“Bửu bối” chống ngáy: Hiệu quả tới đâu?

Nhiều trang mạng mua bán trực tuyến đang ồn ào quảng cáo một số thiết bị chống ngáy có công dụng thần kỳ, thiết kế dưới dạng gối nằm, máy đeo tay… với giá từ vài trăm ngàn đến gần 3 triệu đồng/sản phẩm.

Tại một số cửa hàng thiết bị y tế, những mặt hàng này cũng đang được nhiều người hỏi mua vì bị hấp dẫn bởi lời giới thiệu: “thiết bị chống ngáy hiệu quả, mang lại giấc ngủ ngon, mau chóng hồi phục sức khoẻ”. Những mặt hàng này có đúng là “bửu bối” chống ngáy?

Tác dụng ru ngủ đến từ... quảng cáo

Theo quảng cáo của nhà sản xuất, gối chống ngáy có định hình đặc biệt giúp điều chỉnh sự gấp khúc của đường thở trong khi ngủ, luồng khí khi đi qua khí quản được lưu thông tự do, thông thoáng, chấm dứt ngay tiếng ngáy và mang lại giấc ngủ êm ái. “Chiếc gối trị liệu này chế tạo ra để giúp ngủ dễ dàng ở cả hai vị trí bên phải và bên trái. Vỏ gối làm từ chất liệu gồm 80% cotton và 20% polyester luôn cho người ngủ cảm giác sạch sẽ và thoáng mịn… Nhiều thử nghiệm đã chứng minh sử dụng chiếc gối trị liệu này trong thời gian ít nhất 30 đêm có thể giúp ngăn chặn hiện tượng ngủ ngáy và trị liệu chứng ngừng thở khi ngủ…”, một nhân viên bán hàng của công ty A. trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM tiếp thị.

“Bửu bối” chống ngáy: Hiệu quả tới đâu? - 1

Hình ảnh quảng cáo máy chống ngáy trên một trang mạng mua bán trực tuyến. Ảnh: T.L

Còn máy chống ngáy thì được quảng cáo áp dụng phương pháp phản xạ sinh học, đeo tay khi ngủ. Khi máy phát hiện ra tiếng ngáy, các xung điện nhẹ trên máy sẽ khởi động và tác động vào da, cùng dây thần kinh của người ngáy. Khi bộ não nhận được tín hiệu, sẽ kích thích người ngủ thay đổi tư thế nằm, tăng căng cơ của cơ cuống họng bằng cách tạo những sóng massage nhẹ và kết quả làm giảm ngáy mà không đánh thức người ngủ. Nếu đeo máy hàng đêm, sẽ đạt kết quả trị liệu tốt từ 6 – 8 tuần.

Chủ yếu tác động vào tâm lý

TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, khoa tai mũi họng bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, cơ chế gây ngáy lúc ngủ là khi hít thở, luồng không khí đi qua chỗ hẹp (eo họng miệng, họng mũi, hốc mũi…), làm rung động các bộ phận mềm (màn hầu, lưỡi gà, đáy lưỡi…) và phát ra âm thanh (tiếng ngáy). Có nhiều nguyên nhân gây ra ngáy như: amiđan to, đáy lưỡi lớn, vẹo vách ngăn, viêm mũi quá phát, polyp mũi, u hốc mũi, u hạ họng và thanh quản, màn hầu lưỡi gà to dài, liệt dây thần kinh quặt ngược hai bên làm liệt khép thanh môn…

Ngoài ra, lạm dụng thuốc ngủ, an thần, uống rượu nhiều cũng làm tăng ngáy. Những người mập, béo phì, cổ ngắn… dễ bị chứng ngủ ngáy vì đường thở qua eo họng bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn khi ngủ. BS Dũng phân tích: “Xét về phương diện khoa học trị liệu, các thiết bị chống ngáy nếu thật sự chữa được chứng ngáy như họ quảng cáo thì thiết bị đó phải giải quyết được những nguyên nhân nói trên. Tức là thiết bị đó phải chữa được tình trạng có tính bệnh lý như cổ họng bị hẹp, màn hầu lưỡi gà to, liệt khép thanh môn, amiđan to hay các vấn đề thể trạng như béo phì hoặc từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc, uống rượu… Điều đó rõ ràng là không thể bởi đây là vấn đề cần phải điều trị bằng các can thiệp cụ thể bằng thuốc hay các phẫu thuật, bằng ý chí, sự luyện tập của người bệnh”.

Theo PGS.TS.BS Lê Thị Ngọc, Hội Tai mũi họng Việt Nam, các thiết bị chống ngáy chủ yếu tác động vào tâm lý người bệnh, chứ không có cơ sở khoa học để nói điều trị được bệnh. “Người bệnh nên thận trọng khi dùng những thiết bị đó vì chưa có thử nghiệm lâm sàng nào kiểm chứng hiệu quả. Ngáy là một triệu chứng cần điều trị đúng cách sớm. Nếu đó là biểu hiện của hội chứng ngưng thở khi ngủ mà người bệnh chỉ tin tưởng vào các thiết bị chống ngáy, không lo điều trị sớm, làm bệnh nặng hơn, sẽ dễ bị biến chứng tim mạch nặng nề, thậm chí có thể đột tử. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng ngáy, người bệnh cần đi khám để tìm ra nguyên nhân cụ thể, mức độ nặng nhẹ, trên cơ sở đó mới có phương pháp điều trị hiệu quả”, BS Ngọc lưu ý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Giang – Hữu Tùng (Sài gòn Tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN