Hát ở “ao làng”: Thoát bằng cách nào?
Một khi tư duy vẫn theo lối “ao làng”, mạnh ai nấy làm, manh mún, nhỏ lẻ thì việc hội nhập với thế giới là điều hết sức khó khăn
Điều kiện và môi trường hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ cũng như định mức thụ hưởng nghệ thuật ở trình độ thấp lâu nay của công chúng đã khiến công nghệ biểu diễn ở Việt Nam không thoát khỏi “ao làng”.
Nhiều người trong giới nói rằng công chúng Việt dễ chịu nhất thế giới. Họ vẫn có thể hài lòng đi xem một chương trình ca nhạc có giá vé vài triệu đồng (cao hơn giá vé một đêm diễn của siêu sao đẳng cấp quốc tế trên thế giới) trong điều kiện nhà hát không đúng chuẩn và công nghệ biểu diễn lạc hậu, nghèo nàn.
Ngày càng bình dân hóa
Tính đến nay, tại TP HCM, nơi được xem là thị trường chính và năng động nhất nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, Nhà hát Thành phố được xem là nhà hát đúng nghĩa thì ngoài hệ thống âm thanh đạt chuẩn, nơi này không có gì đáng liệt vào công nghệ biểu diễn.
Với vài trăm ghế ngồi, sân khấu này chỉ sử dụng cho những chương trình biểu diễn hòa nhạc cần sự sang trọng và tinh tế hơn là những chương trình biểu diễn đòi hỏi phải có sàn diễn rộng, sử dụng nhiều kỹ xảo sân khấu và phục vụ cho lượng khán giả lớn.
Vì vậy, Nhà hát Hòa Bình (xây dựng theo kiểu hội trường lớn) là lựa chọn duy nhất cho nhiều ca sĩ muốn tổ chức live show trong nhà hát như hiện nay. Nhưng, ngoài khán phòng và sàn diễn, muốn tổ chức một đêm nhạc có chất lượng tương đối ở đây, nhà tổ chức phải tự lắp đặt gần như toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng và các phương tiện kỹ thuật biểu diễn cần thiết khác. Dẫu vậy, giá thuê một đêm diễn không hề rẻ. Và đây là lý do ca sĩ thường tổ chức các buổi diễn, thậm chí live show của mình ở sân khấu ngoài trời.
Ngay cả những ngôi sao như Đàm Vĩnh Hưng hay Đan Trường vẫn phải thường xuyên làm live show ở những sân khấu bình dân
Trong số các sân khấu ngoài trời có mái che, Trung tâm Ca nhạc Lan Anh là nơi được xem ổn nhất không phải về hệ thống kỹ thuật mà là một nơi dễ biến đổi hình dạng sân khấu theo ý đồ của chủ nhân đêm diễn. Thế nhưng, với cơ chế tiết kiệm tối đa như hiện nay, sân khấu Lan Anh cũng chưa phải là lựa chọn hàng đầu của nhà tổ chức và nghệ sĩ.
Sân khấu có sẵn lượng khán giả bình dân như 126, Trống Đồng mới là lựa chọn cuối cùng của họ. Vì vậy, ngay cả những ngôi sao như Đàm Vĩnh Hưng hay Đan Trường vẫn phải thường xuyên làm live show ở những sân khấu bình dân này. Nhưng, đã là bình dân thì mọi điều kiện tổ chức đều tương ứng. Sàn sân khấu nhếch nhác, ghế nhựa bẩn thỉu, khán giả hỗn tạp, đủ thành phần.
Nếu so sánh với những live show của ca sĩ những năm 1990, 2000 thì những gì đang diễn ra là một sự tụt dốc khủng khiếp về công nghệ biểu diễn. Trong điều kiện “ao nhà” như thế, tư duy sáng tạo của nghệ sĩ cũng ngày càng trở nên dễ dãi, công chúng cũng tự thỏa mãn vì muốn hơn cũng không có.
Tư duy “tiểu thương”
Mạnh ai nấy làm, dịch vụ cung ứng biểu diễn chỉ với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu cung ứng theo khả năng nhu cầu cũng mang tính nhỏ lẻ của thị trường. Đó là bức tranh của công nghệ biểu diễn tại Việt Nam. Nhà hát không có, phương tiện kỹ thuật hiện đại cũng thiếu thốn, tư duy ca sĩ cũng không thoát khỏi sân khấu “ao làng”, trở thành cái vòng luẩn quẩn không lối ra.
Nhiều năm qua, không ít ca sĩ nuôi ước mơ mang âm nhạc Việt Nam ra thị trường các nước trong khu vực nhưng họ đều không thực hiện được vì nhiều lý do nhưng chủ yếu vẫn là tư duy chưa thể thoát khỏi “ao làng” của mình.
Sân khấu bình dân bây giờ trở thành nơi tổ chức live show của nhiều ngôi sao ca nhạc. Trong ảnh: Một tiết mục biểu diễn của Đan Trường trong live show tổ chức tại sân khấu ca nhạc 126 Cách Mạng Tháng Tám
Hàn Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa. Những buổi biểu diễn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, chỉ hướng đến mục đích duy nhất là “quảng bá văn hóa Hàn đến thật gần với công chúng thế giới”, không màng đến kinh doanh lỗ hay lãi. Thành công của làn sóng văn hóa Hàn có được là bắt nguồn từ chính sách cùng sự hỗ trợ đắc lực nhiều mặt của chính phủ Hàn Quốc.
Hồng Kông hay gần hơn là Singapore lại là những nơi nổi tiếng nhập khẩu văn hóa. Singapore hay Hồng Kông thường xuyên có những buổi biểu diễn của các ca sĩ hàng đầu thế giới để phục vụ công chúng. Thậm chí, ở 2 nơi này, thường xuyên có những buổi hòa nhạc, trình diễn nhạc kịch của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Để trở thành những điểm đến của những chương trình nghệ thuật tầm cỡ thế giới, Hồng Kông hay Singapore đều xây dựng những công trình nhà hát hiện đại.
Nếu Thái Lan mang lại lợi nhuận về du lịch qua nhiều chương trình biểu diễn của các ca sĩ nổi tiếng thế giới đến biểu diễn hằng năm thì Singapore hay Hồng Kông lại nâng tầm nhận thức trong hưởng thụ âm nhạc của công chúng từ những chương trình nghệ thuật nhập khẩu này. “Cứ mang đến những chương trình hay, đặc sắc, công chúng sẽ tự nâng cao thị hiếu thụ hưởng của họ” - bà Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP HCM, nói.
“Ở Singapore, Nhật Bản hay Hồng Kông, không phải nhà hát nào cũng do nhà nước xây. Tạo cơ chế, chính sách khuyến khích các công ty tư nhân đầu tư xây nhà hát, phát triển hạ tầng, phương tiện kỹ thuật hiện đại là chiến lược phát triển văn hóa nghệ thuật đúng đắn nhất hiện nay. Miễn thuế hoặc mức thuế thấp cũng là cách hỗ trợ hiệu quả nhất của nhà nước đối với hoạt động văn hóa nghệ thuật” - bà Văn Thị Minh Hương đúc kết.
Ra nước ngoài xem ca nhạc Với tiêu chí phát triển du lịch, Thái Lan thường xuyên đầu tư để có những chương trình biểu diễn của các ngôi sao thế giới nhằm thu hút du khách, trong đó khán giả Việt Nam đến Thái Lan xem những chương trình biểu diễn này không hề ít. Trong đó, có cả ca sĩ, giới truyền thông, những khán giả trẻ hâm mộ. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết: “Tôi không bỏ sót đêm diễn nào của các ca sĩ nước ngoài diễn ở Thái Lan, Singapore hay Hồng Kông. Đến để xem và học hỏi. Tôi đang lên kế hoạch đến Thái Lan để xem Shakira hát trong tháng 4 này và tiếp tục đến Singapore để xem Lady Gaga biểu diễn vào tháng 6. Xem tận mắt để cảm thụ hết những cái hay của họ, nhất là những gì được thiết kế, sáng tạo trên sân khấu trong từng đêm diễn”. |