Làm 50 triệu/tháng mới nên “nuôi” xế hộp
Thời buổi kinh tế khó khăn, giá cả tăng khiến cho nhiều người đã ‘trót” mua xe hơi khó “nuôi” xe.
Chi phí “nuôi” xe tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tăng lên trông thấy khiến nhiều chủ xe “dở khóc, dở cười”…
Chi phí ngày càng tăng
Anh Nguyễn Minh Anh, làm việc trong ngành Viễn thông tại Hà Nội sau hơn một năm tậu chiếc xe Toyota Altis 2.0AT đã phải bán vội vì choáng với các khoản chi phí “nuôi” xe tăng trông thấy. “Giá gửi xe năm nay tăng hơn năm trước. Mỗi tháng tôi phải bỏ gần 5 triệu đồng chỉ cho việc gửi xe qua đêm, lúc đi làm, lúc đi chơi chỗ này chỗ kia… Chưa kể mỗi tháng mất đứt gần 3 triệu tiền xăng. Mà lương thì giảm, giá cả hàng hóa tăng, chi phí sinh hoạt gia đình cũng tăng. Thôi chẳng dám dùng xe hơi giải quyết khâu “oai” nữa” - Minh Anh than vãn.
Có nhiều khoản phải chi để nuôi xế hộp
Cám cảnh hơn, vợ chồng chị Lê Thu Hằng (phường Trung Liệt, Đống Đa) đang méo mặt vì 2 năm nay phải ôm cục nợ 100 triệu đồng vay ngân hàng để rước “ông” Ford Everest trả góp về. Năm trước tình hình còn tạm ổn vì chi phí “nuôi” xe cũng nằm trong tính toán. Nhưng năm nay làm ăn khó khăn, chi phí lại tăng, xe còn hơn một năm nữa mới hết trả góp nên muốn “đẩy” cũng không được. Theo chị Hằng, mỗi tháng nhà chị phải bỏ 13,5 triệu đồng gồm: Gửi xe ở cơ quan và ở gần nhà hết 4 triệu đồng/tháng; xăng, dầu: 4 triệu đồng/tháng; bảo hiểm 1 triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm); 4,5 triệu đồng/tháng tiền trả góp (cả tiền gốc và lãi cho khoản vay 100 triệu đồng trong vòng 3 năm), đó là chưa tính chi li các khoản phụ phí khác…
Cân nhắc trước khi mua
Ông Nguyễn Văn Hưng - chuyên viên khách hàng tài chính cá nhân, Ngân hàng Techcombank cho biết: “Trước khi mua xe bạn cần phải ước tính được tương đối số tiền phải chi trả hàng tháng cho chiếc xe để có kế hoạch chi tiêu cụ thể. Trong khi giá cả leo thang hiện nay bạn cũng nên cân nhắc tới việc sử dụng phương tiện nào phù hợp và tiết kiệm nhất để đảm bảo các khoản chi khác không bị ảnh hưởng”.
Với mức chi dè dặt nhất cho một chiếc xe bình dân thì mỗi tháng cũng phải tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng (120 triệu đồng/năm), ngoài ra còn có hàng loạt các khoản chi phí phát sinh mà các chủ xe không thể lường trước như: Xe bị va quệt, mất cắp phụ tùng, đền bù thiệt hại… Các chuyên gia tư vấn tài chính khuyến cáo, chi phí hàng tháng cho một chiếc xe cá nhân chỉ nên dừng ở mức 20% tổng thu nhập hàng tháng của chủ xe. Bởi với mức chi này thì người sở hữu xe hơi mới có thể đảm bảo các chi tiêu sinh hoạt khác cho cá nhân và gia đình. Điều này có nghĩa rằng, chi phí trung bình của xe hơi hiện nay là 10 triệu đồng/tháng thì mức thu nhập hàng tháng của bạn phải là 50 triệu đồng thì mới nên mua xe hơi.
Với khoảng 270 triệu đồng mua một chiếc Kia Morning cũ, nếu không mua xe bạn có thể dùng để sinh lời, mà đơn giản nhất là gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 7%/năm thì mỗi năm nó “đẻ” cả chục triệu, lại không mất hàng chục triệu đồng “nuôi” xe hàng tháng.
Chọn đúng xe, sử dụng đúng cách tiết kiệm hơn
Theo những người sở hữu xe hơi lâu năm, để giảm chi phí cho xe việc đầu tiên hãy chọn những xe có dung tích động cơ nhỏ từ 1.0 – 1.5L. Tiếp đến hãy chăm sóc xe định kỳ để giúp bạn tránh những hỏng hóc nặng, kéo theo chi phí có thể lớn hơn nhiều. Với xe số sàn luôn lái đúng số phù hợp tốc độ, nên nhớ, xe chạy không tải thường tốn khoảng 1 - 2 lít xăng/giờ, do đó, nếu bạn định dừng xe từ 30 giây trở lên thì nên tắt máy. Việc sử dụng điều hoà quá mức sẽ làm xe ăn xăng hơn khoảng 11%... Nếu không thật sự quen thân với các gara sửa chữa bên ngoài thì cách tốt nhất bạn nên mang xe vào gara chính hãng mỗi khi sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng...