Vaccine dịch vụ: Loạn nhà phân phối, đấu thầu

Cùng một loại Vaccine tiêm dịch vụ của Pháp nhưng tại Việt Nam lại có nhiều công ty nhập khẩu và phân phối khác nhau.

Việc sử dụng vaccine của công ty phân phối nào lại không được chỉ định rõ ràng từ phía Bộ Y tế mà do các trung tâm tự tổ chức đấu thầu.

Loạn nhà phân phối nên cũng loạn giá

Trên thực tế tại thị trường Việt Nam, ngoài loại vắc-xin 5 trong 1 có tên Quinvaxem (nguồn gốc Hàn Quốc) nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng (được tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi tại các trạm y tế xã/phường/thị trấn) thì còn có một loại vắc-xin 5 trong 1 khác có nguồn gốc từ Pháp (có tên Pentaxim, ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib, bại liệt) và một loại vắc-xin 6 trong 1 (có tên Infranrix, ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, Hib) có nguồn gốc từ Bỉ.

Cả 2 loại này không nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (miễn phí) mà đều dùng trong tiêm chủng dịch vụ của các Trung tâm Y tế dự phòng, các phòng khám, bệnh viện tư nhân với mức giá 550.000 - 635.000 đồng/liều (với vắc-xin 5 trong 1) và 600.000 - 680.000 đồng/liều (với vắc-xin 6 trong 1).

Vaccine dịch vụ: Loạn nhà phân phối, đấu thầu - 1

Vaccine 5 trong 1 có tên Pentaxim của Pháp

Việc phân phối các loại vaccine này không trực tiếp từ một đầu mối đã được Bộ Y tế chỉ định, mà nó được nhiều công ty nhập về và phân phối bằng hình thức đấu thầu đến các trung tâm tiêm dịch vụ, phòng khám và bệnh viên tư nhân với nhiều loại giá khác nhau. Cũng bởi vậy mà giá thành Vaccine ở mỗi Trung tâm tiêm dịch vụ trên cả nước có sự chênh lệch đáng kể.

“Không có cơ quan nào quản lý giá chích ngừa vaccine dịch vụ. Do đó, mỗi cơ sở y tế tự xây dựng giá cho mình trên cơ sở giá đấu thầu đầu vào và các chi phí kèm theo” - Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Nhật Cảm – Phó GĐ Trung Tâm Y tế dự phòng Hà Nội  cho biết: “Thông thường, một số cơ sở y tế miễn phí tiền khám và chỉ thu tiền vaccine và chi phí, tiền công tiêm. Nhưng ở một số cơ sở y tế lại thu cả tiền khám sàng lọc trước khi tiêm. Giá tiêm vaccine dịch vụ ở mỗi cơ sở đã được tính toán hợp lý, bao gồm cả kim tiêm, tiền công bác sĩ khám…”

Về giá gốc nhập vào của loại vaccine 5 trong 1 của Pháp và 6 trong 1 của Bỉ, ông Cảm cho biết: “Do có nhiều đơn vị phân phối khác nhau nên dẫn đến việc giá nhập vào cũng khác nhau, vì vậy các trung tâm tự điều tiết để phù hợp”

Do đó, nếu so với giá gốc nhập về thì mỗi liều vaccine dịch có thể bị đội giá lên từ 70.000 – 100.000 đồng. Theo một bác sĩ phòng khám tư nhân (đề nghị xin giấu tên) đã được cấp phép tiêm dịch vụ thì giá của một liều vaccine khi nhập về bằng khoảng 70% - 80% so với giá niêm yết tại các trung tâm tiêm chủng dịch vụ. 

Hiện tại, với loại vaccine 5 trong 1 của Pháp và 6 trong 1 của Bỉ được khá nhiều doanh nghiệp nhập về do lợi nhuận cao, nhu cầu nhiều. Điển hình như Cty TNHH MTV Dược Sài Gòn, Cty Cổ phần Dược liệu trung ương 2 và Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh (chủ dự án tiêm chủng SAFPO)...

Vaccine dịch vụ: Loạn nhà phân phối, đấu thầu - 2

Mẫu vắc-xin 5 trong 1 của Hàn Quốc sản xuất làm 5 trẻ tử vong gần đây

Ai cũng có thể mở trung tâm tiêm dịch vụ?

Chỉ cần có đầu đủ các giấy tờ được cho phép về khám chữa bệnh, mở phòng khám, bệnh viện thì ai cũng có thể mở phòng tiêm chủng dịch vụ.

Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở y tế nếu đáp ứng được điều kiện về bảo quản, sử dụng vaccine thì được tiêm dịch vụ cho người dân. Chính vì vậy, trong thời gian qua, số cơ sở y tế (trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện tư nhân) đăng ký mở dịch vụ tiêm chủng vaccine ngày càng nhiều, chất lượng không rõ thế nào nhưng giá cả thì mỗi nơi mỗi khác dù giá gốc của vaccine từ các nhà cung cấp gần như giống nhau. Thậm chí, cùng một nhà cung cấp một loại vaccine như nhau nhưng khi về các cơ sở y tế lại có giá khác nhau.

Theo giám đốc phòng khám Nhi khoa tư nhân H.P (Lò Đúc – Hà Nội) cho biết, điều kiện để được làm dịch vụ tiêm chủng khá đơn giản. Chỉ cần chứng minh được nguồn nhập thuốc hợp pháp, các hóa đơn chứng từ mua thuốc vaccine từ các doanh nghiệp được nhà nước cho phép nhập và phân phối vaccine cùng với điều kiện bảo quản vaccine đoạt chuẩn và giấy phép mở phòng khám, bệnh viện tư nhân là có thể xin phép mở cịh vụ tiêm chủng.

Thực ra lãi thu về không lớn so với giá nhập vào, nhưng với số lượng bán ra hàng ngày như hiện nay thì doanh thu cũng không hề nhỏ. Nó thậm chí là nguồn nuôi sống các trung tâm y tế, phòng khám trong thời điểm có quá nhiều phòng khám, bệnh viện tư nhân được mở ra và cạnh tranh lẫn nhau” – vị giám đốc này cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhân Mã (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN