Dân chơi 'rót' hàng trăm triệu đồng... tậu 'xế độp'

Trong thời đại phát triển như hiện nay, chiếc xe đạp tưởng chừng chỉ để lưu giữ những kỷ niệm của thời xa xưa. Vậy mà những tháng gần đây, một hiện tượng lạ lại xuất hiện tại Hà Nội, khi những dân chơi xe hơi thứ thiệt bỗng... đam mê và dồn tiền cho xe đạp.

“Rót” cả trăm triệu đồng cho xe đạp

Trào lưu mới lạ này đang bùng nổ trên diễn đàn danh tiếng của giới chơi “xế hộp” – Otofun.net. Các thành viên lâu nay thường dành mọi tâm huyết cũng như tiền của vào những chiếc Mercedes, BMW hay thậm chí Ferrari thì nay lại “nhảy bổ” vào “topic xế độp”, chủ đề mà dường như cách đây vài tháng còn bị coi là chỉ dành cho những người hoài cổ.

Những câu chuyện mà các đại gia xế hộp bàn tán rôm rả trên diễn đàn dành cho ô tô này giờ đây chỉ quẩn quanh chiếc xe hai bánh chạy bằng… sức người. Thậm chí, thành viên có nickname GiaoThong còn bông đùa rằng, otofun.net giờ chuyển thành xedapfun.net rồi.

Ban đầu, các thành viên chỉ bàn tán về trào lưu mới với tuyên bố ấn tượng của thành viên Fiat_ELX: “Em xin được khởi động phong trào xe đạp, hưởng ứng tinh thần bác Đinh La Thăng, giảm ô tô, nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông”.

Sau đó, các thành viên nhanh chóng trao đổi về cách chọn xe, rồi đến “chạy đua vũ trang” để có được chiếc xế khủng nhất đem khoe với “bàn dân thiên hạ” trong diễn đàn tại những buổi “offroad” hay café xế độp cuối tuần.

Đọc qua hết các topic liên quan đến phương tiện mà các thành viên gọi một cách hoa mỹ là “xế độp” này mới thấy, một khi đã đam mê, các tay chơi sẽ chẳng ngại ngần đầu tư hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để thể hiện đẳng cấp của mình.

Dân chơi 'rót' hàng trăm triệu đồng... tậu 'xế độp' - 1

Một chiếc Freeride như này có giá tới 200 triệu đồng.

Những chiếc xe đạp đắt tiền được các đại gia Việt lựa chọn chủ yếu của các hãng xe có tiếng trên thế giới như Treck, Canondale, Hummer, Colnago... Tất cả đều được nhập khẩu 100% từ khung vành cho tới từng con ốc.

Mỗi nhãn hiệu như vậy cũng có khoảng hơn chục kiểu dáng cho dân chơi tha hồ lựa chọn. Chẳng hạn, muốn có cái xe chạy vòng vòng thành phố thì có thể mua chiếc có bộ khung cứng cáp (hard tail) rẻ tiền (500 USD), còn muốn đi du lịch tại các vùng quê thì xe cần phải có ống nhúng lớn (500 – 800 USD). Một chiếc xe XC hard tail (full suspension) thì có giá trên 1.000 USD đến khoảng 7.000 USD.

Theo anh Xuân, một thành viên kỳ cựu của Otofun, giá thành một chiếc xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là chất liệu và công nghệ. Những chiếc xe đắt thường nhẹ hơn, nhưng chắc chắn hơn. Nó phụ thuộc một phần vào khung sườn là thép, nhôm hay carbon. Những chiếc xe có khung sườn làm bằng carbon chỉ 770g, toàn xe cũng nặng có 7kg và có giá tới 200 triệu đồng.

Tháng 3 vừa qua, giới chơi xe địa hình sành điệu xôn xao về chiếc "siêu xe đạp" giá 35.000 USD (khoảng 730 triệu đồng) được nhập về Việt Nam. Đó là chiếc xe M55 Terminus do chính tay hoàng tử Monaco thiết kế và chỉ có 250 chiếc loại này được sản xuất trên thế giới. Vì thế không phải cứ có tiền là có thể sở hữu chiếc xe đạp đó. Khách mua xe phải đặt hàng, thanh toán trước và đợi từ một đến hgai năm để được giao hàng. Được biết, chiếc siêu xe đạp này được công ty Saigon Moto nhập về theo đặt hàng của một Việt kiều Mỹ mới hồi hương sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Cùng thời điểm đó, cũng có một chiếc Kia Morning 2012 nhập về Việt Nam nhưng chỉ có giá 470 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT).

Anh khẳng định, những người chơi xe đạp có giá đến cả trăm triệu đồng không hiếm nhưng đó thường là các đại gia, còn dân chơi xe bình thường thì chỉ đặt mua những chiếc có giá khoảng... vài chục triệu.

"Xe đạp cũng là một niềm đam mê, một thú chơi khá tốn kém vì hiện giờ những chiếc xe đạp tốt, rẻ nhất cũng phải từ 9, 10 triệu trở lên, rồi còn sắm đồ, phụ kiện cho nó nữa. Mà ai chơi xe một thời gian lại chả muốn nâng cấp lên, nhiều người còn có đến vài chiếc", anh Xuân chia sẻ.

Quả thực, đối với một người chơi xe, ban đầu chỉ cần bỏ ra vài triệu đến vài chục triệu là có thể sở hữu một chiếc xe nhưng số tiền đó nhanh chóng tăng lên theo các món phụ kiện đính kèm. Ví dụ, để làm chủ loại Freeride đổ đèo với kết cấu khung siêu cứng, giảm sóc trước 180-200 mm, giảm sóc sau 200-220 mm, người chơi phải bỏ ra khoảng 8.000 USD.

Không chỉ vậy, với dòng đổ đèo, khung xe đắt nhất tầm 3.000 USD, còn giảm sóc giá 1.600-1.700 USD. Có nhãn hiệu, một chiếc yên giá hai triệu, đôi lốp tầm hơn một triệu đến hai triệu. Đồng bộ với xe khủng, dân chơi còn phải sắm các phụ kiện đi kèm như găng tay, mũ bảo hiểm, bảo vệ đầu gối, khuỷu tay, giày, quần áo bay... Tổng chi phí dành cho những món đồ "râu ria" này cũng lên đến hàng chục triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu không phải dân chơi xe chắc chẳng ai nghĩ những chiếc xe đạp lại có thể được gắn hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS hay có cả màn hình cảm ứng ở phía trước như một chiếc máy tính mini với rất nhiều chức năng khác nhau. Nhiều khi chỉ riêng những phụ tùng đi kèm này cũng có giá tương đương với cả một chiếc xe.

Chẳng thế mà thành viên óc nickname Rach khẳng định, không chỉ trong môn xe đạp mà môn nào cũng vậy, càng lên đỉnh cao người ta càng phải trả nhiều tiền hơn để có sự cải thiện dù nhỏ về "vũ khí". Sự cải thiện ở mức độ đó thường nhỏ đến mức người mới chơi không thể nhận ra nhưng đối với người chơi kỹ sẽ nhận ra ngay. Đẳng cấp được thể hiện từng chi tiết, thậm chí chỉ là với con ốc vặn.

Chính vì vậy, hầu hết các tay chơi đều kết luận: “Chơi xe đạp là sự đầu tư kỳ công từ kiến thức đến… túi tiền”.

Không chỉ là thể hiện đẳng cấp

Tuy nhiên, dường như những khoản tiền khổng lồ mà các đại gia “xế độp” bỏ ra cũng “đáng đồng tiền bát gạo” bởi theo như chia sẻ của các thành viên Otofun, không đơn giản chỉ là thể hiện đẳng cấp, xe đạp mang lại cho họ rất nhiều tiện lợi.

Dân chơi 'rót' hàng trăm triệu đồng... tậu 'xế độp' - 2

Vì thấy tốt cho sức khỏe, cả nhà cùng kéo nhau "độp" xe. Ảnh: Otofun.net.

Theo hầu hết dân chơi, xe đạp vừa là phương tiện đi lại đồng thời rèn luyện thân thể, không gây ô nhiễm môi trường, không tốn xăng và đơn giản còn để phản đối kế hoạch thu các loại phí đối với xế hộp của Bộ Giao Thông Vận Tải.

Thành viên có nickname Robinson khẳng định trên choxe.net: "Một khi đã có tiền mua xe hơi thì phí đó không hẳn là thành vấn đề nhưng nó có vẻ vô lý quá. Thu phí để hạn chế người dân dùng các phương tiện cá nhân, vậy tại sao không xem và nhìn lại tắc đường do đâu và vì đâu? Đường sá xuống cấp trầm trọng, lô cốt thì mọc lên không ngừng, mỗi lúc tắc đường thì trong đó có đến 5 chiếc xe buýt ngang dọc theo nhiều hướng. Xe buýt thì chạy như điên trên đường phố, dịch vụ xe công cộng tồi và xuống cấp, khí thải từ xe buýt gấp cả nghìn chiếc xe máy, chưa nói đến xe đạp. Thu phí như thế để làm gì? Chỉ để tăng tiền cho nhà nước và thêm gánh nặng cho dân. Thu phí để sửa đường ư? Cái đó phải chờ xem”.

Trong khi đó, Xstarive, một thành viên của Otofun.net nhấn mạnh: “Đi xe đạp không gây ô nhiễm môi trường và góp phần bảo vệ môi trường. Theo Tổ chức Hòa bình Xanh thì khí oxit cácbon, khí cacbonic... được các phương tiện giao thông nói chung, chiếm không ít hơn 13% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tất nhiên là không có tình trạng ấy, nếu tất cả chúng ta bỏ xe ôtô và trèo lên yên xe đạp”.

Một giám đốc của công ty chuyên xử lý, tái tạo nguyên liệu ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc tự điều khiển một máy khoan phá hỏng chiếc Mercedes Benz của mình để chuyển sang đi xe đạp. Vị giám đốc này họ Trần, là người trực tiếp quản lý hàng trăm nhân viên một của công ty TNHH chuyên xử lý, tái tạo nguyên liệu. Giám đốc Trần còn hứa sẽ tự bỏ tiền túi sắm xe đạp cho hàng trăm công nhân tại công ty và khẳng định, những nhân viên “chịu khó” đi xe đạp sẽ được trợ cấp hàng tháng.

Không chỉ vậy, đa số thành viên còn chia sẻ về những lợi ích to lớn đối với sức khỏe của họ khi sử dụng xe đạp.

“Em thì lúc đầu đơn giản là mua xe để đi thể dục, mượn được em TRECK 8500 đi một thời gian thấy cũng hay nên nhờ cụ Khôi sắm cho một em ATX770D, không ngờ lúc hàng về lại là XTC790, thôi thì dùng tạm vậy. Sau một thời gian luyện tập, em thấy sức khỏe cải thiện rất tốt. Huyết áp trước đây của em khoảng 145-155/110, giờ chỉ 125-135/85. Túm lại đối với em XE ĐẠP THẬT TUYỆT VỜI”, thành viên với nickname Yensuong cho hay.

Tán thành chia sẻ này, thành viên Metalins nhấn mạnh: “Đúng là từ khi có xe đạp em năng đi lại hơn, lúc thì lượn chỗ này cafe, chỗ kia làm 1,2 vại beer rồi lại đạp về không như trước đây. Với em xe đạp là phương tiện đi lại thuận lợi, không hủy hoại môi trường, tốt cho vận động cơ thể”.

Tỉ mỉ hơn, thành viên Fiat_ELX còn đưa ra 12 ích lợi đối với sức khỏe khi đi xe đạp, nào là giảm căng thẳng, tăng sức dẻo dai cho cơ thể, giảm nguy cơ ung thư, giảm huyết áp, phòng bệnh cột sống và đau lưng…

Ngoài ra, Fiat_ELX còn cho hay: “Xe độp ngoài bơi ra, em nghĩ không thua bất cứ môn thể thao nào về độ tiện lợi, thứ nhất là không cần phải có đối thủ, thời tiết mưa, nắng, lạnh nóng ... chén được hết. Từ khi độp xe, ngoài việc rất tốt cho sức khỏe, em gặp được nhiều bạn mới cùng sở thích, có thể ngồi quán cafe cả buổi chỉ nói chuyện xe độp, hầu như không mời nhau bia rượu, thuốc lá”.

Chả thế mà thành viên DiLusso “chốt” một câu: “Chi cho xe đạp để có sức khỏe là không nên tiếc các cụ ạ. Tuổi trẻ có sức khỏe mua tiền, về già thì có tiền mua sức khỏe”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN