Trẻ dễ thiệt mạng vì sặc thuốc si rô

Sặc là tình huống rất thường gặp ở trẻ. Nếu như không biết cách nhận biết, xử trí rất dễ để lại hậu quả đáng tiếc.

Chết oan vì bị sặc

Mới đây, thông tin về cháu bé ở Krông Kmar, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) tử vong sau khi uống thuốc si rô bị nghi do cháu sặc thuốc đã khiến cho nhiều người lo ngại.

Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị tử vong hoặc tím tái do sặc nước, hóc dị vật đường thở. Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cũng đã từng cấp cứu bé gái 10 tháng tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội trong tình trạng ngưng thở, ngưng tim. Dù các bác sỹ đã đặt nội khí quản, nỗ lực cấp cứu nhưng không kịp. Người nhà cho biết, như mọi ngày, mẹ để bé nằm bú bình, vừa bú vừa ngủ. Sau vài giờ làm việc vặt, mẹ bé tá hỏa khi thấy toàn thân con tím tái.

Trẻ dễ thiệt mạng vì sặc thuốc si rô - 1

Khi bị sặc nước, si rô dẫn đến tím tái cha mẹ cần nhanh chóng hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Ảnh minh họa

BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho rằng, sặc là một phản xạ co thắt thanh môn, khi có đồ ăn thức uống hay dị vật lọt vào khí quản làm tắc nghẽn đường thở, hậu quả xấu nhất là dẫn đến tử vong. Trẻ bị sặc si rô, sặc nước thường là do vừa khóc vừa uống. Các bé thường sợ uống thuốc mà các phụ huynh lại hay sốt ruột, lo lắng nên đổ vội vào miệng đứa bé đang giẫy khóc. Thậm chí có khi còn bóp mũi cho bé há miệng ra để đổ thuốc vào. Chưa kể đến việc cho bé dưới 1 tuổi uống cả viên cho mau khỏi bệnh.

Khi bị sặc, trẻ thường có những biểu hiện ho sặc sụa, khóc to. Điều này làm các chất bị hít sâu vào khí quản hoặc phế quản gây ngạt thở, tím tái. Trẻ có biểu hiện khó thở, thở dốc, thở gấp, hai mắt trợn ngược. Đối với những trường hợp nặng trẻ có thể bị ngừng thở và dẫn đến tử vong.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, sặc ở trẻ em xảy ra khi dị vật lọt vào đường hô hấp là một tai nạn hết sức phổ biến, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi. Sặc thuốc si rô cũng là một dạng hóc dị vật đường thở và có thể khiến trẻ bị tử vong do bị ngạt thở. Với trẻ em, chỉ ngưng thở 4 phút đã gây ra chết não. Một số trường hợp cứu sống được thì đứa bé cũng bị di chứng não thành tàn tật suốt đời như bị bại não do não không được cung cấp ôxy trong thời gian bé bị ngưng thở.

Lưu ý khi cho trẻ uống thuốc si rô

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, việc xử lý cấp cứu tại chỗ đúng cách trong những phút đầu tiên ngay sau khi bé bị sặc là điều vô cùng quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

Khi trẻ bị thuốc si rô hoặc sặc nước, sặc sữa… cần hết sức bình tĩnh thực hiện sơ cứu trẻ theo các bước: Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 6 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài. Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức.

Sau đó, thông đường thở bằng cách dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ những nước, sữa để tránh không ứ đọng trong mũi, miệng. Hút miệng trước, mũi sau. Đối với trẻ có biểu hiện ngưng thở, có thể kết hợp các biện pháp trên với hà hơi thổi ngạt, cụ thể ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên.

Trong trường hợp hóc dị vật lớn, mọi người dùng thủ thuật Heimlich là thủ thuật dùng để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở và choán gần hết diện tích của đường thở. Nguyên tắc của Heimlich là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài. Sau đó, đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Theo BS Trương Hữu Khanh, khi bé đang ọc, ói hay sặc chỉ cần cho trẻ nằm nghiêng sang một bên hoặc hà hơi thổi ngạt chứ không cần móc họng. Dựng bé lên để bớt sặc chỉ làm bé mệt thêm. Sau khi trẻ bị ói, ọc hay sặc đừng ép trẻ ăn uống luôn, cần cho bé nghỉ một chút.

Với thuốc loại si rô, cha mẹ không nên cho trẻ uống khi trẻ đang quấy khóc. Ngoài ra, thuốc sirô thường có vị ngọt nên trẻ thường rất thích uống. Cha mẹ nên lưu ý không cho trẻ uống nhiều vì nếu uống quá lượng quy định sẽ gây ngộ độc. Cũng tránh cho trẻ uống si rô trước giờ đi ngủ vì chất đường sẽ gây viêm lợi hay phá hủy men răng của trẻ, sau khi uống cần vệ sinh răng miệng để loại bỏ chất đường bám trong miệng. Nếu trẻ phải dùng loại thuốc si rô có tác dụng bổ máu do thiếu sắt nên dùng ống hút hoặc đổ thuốc ra thìa và đưa sâu vào miệng trẻ tránh cho thuốc tiếp xúc trực tiếp với răng trẻ có thể làm cho răng trẻ bị xỉn màu.

Các bước thủ thuật Heimlich:

- Bước 1: Người cứu đứng sau lưng nạn nhân, một chân trước, một chân sau; chân trước lồng giữa hai chân nạn nhân.

- Bước 2: Vòng hai tay ra trước, quàng lấy bụng nạn nhân, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong (lòng bàn tay này úp xuống), áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của nạn nhân.

- Bước 3: Giật lên thật mạnh và đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4-5 cái dứt khoát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN