Thị trường ô tô Việt: 9 năm sóng gió

Chính sách thay đổi quá nhiều, quá nhanh trong thời gian ngắn khiến thị trường ôtô trong 9 năm qua liên tiếp chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, tạo ra thiếu sự ổn định, phá vỡ nhiều quyết định đầu tư.

Mỗi năm một cú sốc khiến cho các Doanh nghiệp ô tô chán nản, mệt mỏi. Chúng ta hãy cùng điểm lại những thay đổi về chính sách của thị trường ôtô Việt trong 9 năm qua và hệ lụy.

Năm 2003: Đổi thuế suất nhập khẩu, lệ phí trước bạ

Ngày 4/12/2002, Bộ Tài chính có quyết định 146 về việc sửa đổi tên, mức thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng xe ôtô, phụ tùng và linh kiện xe ôtô trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực từ 1/1/2003. Theo đó, các bộ linh kiện nhập khẩu dành cho ôtô chở người dưới 10 chỗ CKD 1, CKD 2 và IKD thay đổi theo chiều hướng tăng lên.

Đặc biệt, bộ linh kiện dạng CKD (mà hầu hết các DN ôtô lúc đó đang nhập về lắp ráp) tăng khoảng 5% so với trước, bình quân từ 20% lên 25%. Gần nửa năm sau, ngày 12/5/2003, Nghị định 47 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21/12/1999 của Chính phủ về lệ phí trước bạ được ban hành. Theo nghị định này, ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống (trừ ôtô hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách) và xe máy của tổ chức, cá nhân tại các tỉnh, thành nộp lệ phí trước bạ lần đầu là 5%.

Quyết định tăng thuế nhập khẩu bộ linh kiện CKD và lệ phí trước bạ khi đó đã đẩy chi phí mua xe tăng thêm 5-8% so với trước.

Năm 2004: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 24%

Bước sang năm 2004, thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô dưới 5 chỗ tăng từ 5% lên 24%. Theo tính toán, với mức thuế này thì từ đầu năm 2004, giá bán lẻ ôtô sẽ tăng 35% và cuối năm đó, thị trường ôtô bước vào đợt "sốt nóng" đầu tiên. Nhiều mẫu xe lúc đó đã bị "cháy hàng".

Chính vì thế, từ quý IV/2003, khách hàng đã xếp hàng mua xe. Thị trường ôtô có nhu cao đột biến và các hãng xe không đáp ứng được. Nếu khách muốn mua xe ngay trong năm 2003 phải chi thêm cả nghìn USD/chiếc, các đại lý lời lớn. Đầu năm 2004, tiêu thụ xe giảm mạnh. Thị trường từ "sốt nóng" chuyển sang "sốt lạnh" và lượng xe tiêu thụ trong năm 2004 chỉ ở mức 32.000 xe, giảm 26% so với 2003.

Thị trường ô tô Việt: 9 năm sóng gió - 1

Chính sách thay đổi quá nhiều, quá nhanh trong thời gian ngắn khiến thị trường ôtô trong 9 năm qua liên tiếp chuyển từ thái cực này sang thái cực khác.

Cũng bắt đầu từ 2004, xe ôtô mới nguyên chiếc được phép nhập khẩu vào Việt Nam (trước kia cấm nhập) với thuế suất thuế nhập khẩu khá cao - 100%.

Năm 2005: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 40%

Bước sang năm 2005, thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô dưới 5 chỗ sẽ tăng lên 40%, vì thế, giống như năm trước, đến quý IV/2004, giá xe tăng chóng mặt. Thị trường ôtô bị găm hàng nay bung ra, đương nhiên bị làm giá do khan hiếm ảo. Ví như, mua xe Camry 2.4 lúc đó mặc dù đóng 100% tiền vẫn phải đợi tới tháng 12/2004 hoặc tháng 1/2005 mới nhận xe. Giá xe giao trong tháng 12/2004 là 46.000 USD, tăng hơn 2.000 USD so với giá công bố.

