Mổ xẻ những "lỗi mốt" của điện ảnh Việt

Các chuyên gia, nhà quản lý, làm phim… đã bóc tách, mổ xẻ những bất hợp lý liên quan đến kỹ thuật làm phim, những vấn đề nan giải của điện ảnh Việt.

Kỹ thuật làm phim và phổ biến phim ra nước ngoài là một trong những nội dung mà các nhà quản lý, làm phim bóc tách mổ xẻ nhiều nhất trong buổi đóng góp ý kiến triển khai “Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. 

Mổ xẻ những "lỗi mốt" của điện ảnh Việt - 1

Một cảnh trong phim Những người viết huyền thoại

Nên bỏ phim nhựa 

Các chuyên gia, nhà quản lý, làm phim… đã bóc tách, mổ xẻ những bất hợp lý liên quan đến kỹ thuật làm phim, những vấn đề nan giải của điện ảnh Việt.

Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục điện ảnh cho rằng, hiện nay rất khó khăn khi tuyên truyền, quảng bá phim do Nhà nước sản xuất ra nước ngoài. Cuối tháng 4/2014 Cục Điện ảnh đưa toàn bộ các bộ phim do Nhà nước sản xuất vào chiếu ở Liên hoan phim Việt Nam tại Hàn Quốc, nhưng cuối cùng chỉ duy nhất bộ phim Chơi vơi đáp ứng đúng định dạng kỹ thuật các rạp tại nước này. “Đưa phim ra nước ngoài mà không trình chiếu được thì lãng phí, đó là điều rất đáng buồn”, bà Lan nói. 

"Ở Việt Nam sản xuất một bộ phim phải họp lên họp xuống, rồi xin kinh phí, khi kinh phí rót xuống thì kỹ thuật đã lạc hậu. Nếu chúng ta cứ một mình một kiểu, khi mang phim ra nước ngoài, không hòa vào dòng chảy của họ được, điều đó có nghĩa là chúng ta tự giam hãm chính mình và chỉ trong nhà đóng cửa xem với nhau”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, chiến lược đã được triển khai 20 năm, nhưng điện ảnh vẫn đang rất ngổn ngang ở nhiều khâu từ sản xuất đến phát hành phim. Theo bà Ngát, ở giai đoạn này đa phần là phim của tư nhân, phim của Nhà nước rất ít. Mấy năm gần đây kinh phí cung cấp để sản xuất phim ít, đội ngũ làm phim phục vụ nhiệm vụ trước đây, giờ ngồi chơi. Nhưng khi rót vốn làm phim thì chất lượng không cao. Bà Ngát cũng rất trăn trở với việc đào tạo nguồn nhân lực làm nghề thiếu tầm chiến lược, đặc biệt là công nghệ làm phim. Bà Ngát cho rằng, hiện nay công nghệ làm phim ở Việt Nam rất lạc hậu. Trên thế giới không còn làm phim nhựa mà họ chuyển sang làm kĩ thuật số.

Bà Ngát chia sẻ: “Từ trước đến nay phần lớn phim của chúng ta được quay bằng phim nhựa, sau đó mang sang Thái Lan làm hậu kỳ. Tuy nhiên, bây giờ ở Thái Lan không còn cơ sở nào làm hậu kỳ phim nhựa nữa, tất cả chuyển sang kỹ thuật số rồi”.

Cân nhắc đầu tư trang thiết bị

Nhiều đại biểu băn khoăn về hạng mục đầu tư cơ sở vật chất. Kinh nghiệm cho thấy trước đây nhà nước đã tốn tiền tỷ để mua nhiều thiết bị hiện đại, đắt tiền về nhưng do không đồng bộ, và không biết cách khai thác nên chỉ một thời gian thiết bị lạc hậu và phải đắp chiếu.

Nhà quay phim - NSƯT Lý Thái Dũng - Phó Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thẳng thắn đề nghị: “Chúng ta nên bỏ phim nhựa và phát hành phim nhựa vì giá thành quá cao và liên quan đến việc xây dựng rạp. Để in một phim nhựa hiện nay tốn tới 30 nghìn USD, con số không nhỏ đối với tiền đầu tư cho một bộ phim, trong khi hiệu quả không cao vì các khâu sao in… Chưa kể phim nhựa lưu trữ rất khó vì sau này kho tư liệu phim của chúng ta đòi hỏi phải số hóa, chi phí rất cao”. 

NSƯT Lý Thái Dũng cũng cho rằng, cần cân nhắc việc đầu tư trang thiết bị và công nghệ: “Chúng ta không thể chạy theo công nghệ như thay điện thoại di động, chúng ta sẽ chết. Theo tôi, nên hết sức thận trọng khi đầu tư tiền trang bị công nghệ cho các cơ sở mà thay vào đó, nên để thị trường điều tiết, chúng ta sẽ trả tiền thuê máy để sử dụng được loại máy hiện đại nhất. Số tiền còn lại thì nên đầu tư vào giai đoạn phát hành phổ biến phim để phim Nhà nước đến được với mọi khán giả”.

Cần chống lãng phí trong đầu tư xây rạp và mua sắm thiết bị cũng là quan điểm chung của nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Trần Luân Kim. Lãng phí trong việc mua sắm thiết bị cho điện ảnh sẽ rất lớn. Trong việc này phải có một chiến lược và cần tham khảo ở một số nền điện ảnh khác. Việc xây dựng ba phim trường ở HN, TP HCM và Đà Nẵng cũng nên xem xét. Liệu có sử dụng hết không khi mà năng lực sản xuất của chúng ta đang tập trung ở HN và TP HCM là chủ yếu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Lý (Giao thông vận tải)
Phim Việt: Tranh tối, tranh sáng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN