, người đàn ông 45 tuổi nhận kết quả suy thận giai đoạn 4, sau thời gian huyết áp thường trên 160mmHg, thỉnh thoảng chóng mặt, nhưng chủ quan không uống thuốc kiểm soát huyết áp.

Suy thận thường được phát hiện muộn do những tổn thương tiến triển âm thầm, hầu hết người bệnh không tự phát hiện khi suy thận ở mức độ nhẹ. Khi có triệu chứng lâm sàng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng. Một số triệu chứng thường gặp là phù, thường xuyên mệt mỏi, da thay đổi màu sắc như nhợt nhạt, sạm, tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít hơn bình thường, giấc ngủ không sâu, huyết áp tăng cao...

"Suy thận ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh, đặc biệt là người bệnh trẻ ít để ý để đi khám, lơ là các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo như đau đầu, tăng huyết áp, nghĩ là không nghiêm trọng", bác sĩ nói.

Nhiều bệnh nhân đến trong tình trạng đã suy thận mức độ 3-4, thậm chí là suy thận mạn giai đoạn cuối không hồi phục và buộc phải lọc máu định kỳ. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt và công việc, đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ điều trị.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên tự ý dùng thuốc, các loại lá cây có dược tính để dùng với mục tiêu làm đẹp hay chữa bệnh mà không rõ thành phần của thuốc và chức năng thận của bản thân. Nên đi khám ngay nếu thấy có các triệu chứng bất thường như phù, tiểu đêm, đau đầu, tăng huyết áp... Đặc biệt, nếu phát hiện tăng huyết áp cần chú ý kiểm soát, không chủ quan, lơ là vì dễ dẫn đến những bệnh nguy hiểm như suy thận, đột quỵ.

Đối với gia đình có người bị suy thận, bệnh viêm cầu thận IgA, các thành viên cùng huyết thống nên tầm soát chức năng thận, xét nghiệm đạm niệu, đạm máu để đánh giá và nhận biết sớm các vấn đề bệnh lý.

Nguồn: [Link nguồn]

Trái với suy nghĩ thông thường, cà phê thực sự có tác động tích cực đến người bệnh cao huyết áp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Phương ([Tên nguồn])
Bệnh huyết áp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN