"Sát thủ phòng thu" kể chuyện đời

Sự kiện: Sao Việt

Hình như khuôn mẫu tính cách nghệ sĩ thông thường không đúng với nhạc sĩ Anh Quân: đây là một con người hết sức khó tính (đến mức có biệt danh là “sát thủ phòng thu”), lại có niềm đam mê lớn với công nghệ máy tính (album Tóc ngắn do anh thực hiện được coi là album tiên phong của làng nhạc Việt Nam áp dụng công nghệ này).

Hình như khuôn mẫu tính cách nghệ sĩ thông thường không đúng với nhạc sĩ Anh Quân: đây là một con người hết sức khó tính (đến mức có biệt danh là “sát thủ phòng thu”), lại có niềm đam mê lớn với công nghệ máy tính (album Tóc ngắn do anh thực hiện được coi là album tiên phong của làng nhạc Việt Nam áp dụng công nghệ này). Về sự cầu toàn nổi tiếng của chồng, trong một lần trả lời báo chí, ca sĩ Mỹ Linh giải thích: “Tôi nghĩ nếu buộc phải chọn giữa việc bị người ta ghét hoặc bị người ta khinh thì anh Quân sẽ luôn chọn cái thứ nhất”.

"Sát thủ phòng thu" kể chuyện đời - 1

Nhạc sĩ Anh Quân

Những nốt nhạc đầu tiên Anh Quân được học là ở nhà hay ở trường?

Ở Nhạc viện Hà Nội. Vào trường, tôi hoàn toàn không biết một nốt nhạc nào, có lẽ do bố mẹ tôi chỉ vì thấy tôi có chút năng khiếu âm nhạc nên đã cho tôi vào đó học – học được thì tốt mà không học được thì thôi! Đến giờ tôi vẫn nghĩ hình như bố mẹ mình thời đó không muốn mình theo nghề này. Bởi một điều đơn giản: những năm 1976 – 1977 ấy, cuộc sống khó khăn quá, người làm nghệ thuật lại càng khó khăn. Nhất là trong quan niệm của một số người, đàn hát chẳng qua chỉ là một nghề “bông phèng” mà thôi! Nhưng rồi tôi đã yêu thích và gắn bó với cái nghề đó cho đến tận bây giờ. Nhìn lại, tôi thấy mình quả “có duyên có số” khi bước vào trường nhạc.

Thế còn chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời và bắt đầu cuộc sống tự lập ở tuổi thiếu niên?

Không chỉ mình tôi, năm ấy cả nước có tới mười đứa trẻ tuổi 14 như tôi được tuyển chọn do có thành tích học tập xuất sắc cùng lên đường sang học trung cấp âm nhạc tại nhạc viện Traicốpxki – Nga. Trong những năm từ 1986 – 1991, chúng tôi đã trưởng thành rất nhiều tại ngôi trường này. Từ 1990, do học bổng không còn, tôi và một số bạn cùng học như Huy Tuấn, đã tính việc làm thế nào để có thể học hỏi thêm về âm nhạc. Chúng tôi chọn Đức, nơi có nhiều nhạc sĩ giỏi, một cái nôi nghệ thuật của cả châu Âu. Khi đó, tôi đã rất thích nhạc nhẹ. Tôi muốn chuyên tâm theo đuổi dòng này. Và thế là cuộc sống xa nhà, vừa đi làm vừa tranh thủ học thêm của tôi và các bạn bắt đầu ở tuổi 19. Tôi đã làm tất cả những nghề có trên đời mà mình có cơ hội làm lúc đó như rửa bát thuê, bồi bàn… nói chung là lao động chân tay. Tiền kiếm được là để trang trải cuộc sống, học phí. Ở Đức, tôi và Huy Tuấn cũng như nhiều người khác không thể đủ giấy tờ hợp lệ để có thể đi học một cách đàng hoàng tại các trường nhạc có tên tuổi nên phải học ở trường tư, học bạn bè, tự học qua sách vở… Tự học rất quan trọng, không chỉ với âm nhạc, tôi tin thế.

Có phải là may mắn khi những Anh Quân, Huy Tuấn hồi đó không bị “dòng đời xô đẩy” trở thành những chủ quán ăn đặc sản Việt Nam, hay chủ hiệu giặt là… ở xứ người?

Tôi cũng tự thấy mình đã gặp nhiều may mắn: được học với nhiều thầy cô giỏi, được đào tạo âm nhạc bài bản 12 năm liền, được học âm nhạc cổ điển tại Traicốpxki… để trên nền kiến thức có được, có thể tiếp tục trau dồi nghề nghiệp một cách tương đối vững chắc và từ đó có thể chủ động tiếp cận những thành quả sáng tạo nghệ thuật mới. Có những thứ chỉ có thể học ở trường đời và không trường học nào có thể dạy cho mình, như những va vấp trong cuộc sống… Hoàn cảnh cụ thể đã cho tôi hiểu rõ giá trị đích thực của âm nhạc và không bao giờ nghĩ rằng mình có thể là “nhạc sĩ” với việc cầm guitar gõ vài ba bản nhạc bông phèng nào đó. Âm nhạc với tôi là một nghề nghiêm túc. Ngay cả khi làm nhạc nhẹ thì tôi vẫn giữ sự nghiêm túc đó, không theo kiểu… làm nhạc nhẹ, như một số người vẫn quan niệm. Nhưng tất cả những điều đó đều phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân.

Vì sao sau khi về nước, anh hầu như không gắn bó với bất cứ một đơn vị nghệ thuật nào và chỉ tập trung cho những công việc, những dự án âm nhạc cá nhân?

Làm nghệ thuật, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có năng lực sáng tạo độc lập. Hơn nữa, khi về nước, định hướng âm nhạc của tôi đã rất rõ ràng để không thể bị lôi kéo vào những việc khác. Từ bé tôi đã không nghĩ mình có một cuộc sống được… trải thảm. Đi xa, tôi cũng đã có những trải nghiệm cần thiết để thấy rằng mình không thể bị xé tan những dự định trong đầu bởi những gì đã và đang xảy ra quanh mình. Tất nhiên cũng không tránh khỏi những lúc thấy buồn chán, đơn độc. Điều quan trọng là phải chuẩn bị cho mình một môi trường tốt: những người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay ban nhạc mà mình là thành viên… Hơn ai hết, những người đó phải hiểu mình đang làm gì, thấy được giá trị những việc đó và ủng hộ mình. Do vậy, tôi đã không phải đến mức phải “đấu tranh” để được làm việc mình muốn.

"Sát thủ phòng thu" kể chuyện đời - 2

Sát thủ phòng thu - Anh Quân

Sự tự tin và quyết tâm đi vào con đường âm nhạc theo cách đã tiếp thu được ở bên ngoài của Anh Quân, Huy Tuấn và ban nhạc Anh Em không bỗng nhiên mà có, và đã được đầu tư, kiểm chứng từ trước?

Đúng vậy. Năm 1993 – 1994 tại Đức, hai chúng tôi đã ra một đĩa nhạc chung, mang tên Thiên đường, hoàn toàn tự làm mọi thứ để có nó. Chỉ là một đĩa nhạc, nhưng nó là “nhiều trong một” và vì thế đã tạo được cho chúng tôi một sự tự tin nhất định. Khi đĩa được gửi về Việt Nam, như một cách “báo cáo” về những gì mình đã và đang làm với bố mẹ và người thân, đã có được tiếng vang trong giới làm nhạc về một “dấu ấn sáng tạo”, không chỉ trong cách sản xuất, hoà âm phối khí... Tôi và Huy Tuấn rất phấn khích vì thành quả đầu tiên đó. Nhất là khi nghe được ý kiến nhận xét của mọi người mà bố tôi – nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – đã cẩn thận thu băng và gửi sang Đức cho con trai. Điều ấy khiến cho khi về nước, chúng tôi như đã được “giới thiệu” trước và mọi việc cũng dễ dàng hơn...

Dường như Thiên đường đã dọn đường cho các bạn nhiều hơn, để bắt đầu một phong cách âm nhạc không theo số đông?

Phải nói là đời sống âm nhạc trong nước những năm đó rất nghèo nàn. Sự mới mẻ, phóng khoáng, bứt phá đa dạng và có chiều sâu của âm nhạc thế giới đương đại mà Thiên đường tiếp thu được phần nào đã thu hút được sự quan tâm và thiện cảm của nhiều người ở thời điểm vừa qua “ca khúc chính trị”, quá chú ý phần lời, hát thơ là chủ yếu. Đương nhiên, khi có tác phẩm âm nhạc đào sâu về phần hoà âm, hoà thanh và chuyển điệu phức tạp hơn thì cũng khó nghe hơn và ít người nghe.

Nhưng để được người nghe chấp nhận là vô cùng khó khăn! Tâm trạng lo lắng, tiếc nuối của nhiều người lúc đó là có thực – sau sự kết hợp về âm nhạc giữa Anh Quân và Mỹ Linh – một giọng hát vừa mới nổi rất được yêu mến bấy giờ…

Điều quan trọng với một nhạc sĩ, theo tôi, là sự thừa nhận của công chúng đối với sản phẩm âm nhạc của anh chứ không phải là sự vinh danh tên tuổi trong một giải thưởng. Có lẽ một giải thưởng khó có thể làm thay đổi được một cuộc đời vì nó chỉ có ý nghĩa thời điểm.

Đó là khó khăn chung cho tất cả mọi người trong nhóm nhạc. Nhưng hình như lúc đó mọi mũi nhọn đều chĩa vào tôi! Đĩa nhạc Tóc ngắn gồm có các bài của Dương Thụ, Bảo Chấn và Huy Tuấn; Anh Quân chỉ có ba bài, nhưng mọi chỉ trích đều tập trung vào Anh Quân – người sản xuất, phối khí… Dù vậy, tôi đã biết rằng sớm muộn rồi những chuyện đó sẽ qua đi. Cái gì mới cũng khó được đón nhận ngay… Và Tóc ngắn đã rất thành công, bán được nhiều, nhiều bài hát được người nghe yêu thích như Chuyện tình, Biển khát, Hương ngọc lan… và đặc biệt là nó đã định ra được một chuẩn mới của việc sản xuất album nhạc. Đó là trong một sản phẩm âm nhạc, ca sĩ phải có một phong cách nhất định, không thể lẫn lộn ôm đồm vừa dân ca, vừa rock… Mỹ Linh đã làm như thế từ Tóc ngắn, cho đến các album sau này. Điều đáng nói là tôi chưa từng phải thuyết phục Mỹ Linh về chuyện này. Cô ấy đã nhận ra và thích như thế từ trước đó, khi nghe Thiên đường của tôi và Huy Tuấn.

"Sát thủ phòng thu" kể chuyện đời - 3

Anh Quân & Mỹ Linh

Có những lợi thế nào khi vợ chồng cùng là tác giả trong một album?

Không chỉ có lợi thế mà còn là bất lợi. Trong một dự án âm nhạc của cả hai, nếu thành công thì tốt, nhưng nếu thất bại thì người có lỗi sẽ là… Anh Quân. Khi đến với Anh Quân, công chúng đã biết về một Mỹ Linh gắn với Trên đỉnh Phù Vân, Chị tôi… và vô cùng “dị ứng” khi Mỹ Linh “chuyển” sang hát nhạc của Anh Quân, Huy Tuấn. Điều quan trọng là Mỹ Linh rất hiểu, hiểu tuyệt đối những việc tôi làm. Điều đó gỡ bỏ được nhiều khó khăn.

Giải thưởng Nhạc sĩ của năm mà Anh Quân đã nhận được năm 2012 sau 14 năm kể từ Tóc ngắn (1998) đến Tóc ngắn Acoustic (2011) có làm thay đổi điều gì trong cuộc sống của anh?

Năm 2000, album Chat với Mozart đã nhận được giải Album của năm, rồi album của Nguyên Thảo, của Đức Tuấn… nhưng người ta thường nhắc tới ca sĩ, ít người “nhận ra” những nhạc sĩ, người sản xuất ra nó. Đến album Tóc ngắn Acoustic, sự thừa nhận sản phẩm âm nhạc đó đã khiến cho những cố gắng của chúng tôi không vô nghĩa. Điều quan trọng với một nhạc sĩ, theo tôi, là sự thừa nhận của công chúng đối với sản phẩm âm nhạc của anh chứ không phải là sự vinh danh tên tuổi trong một giải thưởng. Có lẽ một giải thưởng khó có thể làm thay đổi được một cuộc đời vì nó chỉ có ý nghĩa thời điểm.