Song, sang đầu năm 2005, thị trường ôtô lại trở về trạng thái "sốt lạnh". Xe bán chẳng ai mua vì thuế đã tăng cao. Thị trường ôtô năm 2005 giảm 32% so với năm 2004.

Đến cuối 2005, khi thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô chuẩn bị tăng lên 50% với xe dưới 5 chỗ và 30% với xe từ 6-16 chỗ thì doanh số bán lại tăng 20-30% so với đầu năm. Những tháng đầu năm xe bán đầy nhưng người tiêu dùng chẳng mua, đến cuối năm lại đổ xô đi mua xe và các cửa hàng bán xe lại được thể làm giá. Mỗi chiếc xe muốn lấy trước tháng 1/2006 đều phải chi thêm tới trên 2.000 USD, hoặc bị ép mua những bộ phụ tùng với giá cắt cổ.

Cũng trong năm 2005, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 57 về việc sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, thay thế biểu thuế nhập khẩu CKD, IKD hiện hành. Biểu thuế của hai danh mục phụ tùng I và II quy định mức thuế suất của hàng trăm loại phụ tùng linh kiện ôtô bị thay đổi, áp dụng từ 1/1/2006.

Năm 2006: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 50%

Vào năm 2006, giá ôtô đã tăng cao. Những mẫu xe dưới 5 chỗ bị đội giá thêm từ 3.000-5.000 USD, riêng dòng xe 7 chỗ do thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ 30% nên giá hợp lý hơn, mức tăng dưới 3.000 USD. Khách hàng hướng vào mua dòng xe này và một số DN cũng tập trung vào lắp ráp hay nhập khẩu xe các loại xe 7 chỗ như Ford Everest, Toyota Innova, Zace, GM Captiva... Cũng bắt đầu từ 6/2006, xe ôtô cũ được phép nhập khẩu vào Việt Nam, nhưng chỉ được làm thủ tục tại 4 cảng biển gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cái Lân (Quảng Ninh) và phải chịu mức thuế tuyệt đối cao từ 458-600%. Tuy nhiên, các loại xe sang, siêu sang lại được ưu ái, bởi nếu nhập loại xe này đã qua sử dụng, mức thuế tuyệt đối cao nhất khi đó chỉ 30.000 USD, trong khi nhập xe mới thì thuế là 90% - chênh lêch hàng trăm ngàn USD trở lên.

Năm 2006 thuế suất thuế nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc cũng giảm từ 100% xuống còn 90%.

Năm 2007: Ba lần giảm thuế nhập khẩu xe

Bước vào 2007, hàng loạt sự thay đổi về chính sách trong lĩnh vực ô tô nhanh đến "chóng mặt" và bất ngờ với tất cả người, cũng như mọi DN.

Trong năm này, Bộ Tài chính tiến hành 3 đợt giảm thuế với hy vọng hạ nhiệt giá bán xe trong nước. Tại thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (tháng 1/2007), các loại ôtô mới nguyên chiếc được giảm thuế nhập khẩu từ 90% xuống còn 80%. Tháng 8/2007, cắt giảm tiếp xuống còn 70% và vào ngày 16/11/2007, thuế suất đối với ôtô mới nguyên chiếc còn 60%.

Lý do giảm thuế là để tạo sức ép buộc các DN ôtô trong nước phải giảm giá xe. Các DN phản ứng, cho rằng, Bộ Tài chính đã quá "lạm dụng" quyền hành và luôn tự do điều chỉnh thuế theo hướng bất lợi cho họ. Đặc biệt, cả ba lần điều chỉnh giảm thuế, Bộ Tài chính đều đơn phương thực hiện.

Năm 2008: Hai lần nâng thuế nhập khẩu, tăng lệ phí trước bạ

Sang năm 2008, thuế nhập khẩu ôtô lại tăng. Ngày 11/3/2008, Bộ Tài chính quyết định tăng thuế đối với ôtô mới nguyên chiếc dùng chở người, từ 60% lên 70%. Thuế tuyệt đối của mặt hàng xe cũ nhập khẩu có mức tăng trung bình 10%. Lý do, tăng để hạn chế ách tắc giao thông, theo yêu cầu của Chính phủ. Tiếp đó, thuế lại được nâng lên 83%, kéo theo giá xe nhập khẩu cũng tăng. Một số DN nhanh nhạy đã nhập về số lượng ôtô lớn, găm trữ đợi thuế tăng là bán xe giá cao kiếm lời. Từ cuối 2007 đến giữa 2008, lượng ôtô nhập về Việt Nam tăng mạnh, khoảng 6.000 xe mỗi tháng.

