Lái xe cứu thương: Chạy đua với tử thần

Áp lực chuyển bệnh nhân nhanh nhất luôn đè nặng trên vai tài xế xe cứu thương. Họ trải qua nhiều chuyện buồn vui mà chỉ người trong nghề mới thấu hiểu.

Chúng tôi gặp tài xế Nguyễn Phước Thanh khi ông đang chuẩn bị đưa bệnh nhân N.T.P, từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM về quê huyện Tân Châu - An Giang. Con trai cụ P. nhỏ nhẹ: “Ba tôi bệnh nặng quá, BV trả về. Gia đình mong muốn đưa ông về kịp đến nhà trước khi nhắm mắt, mong các anh giúp hết sức”.

Đầy căng thẳng

Sau khi cụ P. hoàn tất thủ tục xuất viện, ông Thanh cho xe cứu thương trờ tới đưa bệnh nhân lên trong tiếng thút thít của người nhà. Hơn 25 năm lái xe cứu thương, ông Thanh cho biết khi bệnh nhân bị BV “chê”, gia đình nào cũng mong mỏi đưa người thân kịp về đến nhà trước lúc qua đời, trừ trường hợp bất khả kháng.

Chiếc xe cứu thương từ từ qua cổng BV rồi rẽ vào đại lộ Võ Văn Kiệt, tiếng còi hụ phát ra inh ỏi. Kim đồng hồ tốc độ dần dần vươn tới con số 100 km/giờ. Chiếc xe lao băng băng trong buổi chiều đầy mưa phùn. Gương mặt tài xế Thanh đầy căng thẳng trước áp lực phải đưa cụ P. về đến nhà an toàn như kỳ vọng của người nhà vì họ đang đau đáu lo sợ cụ không chống cự được tử thần.

Lái xe cứu thương: Chạy đua với tử thần - 1

Đưa một bệnh nhân lên xe cứu thương chuyển về quê

Ngồi phía sau xe, ông Trần Văn Minh, một điều dưỡng đã nghỉ hưu, luôn tay bóp bóng bơm ôxy cho cụ P. Khi vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, xe đạt tốc độ hơn 110 km/giờ, cũng là lúc cụ P. có dấu hiệu tim ngừng đập. Tài xế Thanh liền cho xe dừng lại, điều dưỡng Minh khởi động máy thở. Những đôi mắt đỏ hoe của người nhà bệnh nhân căng thẳng theo dõi từng thao tác của nhân viên y tế. Huyết áp cụ P. dần tăng lên, tim đập trở lại. Chiếc xe cứu thương tiếp tục lao về An Giang. “Ráng lên ba ơi, sắp về tới nhà rồi” - con trai cụ P. thì thầm. “Tôi chỉ mong sao anh trai kịp gặp con cháu lần cuối tại nhà mình” - người em gái cụ P. nghẹn ngào.

Tiếng còi hụ réo vang qua những vùng quê trong niềm hy vọng của người nhà cụ P. Đến Quốc lộ 30, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp, đường xuất hiện đầy ổ gà, xe phải chạy chậm lại. “Đường sá thế này, nếu đi nhanh bệnh nhân sẽ bị sốc, dễ dẫn đến tử vong” - ông Thanh giải thích. Đến 18 giờ, rốt cuộc, cụ P. cũng về đến nhà an toàn trong sự mong mỏi của người thân.

“Đưa kịp bệnh nhân về đến nhà trước khi họ tử vong, xem như chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ” - ông Thanh thở phào, khuôn mặt dãn ra.

Bị hành hung, “xù” tiền…

Tháng 9 hằng năm là bắt đầu vào mùa mưa, những chuyến đưa bệnh nhân về miền Trung, miền Bắc càng trở nên gian nan hơn do bão lũ, đường sá lầy lội. “Người nhà cứ thúc mình chạy hết tốc độ nhưng nếu chạy nhanh quá, bệnh nhân lại bị sốc, rất dễ tử vong giữa đường” - ông Thanh cho biết.

Tài xế Thanh và điều dưỡng Minh vẫn còn nhớ như in chuyến đưa một bệnh nhân về Thái Bình vào mùa mưa năm 2011. “Gặp lũ, chúng tôi không thể đưa bệnh nhân về quê nhanh được, đành chịu thua trong cuộc đua với tử thần. Vào mùa mưa bão, những chuyến xe về miền Trung, miền Bắc luôn tiềm ẩn nguy hiểm. Không ít lần, xe chở bệnh nhân phải dừng lại hàng giờ chờ nước rút” - ông Thanh áy náy.

Nhiều khi bệnh nhân tử vong trước lúc về đến nhà, tài xế xe cứu thương còn đối mặt nguy hiểm vì bị người thân của họ đe dọa, hành hung. “Họ đổ lỗi rằng chúng tôi và BV đã giết người thân của họ” - tài xế Trần Quốc Hưng, đội xe cứu thương Trúc Lâm - TPHCM, buồn bã. Khi bệnh nhân gặp sự cố, gia đình thường tìm cách kỳ kèo tiền xe, thậm chí… không thèm trả! “Gặp trường hợp vậy, chúng tôi cũng chẳng làm gì được” - anh Hưng ngao ngán.

Tài xế xe cứu thương còn gặp nhiều tình huống oái oăm trên đường chuyển bệnh nhân.  Hai năm trước, anh Hưng chở một người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu, lúc người nhà đến kiểm tra lại tài sản thì bảo thiếu và cho rằng anh lấy. Hôm sau, cô điều dưỡng đi cùng anh cũng bị công an mời lên làm việc...

Vất vả, căng thẳng chạy đua với tử thần nhưng khi đưa bệnh nhân về đến nhà, nhiều khi thấy gia đình họ quá khó khăn, tài xế xe cứu thương không nỡ lấy tiền hoặc chỉ nhận chi phí xăng dầu. “Mới đây, tôi chở một bệnh nhân về Đắk Lắk. Người này đã nghèo lại nằm viện cả năm, chi phí điều trị hàng trăm triệu đồng. Thấy hoàn cảnh gia đình như vậy, tôi chỉ lấy tiền xăng dầu, miễn phí khoản thuê xe” - anh Hưng nhớ lại.

Ám ảnh kẹt xe

Chuyển bệnh nhân mà gặp kẹt xe luôn là nỗi ám ảnh với cánh tài xế xe cứu thương. Ông Thảo, lái xe cứu thương đã 4 năm ở BV Đa khoa khu vực Thủ Đức, ngán ngẩm: “Kinh hoàng nhất là chở bệnh nhân vào giờ cao điểm, đường kẹt cứng mà không ai chịu nhường dù chúng tôi đã bật còi hụ inh ỏi. Người nhà lo lắng chồm ra ngoài nài nỉ, la hét cũng vô vọng”. Cánh tài xế xe cứu thương vẫn kể cho nhau nghe chuyện một bé gái con vợ chồng bác sĩ tử vong trên đường đi cấp cứu do kẹt xe trên xa lộ Hà Nội. “Ý thức nhường đường cho xe cứu thương của nhiều người dân còn thấp” - ông Thảo nhận xét.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo SỸ ĐÔNG (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN