"Món lạ" phim truyền hình
Nhiều phim truyền hình Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Venezuela… đang "lấn sóng" trên các kênh truyền hình cáp, cạnh tranh với phim Trung Quốc, Hàn Quốc và đang có sức hút vượt trội so với phim Việt.
Hàng loạt phim Philippines và Thái Lan liên tục được phát sóng trong khung giờ từ 17 giờ đến 21 giờ của các kênh thuộc hệ thống cáp SCTV vừa qua đã tạo được hiệu ứng thu hút riêng cho kênh truyền hình này. Những bộ phim Vũ điệu hoang dã, Sao đổi ngôi, Thiên đường vắng em, Mãi yêu, Lốc xoáy tình yêu và hiện tại là Thiên đường lạc lối được nhắc nhớ nhiều hơn cả những tên phim Việt được phát sóng trong giờ vàng của HTV7, HTV9.
Thu hút nhờ "mới, lạ"
Kênh truyền hình Let’s Viet từ lâu cũng đã định hình khung giờ lúc 19 giờ 30 phút phát sóng phim nước ngoài. Nếu như trước đây phim Trung Quốc, Hàn Quốc gần như phủ sóng thì gần 2 năm trở lại đây, phim truyền hình Thái Lan cũng bắt đầu có sức cạnh tranh không kém ở khung giờ này, bắt đầu từ khi bộ phim Vượt qua bóng tối thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng suốt thời điểm phim được phát sóng.
Phim Thiên đường lạc lối phát sóng trên truyền hình cáp SCTV
"Các phim Thái Lan, Philippines, Ấn Độ thu hút khán giả một phần vì văn hóa, lối sống của họ phù hợp, khá gần gũi với Việt Nam. Phim họ làm dễ xem, dễ cảm" - bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Hãng phim Sóng Vàng, nhìn nhận. Ông Trần Minh Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty Latsata, Giám đốc Hãng phim Lasta - cho biết trong thời gian tới, kênh truyền hình Let’s Viet cũng sẽ phát sóng độc quyền không chỉ phim Việt mà các phim truyền hình ngoại, tạo dấu ấn riêng và cũng là một phương thức "giành" khán giả quyết liệt. Một số đơn vị nhập phim khác cũng đã có những phim truyền hình dài tập từ các nước Ấn Độ, Venezuela sẵn sàng lên sóng trong thời gian tới. Công ty TK-L - Hãng phim M&T Pictures cũng đang có bộ phim truyền hình dài 100 tập của Venezuela Âm mưu và tình yêu phát sóng trên kênh HN2. Công ty Sóng Vàng cũng bắt đầu tìm nguồn phim truyền hình từ Ấn Độ, Philippines để phát sóng trên VTV9…
Khi khán giả đã "ăn" mãi những món ăn từ phim Trung Quốc, Hàn Quốc và ngán ngẩm với phim Việt thì những bộ phim truyền hình đến từ nhiều quốc gia khác đầy hấp dẫn nhờ sự mới lạ, diễn viên đẹp, diễn xuất giỏi cùng những câu chuyện được khai thác theo kịch tính cuốn hút. Phim truyền hình của các quốc gia mới mẻ này liên tục có cơ hội phủ sóng cũng chính vì giá mua bản quyền rẻ hơn nhiều so với phim Trung, Hàn. Theo tiết lộ của một đơn vị nhập phim, giá mua bản quyền phim Philippines, Ấn Độ có khi chỉ bằng một nửa số tiền mua phim của Hàn Quốc, Trung Quốc. Mới lạ, ăn khách lại giảm đáng kể chi phí đầu tư, phim truyền hình từ các quốc gia này càng có cơ hội đổ bộ ào ạt lên các kênh truyền hình Việt Nam cũng là một xu hướng tất yếu.
Bài học cho phim Việt
"Nếu xem kỹ sẽ thấy kịch bản phim Philippines, Thái Lan có phần cải lương, kịch tính cũng vô cùng giả tạo nhưng các nhà làm phim lại rất biết cách thể hiện để chinh phục khán giả, nhất là với đối tượng khán giả là các bà, các chị nội trợ" - ông Trần Minh Tiến nhận xét.
Quả vậy, điểm chung của những bộ phim đến từ Thái Lan, Philippines là những câu chuyện éo le, khai thác xung quanh bi kịch tình yêu, gia đình, cũng có kiểu nhân vật tốt thì tốt từ đầu đến cuối, kẻ ác thì sẽ ác cùng ác tận. Nếu so sánh có thể thấy nét tương đồng giữa những phim này cũng gần như kịch tính đã được khai thác, tạo dựng theo kiểu phim Vòng xoáy tình yêu - thời kỳ mở màn giờ vàng phim Việt. Bi kịch luôn được đẩy lên đến đỉnh điểm rồi sau đó được biên kịch, đạo diễn "ra tay" xử lý. Người xem biết là mọi tình huống đều được sắp xếp, xâu chuỗi và có phần giả tạo so với đời sống nhưng cách thể hiện của các nhà làm phim rất khó bắt bẻ. Các tình huống kịch tính được khéo léo sắp xếp theo đúng… nguyên tắc viết kịch bản (thường cứ 5-7 phút sẽ có một kịch tính) nên luôn đủ sức giữ chân khán giả. Đây là điều mà rất nhiều phim Việt thời gian qua đã không có được. Một thời gian dài, khán giả bày tỏ xem phim Việt cứ muốn chuyển kênh chính là vì sự dài dòng, rườm rà, thiếu cuốn hút của câu chuyện hoặc có kịch tính thì cũng được làm quá, không hợp lý, thuyết phục. Phần thoại lồng tiếng chát chúa trong những phân đoạn kịch tính được xử lý không khéo cũng là nguyên nhân khiến người xem ngán ngẩm.
Phim Việt sang Campuchia
Từ việc "thăm dò, thể nghiệm" của các đơn vị nhập phim cũng như các kênh truyền hình analog và truyền hình cáp, phim truyền hình của Thái Lan, Philippines... đã có cơ hội phủ sóng trên màn ảnh nhỏ hiện nay. Cùng thời điểm, phim điện ảnh Thái Lan cũng đã được manh nha "chào hàng" trên màn ảnh rộng. Có rất ít phim điện ảnh Thái ra mắt khán giả Việt trong những năm qua nhưng mới đây, bộ phim kinh dị Tình người duyên ma được ra rạp cùng thời điểm với những bộ phim bom tấn của Hollywood nhưng đã đạt doanh thu ấn tượng, hơn 8 tỉ đồng chỉ sau một tuần công chiếu.
Không quảng bá đình đám, cũng không hề có "tiền đề" vững vàng trước đó với công chúng nước ngoài nhưng khởi từ những dấu ấn vượt trội từ phim truyền hình, cũng từ những bước đi như Hàn Quốc trước đây, điện ảnh Thái cũng đã có được cơ hội tiếp cận rộng hơn với thị trường nước ngoài. Trong khi nhìn lại, điện ảnh Việt từ phim điện ảnh đến truyền hình bao nhiêu năm qua, cơ hội chinh phục khán giả nước ngoài vẫn còn quá xa tầm với.
Theo ông Trần Minh Tiến, Lasta đang có cơ hội xuất khẩu phim Việt sang nước bạn Campuchia. "Chúng tôi đang trong giai đoạn thương thảo và lựa chọn những bộ phim đặc sắc nhất của Lasta, chuyển ngữ và giới thiệu trên kênh 5 của Đài Truyền hình Campuchia". Tạm bỏ qua giá thành bản quyền phim thì cũng có thể xem đây là một tín hiệu vui của riêng đơn vị sản xuất Lasta khi đã có thể bước đầu giới thiệu phim Việt ra nước ngoài.