Hệ luỵ, giá xe trong nước cũng bị đẩy lên. Người tiêu dùng thấy thế lại vội vàng mua khiến cho thị trường ôtô không lúc nào ổn định, cứ lên lên, xuống xuống và chỉ người bán là lời lớn.

Chưa hết, quý II/2008 lệ phí trước bạ dành cho ô tô lại được điều chỉnh tăng, với mức sàn 10% và mức trần 15% đối với các loại xe du lịch dưới 10 chỗ ngồi (Nghị định 80). Tất nhiên, giá xe lại tiếp tục tăng trước khi quy định mới có hiệu lực. Khách hàng lại cuống cuồng tìm mua, và mỗi chiếc xe bán ra tăng thêm ít nhất 500 USD, thậm chí tới 3.000 USD. Muốn có xe khách hàng phải chạy đôn đáo, tranh giành.

Từ cuối tháng 8/2008, suy thoái kinh tế toàn cầu cộng với giá tăng cao khiến sản lượng xe bán ra của các hãng trong 4 tháng cuối năm sụt giảm hơn một nửa. Hệ quả, nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất, công nhân mất việc.

Ngày 14/11/2008, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/4/2009. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô dược tính theo dung tích, thay vì chỗ ngồi như trước. Xe dưới 6 chỗ, dung tích xi lanh dưới 2.0 lít sẽ chịu thuế suất mới 45%. Còn loại từ 2.0 lít đến 3.0 lít giữ nguyên thuế suất hiện hành là 50%. Với những dòng xe trên 3.0 lít, áp dụng thuế suất 60%. Với ôtô 6-9 chỗ ngồi sẽ áp dụng mức thuế mới 45-60%, tùy theo dung tích xi lanh.

Năm 2009: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Từ đầu năm 2009, Hà Nội lại thay đổi, quyết định áp mức phí trước bạ mới là 12% với ôtô từ 19/1/2009, và từ 1/4/2009, thuế tiêu thụ đặc biệt mới có hiệu lực.

Thị trường ôtô sôi động ngay. Khách hàng lại đổ xô đi mua xe chạy thuế. Tuy nhiên, chỉ sau đó một tháng, đến đầu tháng 5/2009 do kinh tế khó khăn Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ và 50% thuế GTGT cho ôtô đến hết năm. Giá xe ngay lập tức giảm mạnh khiến nhiều người mua xe trước đó méo mặt. Tính ra, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cũng không bù lại được lệ phí trước bạ và GTGT giảm 50%. Nhiều DN ôtô khi đó lại được phen "tủm tỉm", lo găm hàng và chờ đợi.

Cuối năm 2009, khi chương trình hỗ trợ sắp kết thúc cũng là lúc xe lại tăng giá để bán cho những người muốn mua xe tránh thuế phí tăng trở lại. Giá xe lại tăng lên vài ngàn USD và đương nhiên tiền lại chảy vào túi các đại lý, cửa hàng bán ôtô. Vậy là trong năm 2009, khác với những năm trước, các hãng xe 2 lần "hốt bạc" nhờ chính sách ôtô thay đổi.

Năm 2010: Im ắng

Năm 2010, chính sách ôtô không có thay đổi lớn, ngoại trừ một vài điều chỉnh nhỏ về tăng thuế suất tuyệt đối dành cho xe cũ.

Năm 2011: Nâng khung lệ phí trước bạ, siết nhập xe

Sang năm 2011, chính sách với ôtô lại có nhiều thay đổi quan trọng. Tháng 5/2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20 ngày 12/5/2011 siết nhập khẩu ôtô nguyên chiếc theo hướng: các DN muốn nhập khẩu phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng.

Quyết định có hiệu lực ngày 26/6 này đã loại hoàn toàn các DN thương mại nhập khẩu xe khỏi vòng "chiến đấu". Thương trường còn lại chỉ có các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN được ủy quyền chính hãng. Nhiều DN thương mại đã ký hợp đồng, chuyển tiền, nhưng xe chưa về thì trở tay không kịp, không biết xử lý sao. Một số DN xin làm phân phối chính hãng cho xe Trung Quốc, trong khi nhiều DN bỏ cuộc chuyển hướng kinh doanh.

Cũng trong tháng 6/2011, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 có hiệu lực từ 1/9/2011, quy định tăng khung lệ phí trước bạ ôtô từ 10-15% lên 10-20%, và mức thu cụ thể sẽ do các tỉnh, thành tự quyết tuỳ điều kiện địa phương.

Với chính sách này, sau đó HĐND TP. Hà Nội đã họp và quyết định nâng lệ phí trước bạ lên 20% với ôtô, bắt đầu từ 1/1/2012 và nâng phí cấp biển xe ôtô lên 20 triệu đồng. Còn tại TP.HCM, lệ phí trước bạ nâng lên 15% từ 1/1/2012.

Cuối năm 2011, một đợt mua xe lại ào ào diễn ra tại hai thành phố lớn nhất nước để tránh phí cao; giá xe lại tăng và nhiều mẫu xe lại "cháy" hàng.

Tuy nhiên, cuối năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân với ôtô từ mức 20-50 triệu đồng/xe tùy dung tích xi lanh và năm sau tăng thêm 5 triệu đồng/xe so với năm trước, khiến nhiều người lo lắng tạm ngừng mua xe.

Năm 2012: thị trường đóng băng, chính sách lại thay đổi

Thị trường ôtô thực sự đóng băng bắt đầu từ 1/1/2012. Tiêu thụ ô tô giảm mạnh, ở mức 40% so với năm trước đó. Nếu năm 2011, mức tiêu thụ đạt 170.000 xe thì tính đến hết tháng 8 năm nay, số lượng xe bán ra chỉ đạt 48.910 chiếc, giảm 32% so với cùng kỳ; và dự báo mới nhất, cả năm doanh số bán xe chỉ đạt 95.000 chiếc.

Mới đây, Bộ Công Thương lại gia hạn cho các DN thương mại đã ký hợp đồng chuyển tiền nhập mà xe chưa về kịp trong năm 2011 khi Thông tư 20 có hiệu lực được phép hoàn tất nhập khẩu xe trong vòng 3 tháng.

Chính sách phá hỏng đầu tư

Chính sách thay đổi quá nhiều quá nhanh trong thời gian ngắn khiến thị trường ôtô trong 9 năm qua liên tiếp chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, tạo ra thiếu sự ổn định.

Sách trắng do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phát hành năm 2011 cũng đã cảnh báo về chính sách công nghiệp ôtô Việt Nam. Theo EuroCham, cần tránh điều chỉnh liên tục các sắc thuế để ngành công nghiệp ôtô phát triển ổn định. Sự thay đổi thường xuyên, với mức độ lớn đã và sẽ làm gián đoạn đáng kể các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung cấp và các hoạt động bán lẻ của những bên tham gia vào ngành này do xuất hiện những mức cầu cao điểm và thấp điểm giả tạo trên thị trường.

Khi chính sách thay đổi và tạo ra những điểm cầu giả tạo đương nhiên sẽ tác động không tốt tới sản xuất. Nhu cầu xe tăng đột ngột khiến nhà sản xuất và nhà cung cấp linh kiện không thể đáp ứng kịp, nhu cầu giảm thấp thì sản lượng lại dư thừa. Thiếu và thừa đều làm mất đi tính ổn định của sản xuất và làm nản lòng DN.

Các DN mong muốn có một chính sách minh bạch ổn định trong thời gian dài, khoảng 20 năm, để họ hoạch định kế hoạch phát triển sản xuất thì không thành hiện thực và đầu tư vào công nghiệp ôtô của Việt Nam trong 10 năm qua đạt thấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo - VEF
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN