Bí ẩn những bức tượng thần "khát sữa”

Sự kiện: Bí ẩn thế giới

Người ta dường như không tin vào mắt mình khi chứng kiến cảnh: ghé 1 muỗng sữa đầy vào miệng các tượng thần và trong giây lát, sữa cạn sạch.

Kỳ lạ những vị "thần khát"

800 triệu tín đồ Ấn giáo ở Ấn Độ bị cuốn hút bởi những lời đồn đại rằng các tượng thần, chủ yếu là thần Siva vị thần tối cao trong Hindu giáo và con trai có đầu voi Ganesh của thần Siva và thần Parvati - đã uống sữa do những người sùng bái dâng tiến.

Sự việc khởi đầu vào ngày 21 tháng 9 năm 1995, khi một vài người dân trong vùng tường thuật lại là có một tượng thần Ganesh ở vùng ngoại ô New Delhi đã uống nửa ly sữa. Thành phố bỗng nhiên rơi vào hỗn loạn khi các đám đông đổ xô đi xem chất lỏng trắng rõ ràng đang biến mất trước mặt họ. Ngay sau đó, nhiều người dân đi mua sữa tiến dâng vị thần Ganesh.

Xe cộ gặp trở ngại khắp miền bắc Ấn. Đường xá bị ách tắc bởi hàng chục ngàn người đi dâng lễ vật là sữa cho các tượng. Tờ The Pioneer tường thuật: “Những vị thần uống sữa gây ra cảnh cuồng loạn tập thể”. Trong khi đó, tờ tin nhanh Indian Express nói rằng đất nước đã “nổi loạn”.

Bí ẩn những bức tượng thần "khát sữa” - 1

Thần Siva và thần Ganesh. Ảnh: Internet 

Mahani Srikant Ravi ở đền Hanuman, trung tâm Delhi nói với một phóng viên: “Thật thần diệu! Các thần đã giáng trần để giải quyết mọi vấn đề của chúng ta”. Ông cũng cho biết thêm rằng đền của ông đã bị vây kín từ sáng tinh mơ. Trong nửa buổi sáng đã có trên 2.500 người viếng đền, và các đám đông vẫn chưa thỏa lòng. Parmeesh Soti, một quản trị viên, là một trong những người sùng bái khẳng định rằng: “Không thể là một trò lừa bịp được, nếu là lừa bịp thì tất cả sữa đó đã đi đâu? Nó thực sự biến mất trước mắt chúng tôi”.

Chẳng bao lâu hiện tượng này đã lan khắp miền bắc Ấn Độ. Những đám đông được hình thành nơi có tượng, đặc biệt tượng thần Ganesh-vị thần của những khởi đầu tốt lành, được chuộng nhất trong số các thần của Ấn giáo. Các quầy bán sữa quanh đó thì cạn sạch và giá bán tăng vọt, đền thờ thần Ganesh bị ngập sữa.

Sự việc này tiếp tục được lặp lại vào tối 20/8/2006, tại đền thờ Hanuman thuộc tỉnh Bareilly, phía bắc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Người ta dường như không còn tin vào mắt mình khi chứng kiến cảnh: ghé 1 muỗng sữa đầy vào miệng các tượng thần và trong giây lát, sữa cạn sạch.

Bí ẩn những bức tượng thần "khát sữa” - 2

"Bón sữa" cho tượng thần Siva. Ảnh: AFP 

Ngày hôm sau, hàng nghìn người đã ùn ùn kéo tới “chiêm nghiệm”, gây ra cảnh ùn tắc hỗn độn chưa từng có. Trẻ con, người lớn, người sùng đạo, người hiếu kỳ… chen chúc xếp hàng chờ đến lượt tự tay bón sữa cho tượng thần.

Phép lạ, hay hành động dối lừa?

Một giả thuyết cho rằng, hiện tượng đó là một hành động lừa dối của các thầy cúng tế. Họ đã tạo ra những tượng chứa các dụng cụ hút để lôi kéo các đám đông trở lại các đền. Những người khác coi đây là một mưu mẹo được thực hiện bởi các đảng phái chính trị Hindu, để kích động lòng tin trước cuộc bầu cử sắp diễn ra. Nhưng sự cuồng loạn mau chóng lan ra bên ngoài Ấn Độ, tới các cộng đồng Ấn giáo ở khắp nơi trên thế giới.

Nhiều đám đông hình thành tại các đền ở Singapore, Indonesia và Bangkok. Tại Anh, một siêu thị ở phía tây Luân Đôn đã bán sạch 12.000 lít sữa nội trong một buổi sáng khi các đám dông cùng đổ xô về ngôi đền Ấn giáo là nơi mà người ta nói rằng thần ở đó đã uống sữa với một tốc độ phi thường. Hiện tượng đó mau chóng lan qua Đại Tây Dương khi các tượng trong nhà của các tín đồ Ấn giáo ở đảo Long và New Jersey cũng uống sữa.

Đối với nhiều người ở Mỹ, sự cuồng loạn bao quanh sự việc xảy ra này gợi lại một “phép lạ” được cho là đã xảy ra ở nhà thờ thánh Luca của giáo hội Tân giáo gần Philadelphia. Năm 1975, hàng ngàn người đã chạy tới nhà thờ để xem một tượng Chúa Kitô làm bằng thạch cao cao gần một mét được cho là chảy máu từ các bàn tay vào các ngày thứ sáu và lễ trọng.

Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng uống sữa, và chất lỏng kỳ lạ khác giống thế thì cũng như cách thạch cao và đá tác dụng như giấy thấm do hoạt động của mao dẫn. Những tượng như thế thậm chí có thể “khát hơn” nếu chúng có một ruột rỗng chứa đầy vật liệu thấm nước. Tuy nhiên, hoạt động của mao dẫn không thể giải thích nhiều tường thuật về những tượng thần Ấn giáo bằng kim loại “uống” sữa.

Sự việc khiến nhiều người hoài nghi mãi. Đối với những người tin đó là các vị "thần khát" thì đó như một dấu hiệu cho biết, sắp tới sẽ là thế kỷ tiêu biểu cho tính cách Hindu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiểu Phong (Kienthuc)
Bí ẩn thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN