5 nguyên tắc đi cao tốc mà bạn cần phải nằm lòng

(PLO)- 5 nguyên tắc đi cao tốc được nhà báo Nguyễn Đức Hiển, chia sẻ sau những chuyến đi hàng tuần trên cao tốc Vĩnh Hảo - TP.HCM. 

Liên quan đến kinh nghiệm lái xe trên các tuyến cao tốc, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trên cao tốc do chủ quan nhưng nhiều người lái xe không chú ý.

Tôi thường xuyên chạy cao tốc Vĩnh Hảo tới TP.HCM gần như mỗi tuần, nhưng tôi thấy thực sự tình trạng chạy ẩu là rất nhiều. Chạy xe đúng luật và cẩn thận có thể hạn chế được gần hết nguy cơ tai nạn.

Nói dễ, nhưng làm khó. Ngay mỗi người dù kinh nghiệm đến mấy cũng có những lúc cao hứng thành ẩu, ức chế nên cộc cằn dằn pedal như xả stress, buồn ngủ, bất cẩn... khi lái xe. Nhưng có một điều, mọi sai lầm trên cao tốc gần như không có cơ hội khắc phục, hên thì hỏng xe, xui thì mạng cũng không còn.

5 nguyên tắc đi cao tốc mà bạn cần phải nằm lòng - 1

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn. Ảnh : ND

Sau khi theo dõi các vụ tai nạn gần đây và qua trải nghiệm lái xe, tôi có một số kinh nghiệm sau:

Trợ lực lái

Thứ nhất là trợ lực lái, ngoại trừ các xe bảo dưỡng định kỳ ở hãng, các bạn bảo trì xe cũ tại garage thường chỉ thay dầu, đổi lốp hoặc mang xe đi sửa khi trục trặc. Tất cả xe hiện nay đều dùng trợ lực dầu hoặc điện. Khi đánh lái cảm thấy nặng hoặc có tiếng lạo xạo là nên kiểm tra ngay và tuyệt đối không vào cao tốc.

Với xe trợ lực điện, đôi lúc là nguồn cung cấp điện từ bình bị hở cọc, bạn thấy nó nặng, lát sau lại thấy bình thường nên chủ quan. Trên cao tốc, vì bạn đã quen với cảm giác lái có trợ lực nên mất trợ lực sẽ khó điều khiển xe linh hoạt và chính xác. Trục trặc hệ thống trợ lực cũng khiến xe khó thẳng theo thước lái, cực dễ va chạm khi chạy song song ở tốc độ cao.

Làm chủ khoảng cách

Thứ hai là làm chủ khoảng cách giữa các xe. Ở tốc độ trên 80 km/h muốn vượt xe đừng thấy trống đường là vượt ngay. Coi cách lái của xe chạy trước có ổn định hay không, xi nhan và báo thêm cái nữa bằng pha- cốt khi an tâm rồi hẵng vượt. Hiện nay do tốc độ cao, đường có kẻ vạch nên nhiều lái xe lười, không vẫy tay hay chớp đèn cho bạn biết là họ sẵn sàng nhường đường, vì thế cứ hỏi bằng đèn cho chắc.

Thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống

Thứ ba, nhiều người mới mua xe và chủ yếu chạy gần, ít chạy đường dài, lễ tết mới đi xa trong khi mật độ xe lớn, tốc độ thì cao, thiếu kinh nghiệm và chủ quan nên khi đối diện với tình huống nguy hiểm không xử lý được. Trường hợp này càng rất cần cẩn thận và cẩn thận.

Cẩn trọng với tín hiệu vàng trên xe

Thứ tư là chủ quan vào thiết bị cảnh báo nhưng lại lười tìm hiểu. Có một nguyên tắc thôi, bất cứ dấu hiệu vàng hoặc đỏ nào tự nhiên hiển thị trên bảng điều khiển đều phải dừng xe và xem xét, xem kỹ sách hướng dẫn sử dụng để biết rõ nó là cái gì, trước khi quyết định nên tiếp tục hành trình hoặc gọi cứu hộ. Nếu mua xe hãng hoặc mua lại xe, bạn phải lưu số đường dây nóng hỗ trợ kỹ thuật của hãng. Với xe cũ, một số chức năng hiển thị không còn hoạt động, nên định kỳ châm nước làm mát, thay nhớt và nên kiểm tra an toàn khi có ý định đi đường dài.

Không nên đạp hết tốc độ cho phép

Thứ năm, đề phòng cảm giác “sung sướng tài giỏi” và tận dụng hết lợi thế cao tốc. Lái xe liên tục ở tốc độ trên 100 km/h là rất căng thẳng. Với những đoạn thoáng, thẳng có thể di chuyển 120km/h không sao, nhưng đều đều tốc độ ấy thì nguy hiểm. Thực ra giữa một người chạy ở tốc độ thuận lợi, an toàn nhất với người đạp hết tốc độ cho phép thì trên quãng đường Vĩnh Hảo- TP.HCM cũng chênh nhau chừng 40 phút.

Vì thế sau trải nghiệm ban đầu với sự chuẩn bị tâm thế, những lần sau không nên cứ đạp hết ga vì nghĩ mình đang chạy rất nhanh đúng luật. Khi chiếc container trước đột ngột giảm tốc, có thể bạn sẽ ân hận vì thử thách này không nên đặt ra cho bản thân.

Nguồn: [Link nguồn]

Quan tâm những chi tiết và những điều sau sẽ giúp xe ô tô của bạn có cảm giác lái tốt nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức Hiển ([Tên nguồn])
Kỹ năng lái xe ô tô Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN