Video: Bi kịch nơi Bến không chồng
Chuyển thể từ suốn tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng từng giành giải thưởng của Hội nhà văn năm 1991, bộ phim cùng tên được coi là một trong những đại diện xuất sắc của phim Việt.
Bến không chồng ra mắt khán giả năm 2000 và được đón nhận nhiệt liệt. Phim lấy bối cảnh một làng quê đặc trưng miền Bắc Bộ - làng Đông với những lũy tre, mái đình, cây đa, bến nước… vào thời kỳ vừa xây dựng nông thôn vừa ra sức chi viện sức người sức của cho miền Nam.
Không khí ảm đạm bao trùm khi cả làng quê ấy chỉ toàn người già, phụ nữ và trẻ em vì đàn ông ra trận, phần nhiều không thể trở về. Và trong bức tranh đó, chỉ có một con người duy nhất – Nguyễn Vạn, người lính từ chiến trường về được bầu làm xã đội trưởng.
Hình ảnh những người phụ nữ đủ lứa tuổi trong Bến không chồng cả đời sống đơn độc khi chồng con ra chiến trận không còn quay về
Sự trở về lành lặn của Nguyễn Vạn đã thổi hồn lên làng quê vốn yên tĩnh, thậm chí ảm đạm đến đáng sợ. Anh được phân công ở trong nhà chị Hơn – người bị cả làng ghẻ lạnh vì ngày xưa gia đình nhà chồng vốn là địa chủ.
Vạn được phân ở nhà trên còn mẹ con chị Hơn chỉ ở dưới gian bếp. Cuộc đời hai mẹ con chỉ bước sang trang mới, dám ngẩng mặt lên với làng khi cậu con trai quyết tâm ra trận và hy sinh. Và người phụ nữ cả đời sống trong cam chịu và nhẫn nhục ấy cuối cùng cũng còm cõi một thân lẻ bóng như thế.
NSƯT Minh Châu vai bà Nhân
NSND Như Quỳnh vai bà Hơn đều gặp bất hạnh khi con trai hy sinh nơi chiến trường
Thế nhưng từ lúc ban đầu được cả làng kính trọng, Nguyễn Vạn sau đó đã bị nghi ngờ, hiềm khích, chế giễu “không phải là đàn ông”. Sống giữa những người phụ nữ một thân một mình như bà Hơn, bà Nhân (NSUT Minh Châu)… nhưng ông không dám thể hiện tình cảm của mình. Thậm chí, khi tình yêu và nhục dục trỗi dậy mạnh mẽ nhất, ông chỉ dám ôm hôn bà Nhân rồi lại phải kìm chế vì sợ điều tiếng làng xã.
Cứ như thế, trong suốt mấy chục năm ông sống trong cảnh cơm một mình, canh một bát và thậm chí không dám ngồi chung mâm với bà Hơn. Khi ai hỏi đến chuyện tại sao không lấy vợ, ông cũng chỉ im lặng. Bị đám đàn bà con gái giễu cợt chuyện không thể lấy vợ ông chỉ biết cáu giận. Cuộc đời của Nguyễn Vạn hiếm khi người ta thấy ông nở nụ cười ngoại trừ một lần duy nhất trong màn cười thi với nhân vật do NSƯT Văn Hiệp thủ vai.
Cuộc đời của Nguyễn Vạn thực sự bước sang trang mới và cũng là trang kết đầy bi thảm vào cái ngày Hạnh (con gái bà Nhân) đến tạm biệt ông để đi khỏi làng. Hạnh, sống đợi chờ Nghĩa trở về từ chiến tranh nhưng cô phải bắt buộc ly dị chồng vì bị nghi ngờ không thể sinh con.
Trong hoàn cảnh đó, chính Nguyễn Vạn là người đứng ra bênh vực, bị xã đội bắt và nhốt. Chính Hạnh cũng cố tình ôm chầm lấy ông trước mặt chồng mình để anh có thể thanh thản đi lấy vợ khác. Và trong cái đêm cuối cùng tại căn nhà nơi bến sông quạnh vắng, nhục dục của hai con người được khao khát yêu đương trỗi dậy và họ trao cho nhau tất cả.
Hạnh - người đã dám sống và vượt qua tất cả định kiến xóm làng nhưng cô cũng không tránh khỏi cảnh một mình nuôi con
Vài năm sau, khi Hạnh trở về với đứa con gái nhỏ trên tay cả làng quê đều bất ngờ. Hơn ai hết, bà Nhân hiểu được cô cháu ngoại đó từ đâu mà ra. Và chính bà đã khuyên con gái ra đi vì “không thể sống ở cái làng này”. Hạnh, người đã trải qua bao nhiêu đau đớn, tủi nhục đã chai lì trước những điều tiếng, hủ tục của làng quê. Thế nhưng, ngay trong đêm đầu tiên về sống với người cô từng gọi là chú, giờ là cha đẻ con gái cô mọi tai họa đã ập đến. Cả làng, xã đội đến nhòm ngó hai người ngủ với nhau. Không chịu đựng được nỗi nhục nhã ấy, Vạn đã chọn cách treo mình tự tử nơi bến nước cạnh cầu Đá.
Hình ảnh bến nước và cây đa luôn gắn liền với làng quê yên bình nhưng trong Bến không chồng nó còn là nơi chứng kiến bao cái chết tức tưởi. Trong phim, lời của bà cụ già đã qua tuổi thất thập cổ lai hy từng kể cho Nguyễn Vạn trong một đêm trăng nơi đây từng chứng kiến bao nhiêu cái chết, hoặc trẫm mình dưới dòng nước hoặc treo cổ trên cây. Và người lính năm xưa đã chọn một trong hai cách đó để kết thúc cuộc đời mình.
Hạnh và "chú Vạn" chưa có một ngày nào được sống đúng nghĩa vợ chồng
Cái chết của Nguyễn Vạn đã để lại hai mẹ con Hạnh bơ vơ. Trong khi bà Hơn khóc tức tưởi và không ngừng kêu tên ông, bà Nhân gần như mất hồn thì Hạnh chỉ kịp gọi một tiếng Vạn trong đau đớn. Ngôi làng này trong chiến tranh đã có biết bao nhiêu người đàn ông hy sinh để lại vợ góa con côi thì ngay cả hòa bình, nó lẫn đầy oan nghiệt. Và bến sông đó, mãi mãi là "bến không chồng".
Một điều thú vị là Bến không chồng được đạo diễn bởi Lưu Trọng Ninh và ông cũng là người đảm nhận vai nam chính – Nguyễn Vạn. Tham gia LHP Việt Nam lần thứ 13, phim từng giành giải Bông sen bạc. Thành công của bộ phim không thể không kể đến diễn xuất chân thật và giàu cảm xúc của: NSND Như Quỳnh, NSUT Minh Châu, Thúy Hà…
Video: Cái chết tức tưởi của Nguyễn Vạn và bi kịch Bến không chồng