Thông thường khi đã có được sự thừa nhận nào đó, người nghệ sĩ hoặc sẽ tiếp tục con đường đã đi và cố gắng không lặp lại mình, hoặc bắt đầu một con đường mới, một lối rẽ mới, những dự án mới… Còn anh?

Tôi nghĩ: mình đã say mê điều gì thì hãy cứ tiếp tục làm điều ấy. Tiếp tục với những cảm hứng mới. Không thể đơn giản gạt sang bên tất cả. Chỉ khi nào thực sự “chín”, sẽ bắt đầu cái mới. Nghệ thuật là vô cùng và không có điểm dừng.

Là giám khảo Bài hát Việt, anh cảm nhận thế nào về lực lượng sáng tác âm nhạc hiện nay?

Xu hướng tiếp cận các trào lưu âm nhạc quốc tế cần được cổ vũ thay vì khư khư ôm lấy dân gian đương đại và không nên chụp mũ cho rằng đó là sự lai căng. Tuy nhiên, phải hiểu rằng đó chỉ là công cụ. Người nào hợp cái gì hơn thì cứ thế mà phát huy. Có nhiều người trẻ muốn làm mới, nhưng lại quên mất rằng điều quan trọng không phải là mới mà phải hay. Mới mà không hay còn dở hơn là không mới. Cũng có nhiều người vẫn bền bỉ đi theo con đường đã chọn, không bận tâm ai khác làm gì, cứ cần mẫn đào sâu và họ vẫn có khán giả của họ, thế tức là thành công. Tóm lại, trong nghệ thuật cái gì hay và đẹp thì sẽ sống mãi cùng thời gian.

"Sát thủ phòng thu" kể chuyện đời - 4

Gia đình Anh Quân - Mỹ Linh

Một thành công ngoài âm nhạc rất đáng tự hào của Anh Quân và Mỹ Linh là gia đình. Là “cột cái”, “nóc nhà”, anh nghĩ thế nào về việc Mỹ Linh từng tự nhận rằng cô chỉ là “góc bếp”, “cái giường” hay “khăn trải bàn” trong tổ ấm của hai người?

Tôi không ví mình như cái cột nhà. Tôi chỉ biết rằng mình là người đàn ông thì nên cố gắng như một đầu tàu. Họ có quyền không có vợ, nhưng khi đã lựa chọn gia đình, thì phải tôn trọng sự lựa chọn ấy và làm tốt nhất những điều có thể.

Anh khó tính trong nghề, và cũng khó tính trong cuộc sống thường ngày chứ?

Làm sao để sống với nhau mà không bị ngột ngạt? Để mỗi sáng thức dậy nhìn nhau là thấy sự vui vẻ, và con cái nhận được sự yêu thương, chăm sóc chu đáo? Làm sao để có một mái nhà, bên cạnh giai điệu, giai điệu và giai điệu, là yêu thương, yêu thương và yêu thương? Đó là sự “khó tính” của tôi, mà tôi tin rằng ai cũng muốn như thế, dù biết rằng làm được thế là không hề đơn giản. Khó tính đến mấy thì trong gia đình cũng có cái nên phiên phiến thôi, cái gì cũng cứ phải tới nơi tới chốn là không nên. Và việc nhà, tôi có thể làm tất cả, trừ nấu ăn (vì tôi vốn không hứng thú lắm với những gì không phải sở trường của mình).

Có lúc nào anh thấy mình đã hy sinh nhiều khi luôn “đứng sau” vợ?

Thực ra, tôi luôn đứng đúng chỗ của mình. Nếu đó là một sự lựa chọn, là điều mình muốn, thì đâu phải là “hy sinh”?

Hai chữ “tiền bạc” trong cuộc sống của anh hôm nay? Khoản chi cho cá nhân lớn nhất của anh?

Sử dụng tiền một cách có văn hoá, đó là điều quan trọng. Có thể sống giản dị, chi tiêu chặt chẽ, nhưng cũng có thể tốn kém, rộng rãi khi cần. Còn khoản chi lớn nhất của tôi, là nhạc cụ, là những thiết bị phòng thu. Đây là thứ tôi cho phép mình được phung phí vì một phần là để phục vụ nghề nghiệp, phần khác là đam mê, là chơi…

Có nhiều người trẻ muốn làm mới, nhưng lại quên mất rằng điều quan trọng không phải là mới mà phải hay. Mới mà không hay còn dở hơn là không mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Hoa (SGTT)
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN