Mạc Can: "Có nghèo cũng cạp đất mà ăn"
"Bác Ba Phi" của "Đất phương Nam" tâm sự, cuộc đời ông tâm niệm 3 điều cha dạy: không ăn cắp, không nói láo và sống lương thiện.
Mạc Can vừa xuất viện sau vài ngày chữa trị chứng xuất huyết bao tử tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP HCM). Hỏi thăm tình hình sức khỏe, ông cười hề hề trả lời: “Ai cũng đến lúc phải bệnh này, bệnh nọ chứ đâu mình tôi. Bệnh tình tôi không quá nghiêm trọng. Nhiều người khuyên tôi bỏ thuốc mà không làm được”.
Dù còn yếu, nhưng Mạc Can không chịu nằm nghỉ ngơi mà nhất định đi đó đây cho khuây khỏa. Gặp ông tại quán cà phê ruột, ngoài những bước đi “chậm chạp giống con nít tập đi”, nam nghệ sĩ gần như không để lộ bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh tật. Đôi mắt sáng, tác phong gọn gàng và trên hết, Mạc Can ở tuổi 70 vẫn có trí nhớ tốt, ăn nói rõ ràng, rành mạch. Trong cuộc trò chuyện, ông không quên pha trò dí dỏm, khiến người đối diện nhiều phen bối rối không biết đang đùa hay thật. Trước khi bắt đầu câu chuyện, ông “xin phép” ngồi gác chân lên ghế, châm tẩu thuốc rồi không quên dặn: “Có gì hỏi từ từ, dễ dễ, hỏi khó quá tôi không biết trả lời”.
Mạc Can - lão nghệ sĩ "vô sản".
Được cấp sẵn đất để... chôn cất
Mạc Can chưa từng được cuộc sống đãi ngộ. Ông sống lang bạt, không nhà, không tài sản. Người thân cũng không còn ai kề cận chục năm nay. Cũng vì vậy mà người ta mặc nhiên gắn cho ông nỗi buồn và sự cô đơn. Nhưng trái ngược suy nghĩ này, nghệ sĩ 70 tuổi chia sẻ “nỗi buồn đã chai sạn”, ông chọn cách sống lạc quan và tận hưởng những gì mà mình đang có. Ông bảo: “Nhà không có, đụng đâu ở đó”. Có thời gian, ông còn để sẵn chiếc võng trong cặp, thấy ở đâu tiện lại mắc lên rồi đánh giấc ngon lành. Nếu định nghĩa “nhà là nơi người ta thường đi về nhiều nhất”, thì nhà Mạc Can là quán cà phê nhỏ nằm trong khuôn viên Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM hoặc ở Hội Sân khấu hay Hội Điện ảnh. Nhiều năm qua, ông lui đến đây như một thói quen gặp gỡ anh em, bạn bè cùng sở thích để hàn huyên, tâm sự. Còn chuyện ăn uống, cũng từ lâu, ông đã quen với buổi cơm, buổi cháo “bụi”. Có thời điểm, ông được người thân bảo lãnh sang Mỹ sống, nhưng được 3 năm ông lại đòi về vì nhớ cuộc sống "rày đây mai đó nhưng thoải mái" của mình.
Ông "khoe" dù không có nhà, nhưng có sẵn đất để chôn cất khi nằm xuống.
Dù không có chốn đi về lúc sống, nhưng ông khoe đã được người ta cho nơi ở khi... nằm xuống. “Một vị hảo tâm cấp cho tôi miếng đất lo hậu sự sau này, ngay sát bên phần mộ của 2 ông bạn chí cốt, nhà văn Sơn Nam và nghệ sĩ Hồ Kiểng. Sau này rảnh, tụi tôi ngồi lại nói chuyện tiếp, có khi vậy mà vui”, ông cười nói.
Nhắc đến 2 người bạn tri kỷ, ông trầm ngâm: “Chúng tôi nói chuyện hạp, còn ngồi giữa mấy đứa trẻ bây giờ thấy lạc lõng lắm, cũng không thể thoải mái mà ít nhiều có khoảng cách”. Dứt lời, ông tặc lưỡi đùa: “Chắc tại bây giờ ông già thì ít, mà bà già thì tôi lại không được quen”.
Không than trách cuộc sống
Hỏi Mạc Can có buồn và than trách số phận, ông trả lời: “Tự mỗi người tìm cách sống khác nhau. Có người chuyện chưa đến đã buồn nên họ mệt mỏi. Còn tôi lại không lo xa, chuyện gì từ từ đến rồi tính tiếp”.
Ông bảo, do nhu cầu cá nhân đơn giản, chỉ cần tiền đổ xăng, hút thuốc và ăn uống nên dù thu nhập không ổn định nhưng vẫn đủ trang trải. Thỉnh thoảng, một vài nghệ sĩ trẻ cũng như khán giả gửi ông vài đồng tiêu vặt. "Bác Ba Phi" của Đất phương Nam khoe dù tuổi già sức yếu, ông vẫn “chạy show” đóng phim. "Cái chân tui có hơi chậm, nhưng cái mặt vẫn như bình thường nên chưa bị chê", ông dí dỏm nói.
Tuổi 70, sức làm việc của Mạc Can vẫn khiến nhiều người phải nể phục. Ông vừa hoàn thành các vai diễn trong hàng loạt phim Hy sinh đời trai, Chuộc lỗi, Án mạng ở cô nhi viện. Ngoài ra, ông còn sáng tác văn, viết kịch bản truyện ngắn, cổ tích cho các đài truyền hình, làm ảo thuật tại các tụ điểm... Tuy nhiên, cũng vì tính "đến đâu hay đến đó" đặc trưng của người miền Nam khiến Mạc Can cũng như các nghệ sĩ cùng thời đến những năm cuối đời gần như không có tài sản giá trị trong tay. Với nhà văn kiêm diễn viên gạo cội, gia tài của ông hiện tại chỉ gồm chiếc xe máy, điện thoại và laptop để sáng tác. Những món đồ này đều được bạn bè thương, gửi tặng.
Lão nghệ sĩ sử dụng chiếc điện thoại cảm ứng được một người bạn tặng.
“Ngày xưa tôi chạy chiếc xe cà tàng, nhưng vì bệnh thấp khớp nên mỗi lần đạp ga rất khó khăn. Ông bạn thấy vậy nên cho tôi xe tay ga. Tôi tính trả tiền dần cho ông nhưng nghĩ bụng không bao giờ trả hết. Từ ngày chạy đến giờ tôi chưa té lần nào, nhưng hơi khó chống chân”, ông kể. Điều bất ngờ khác là chiếc điện thoại Mạc Can đang dùng thuộc dòng cảm ứng khá hiện đại. Ông kể, từng có thời gian vật vã với món đồ công nghệ này vì “có người gọi đến mà tôi không biết bấm nút nào để nghe”. Chiếc laptop là món đồ quý giá hơn cả, vì nó là phương tiện giúp ông sáng tác truyện ngắn, viết kịch bản mọi lúc mọi nơi. Nếu đang đi trên đường nhưng có ý tưởng mới chưa kịp viết ra, ông lập tức ghi vào đầu.
"Bác Ba Phi" còn khoe nhiều tác phẩm của ông ra đời từ giấc mơ. "Nhưng cũng có lúc mơ thì hay lắm, đến lúc viết ra lại trớt quớt nên tôi phải bỏ đi", ông cười nói.
Đời tôi không có gì để viết
Mạc Can của hiện tại gợi nhớ đến nhân vật “Bác Ba Phi” - vai diễn của ông trong Đất phương Nam cách đây gần 20 trước. Ở họ đều mang tính cách của người Nam bộ: hiền lành, chất phác và tự do tự tại với đời. Ông không được cha dạy nhiều, nhưng có 3 điều khiến ông nhớ mãi và luôn giữ đến tận bây giờ là không ăn cắp, không nói láo và sống lương thiện, có nghèo cũng “cạp đất mà ăn”. Có lần, một nam ca sĩ nổi tiếng đọc trên báo hay tin Mạc Can bị đau tim nên tìm đến tặng khoản tiền không nhỏ. Nhưng ông thành thật nhận mình chỉ bị thấp khớp và được hỗ trợ món tiền nhỏ hơn. Vậy mà ông lại vui vì không phá bỏ lời hứa với đấng sinh thành.
Mạc Can giữ vựng tâm niệm: không ăn cắp, không nói láo và sống lương thiện.
Chọn cách sống đơn giản, ít đụng chạm nhưng nghệ sĩ 70 tuổi vẫn không tránh được việc có nhiều người ghen ghét. Năm 2005, tiểu thuyết Tấm ván phóng dao được giải A trong cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Người ta bình luận: “Mạc Can là thằng hề mà viết được, vậy cả cái thành phố đều là hề” rồi mang đặt ngay chỗ ông ngồi.
Biết rõ người viết là ai, nhưng ông không để bụng hay giận dỗi, thậm chí sau này cả hai còn trở thành bạn bè. “Ai làm hơn tôi học chứ không ghen ghét bao giờ. Nói đi nói lại chi cho mệt, mình im lặng họ cũng không có cớ để nói nữa”, ông chia sẻ. Chấp nhận cuộc sống cô đơn và vất vả tuổi già, nhưng Mạc Can không buồn vì ít nhất được làm những điều mình thích. Ông nói: "Đời tôi làm gì cũng phải dính tới nghệ thuật, chứ đụng tới con số là hư. Bạn bè không ít người chuyển sang làm kinh tế nhưng không thành công, còn tôi, cứ như vậy là vui rồi". Vừa nói ông vừa khoe tập truyện ngắn Nguyệt thực sắp ra mắt. Viết không ít về chuyện đời, chuyện nghề, nhưng khi được đề nghị viết một tác phẩm về chính cuộc đời của mình, ông từ chối. Lý do ông đưa ra vì: “Chuyện đời người ta hay, lớn lao thì viết được. Còn tôi là thằng rong rêu đường phố, không có gì trong tay thì có gì kể chứ”.