Nơi "khát" bệnh nhân cần được phát triển

"Phát triển mạng lưới các bệnh viện tuyến dưới sẽ góp phần giảm tải". Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định.

Có thể nói,chưa bao giờ vấn đề quá tải bệnh viện được nói đến nhiều như vậy. Tại các bệnh viện, hình ảnh bệnh nằm ghép 2, 3 người một giường không phải chuyện hiếm.

Tại Hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng chính phủ về Đề án giảm tải bệnh viện ngày 22/3, ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện là do sự thay đổi cơ cấu bệnh tật, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao, đầu tư cơ sở hạ tầng cho y tế chưa đáp ứng…

Tuy nhiên, thực tế tình trạng quá tải diễn ra không đồng đều giữa các bệnh viện, chuyên khoa. Có nơi quá tải thực sự, có nơi mong quá tải, có nơi thì muốn bệnh nhân đến mà không có. Do đó, Bộ Y tế đã thí điểm triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh về chuyên ngành ngoại khoa và nội khoa để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp trang thiết bị y tế, tư vấn khám cho các bệnh viện tuyến dưới.

Ông Khuê cho biết, Bộ Y tế sẽ hình thành và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh tại một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh, thành trực thuộc TW. Các chuyên khoa hiện đang quá tải trầm trọng là ngoại chấn thương, tim mạch, ung bướu, sản và nhi.

Nơi "khát" bệnh nhân cần được phát triển - 1

Tình trạng quá tải bệnh viện diễn ra gây bức xúc cho người bệnh

Cũng theo ông Khuê, tình trạng quá tải bệnh viện diễn ra cũng gây bức xúc cho người bệnh. Đây là mối quan tâm của toàn xã hội. Ông Khuê chỉ ra nguyên nhân sâu xa là do sự hạn chế về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của tuyến dưới.

Theo Bộ Y tế, thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh sẽ góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên...

Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định, muốn giảm tải bệnh viện thì nhóm giải pháp căn bản là tăng cường y tế dự phòng và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Cụ thể sẽ thiết lập hệ thống bác sĩ gia đình để quản lý sức khoẻ ban đầu ngay tại cộng đồng, sàng lọc bệnh, hạn chế tự ý lên tuyến trên khám, điều trị không cần thiết. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu, sàng lọc sớm các bệnh không lây nhiễm, quản lý bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết tại trạm y tế xã…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN