Tăng giá viện phí, bệnh nhân dễ thở hơn?

Đã tròn một tuần kể từ ngày Hà Nội chính thức tăng giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh. Khảo sát một số bệnh viện tại Hà Nội cho thấy, chất lượng khám, chữa bệnh đã được cải thiện, tuy nhiên tình trạng quá tải vẫn tồn tại kéo theo vấn nạn phong bì chưa thuyên giảm.

Mát hơn, đỡ chật hơn

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa lắp đặt quạt điện, điều hòa tại khu vực khám bệnh, đồng thời bố trí thêm bàn khám, cử người hướng dẫn để giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Thêm vào đó, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu tăng số giờ khám bệnh, y bác sĩ bắt đầu làm việc từ 7h sáng để phục vụ những người dân từ tỉnh xa về. Trao đổi với Báo Giao thông, Tiến sỹ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng, việc tăng viện phí từ ngày 1/8 là cần thiết, kịp thời và là “cú hích” để cải thiện dần hoạt động khám, chữa bệnh. “Tinh thần, chủ trương của bệnh viện là không phải đợi viện phí tăng thì mới nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, khi áp dụng mức viện phí mới, như một động lực, áp lực để chúng tôi đẩy nhanh hơn việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” - ông Nguyễn Duy Ánh cho biết.

Tăng giá viện phí, bệnh nhân dễ thở hơn? - 1

Sau khi tăng giá, cảnh chen chúc xếp hàng khám bệnh đã giảm bớt. Ảnh: Khánh Linh

"Về mức giá viện phí hiện nay, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh nói: “Giá này là phù hợp lắm rồi, dân mình còn nghèo khổ lắm”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Gia Thức - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông lại nhận định: “Mức tăng này chưa thấm tháp gì bởi mới chỉ bù đắp một phần, chưa tính vào đó tiền công của bác sĩ, tiền khấu hao máy móc, thiết bị, tiền bồi dưỡng trong phẫu thuật mà Nhà nước đã quy định... và về lâu dài, muốn tính đúng, tính đủ thì phải điều chỉnh tiếp giá viện phí”.

Chị Thanh Mai, đang mang thai sắp đến ngày sinh cho biết, chị vẫn thường khám ở bệnh viện và nhận thấy những ngày gần đây, thủ tục khám dường như nhanh hơn. “Tôi đi siêu âm thai chỉ mất chừng 15 phút chờ lấy số khám, rồi chừng đó thời gian chờ vào phòng bác sỹ, sau đó mất chừng 30 phút chờ và siêu âm nữa. Phòng siêu âm, phòng khám có điều hòa, hành lang có quạt trần, cũng dễ chịu. Nhiều khi siêu âm tại phòng khám tư còn phải đợi lâu hơn” - chị Thanh Mai vui vẻ.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng vừa tăng số bàn khám, sắp xếp lại phòng khám cho gọn nhẹ, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Mọi dữ liệu đều được nhập vào máy tính để tăng tính công khai, minh bạch. Trước ngày 1/8, mọi thông tin về bệnh nhân khám, điều trị tại bệnh viện phải nhập thủ công vào sổ sách, mất thời gian của cả cán bộ nhân viên bệnh viện và bệnh nhân. Theo Giám đốc Nguyễn Gia Thức - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông: “Nâng cao chất lượng là mục tiêu đòi hỏi phải có cả quá trình phấn đấu. Khi tăng viện phí, chúng tôi đã quán triệt đến cán bộ, y bác sĩ phải có thái độ lịch thiệp, nhã nhặn hơn nữa với bệnh nhân, đồng thời niêm yết bảng giá mới để mọi người tiện theo dõi. Sắp tới, chúng tôi sẽ bố trí bình nước uống dọc hành lang”.

Giảm tải phải từ từ

Có quy mô 350 giường bệnh nhưng tới nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn trong tình trạng quá tải, bình quân mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt người bệnh đến khám và điều trị. Bệnh viện này đã phải kê lên 600 giường nhưng vẫn không đáp ứng hết được nhu cầu của người dân. Tình trạng bệnh nhân chung giường, người nhà bệnh nhân ngổn ngang chen chúc ở hành lang bệnh viện vẫn tồn tại. “Hiện, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng thêm một khu nhà 10 tầng để giảm tải cho Bệnh viện, dự kiến đến năm 2015 sẽ đưa vào sử dụng” - ông Nguyễn Duy Ánh nói.

Về nạn phong bì vốn là vấn nạn nhức nhối trong các cơ sở y tế hiện nay, ông Nguyễn Duy Ánh cho biết, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã “cấm tiệt” chuyện lấy tiền của người bệnh. “Nếu phát hiện y bác sĩ nào nhận tiền sẽ có biện pháp xử lý nghiêm như phạt một năm tiền đời sống, không được hành nghề trong vòng 3 tháng. Đã từng có người chỉ vì nhận 20.000 đồng của bệnh nhân mà bị đuổi việc”, ông Ánh nói. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Vân (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) có con dâu tên Thúy vừa sinh ở Khoa A3 của Bệnh viện cho biết: “Cháu Thúy có bảo hiểm, nhưng khi mổ đẻ gia đình vẫn bồi dưỡng 3 triệu đồng cho ca mổ. Bác sỹ không đòi, nhưng gia đình tự nguyện”. Có lẽ do bệnh viện quá tải, nên việc quản lý, giám sát “vấn nạn phong bì” vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Ngọc (Giaothongvantai.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN