Kỹ nghệ làm đẹp trong cung cấm

Sự kiện: Chăm sóc da mụn

Cho đến nay, bí quyết làm đẹp chỉ dành riêng cho hoàng hậu và các cung tần mỹ nữ chốn hậu cung triều Nguyễn xưa vẫn còn được lưu truyền trong dân gian.

Bà Nguyễn Thị Phương (ngụ tại Q.3, TP.HCM), là truyền nhân đời thứ 3 của bí quyết làm đẹp chốn hoàng cung sẽ tiết lộ về những bí mật làm đẹp chốn hậu cung thời Nguyễn xưa. Tất cả các cung tần mỹ nữ xưa đều sử dụng cách này để lưu giữ tuổi thanh xuân cho mình.

Bí quyết làm đẹp hoàng cung của hoàng hậu và các cung phi xưa cho tới ngày nay vẫn là một bí ẩn. Các cung tần mỹ nữ với làn da tuyệt đẹp, thanh thoát, tự nhiên, tuổi xuân được lưu giữ thêm nhờ làn da luôn căng mịn... Chính những điều ấy mà cho tới ngày nay, rất nhiều người vẫn mong tìm được phương thức làm đẹp bí truyền ấy nhằm có được nét đẹp chốn hoàng cung xưa. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với bà Nguyễn Thị Phương, truyền nhân đời thứ 3 của dòng họ chuyên bào chế phấn nụ hoàng cung, bà sẽ cho chúng ta biết rõ hơn về cách làm đẹp của mỹ nữ xưa.

Kỹ nghệ làm đẹp trong cung cấm - 1

Cách làm đẹp chốn hậu cung xưa vẫn là điều bí ẩn cho tới ngày nay

Kỹ nghệ làm đẹp trong cung cấm

Bà Nguyễn Thị Phương (70 tuổi), hiện đang sống tại căn nhà khá khiêm tốn nằm trong một con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Bà là truyền nhân đời thứ 3 của một dòng họ chuyên bào chế ra mỹ phẩm làm đẹp cho các cung tần trong cung đình triều Nguyễn.

Huế là một vùng đất kinh đô xưa, nơi hội tụ của những mỹ nữ hoàng tộc trong cung cấm. Bởi vậy mà những bí quyết làm đẹp dành riêng cho hoàng hậu và các cung tần chốn hậu cung được làm hết sức tỉ mỉ, công phu và bí truyền. Trong những cách làm đẹp của những mỹ nhân hoàng tộc ấy thì có một loại phấn được tạo nên và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bất cứ cung tần mỹ nữ nào trong cung cũng đều sử dụng phương cách này để làm đẹp. Loại phấn này là loại mỹ phẩm của cung đình Huế xưa, những công chúa, hoàng hậu thời ấy rất ưa dùng, nó được coi là bí quyết để giữ gìn sắc đẹp và tuổi thanh xuân.

Bà Nguyễn Thị Phương cho biết về nguồn gốc của cách làm đẹp bí truyền này: "Vào đầu thế kỷ XIX khi Huế trở thành kinh đô của nhà Nguyễn, cùng với việc thiết lập triều cương, ở chốn cung đình một nhu cầu không thể thiếu đối với các cung tần mỹ nữ đó là làm đẹp. Chính vì vậy, cung đình Huế xưa có cả một công nghệ chế tạo mỹ phẩm cho các bà hoàng, cung phi... và hầu hết đều làm từ nguyên liệu thiên nhiên. Ví như sáp môi được làm từ sáp ong loại tốt, nấu chảy, trộn thêm dầu ô liu rồi lọc vài lần qua các lớp sa. Bột phấn tô lông mày đốt từ gỗ cây điên điển, rồi thổi thật nhẹ để lấy thứ bụi tro nhẹ, mịn làm chì kẻ mắt. Bút vẽ lông mày là cây điên điển phơi khô, giã giập mịn đầu rồi cắt xéo vạt (sau này được thay bằng cọ lông)...”.

Bà Phương cũng cho biết, các cung tần mỹ nữ xưa muốn có một vẻ đẹp toàn diện thì phải học rất nhiều. Từ việc ăn nói, đi đứng cho đến học lễ nghĩa đều phải học rất kỹ. Nhưng là một người con gái thì vẻ đẹp bề ngoài cũng không kém phần quan trọng bởi vẻ đẹp cung nữ xưa phải là đẹp từ trong ra ngoài. Bởi vậy, những cách thức làm đẹp cũng được chú trọng, ngay từ lúc còn nhỏ những cung tần mỹ nữ này đã dùng nhiều mỹ phẩm hoàng cung để tự chăm sóc da. Những loại mỹ phẩm này được chiết suất hoàn toàn bằng thiên nhiên và bào chế hết sức công phu.

Tất cả công nghệ chế biến mỹ phẩm hoàng cung luôn được giữ kín, từ cách pha chế cho đến cách tô vẽ sao cho gương mặt của những mỹ nữ vừa đẹp lại vừa trang nghiêm. Mỗi thứ mỹ phẩm lại được giao cho một thị nữ tin cẩn phụ trách pha chế, sản xuất và truyền từ đời này sang đời khác. Vì vậy, khi mà cung tần mỹ nữ không còn nữa thì một số bí kíp đã theo chân các cung nữ và đã trở nên thất truyền. Thật may mắn vì trong dòng mỹ phẩm hoàng cung đó, có một loại phấn trang điểm càng dùng lâu da càng đẹp, đã vượt ra được khỏi quy luật nghiệt ngã đó, để rồi từ cấm cung bước ra nhân gian và tồn tại cho đến ngày nay, đó là phấn nụ.

Người duy nhất nắm giữ bí mật

Bà Nguyễn Thị Phương cũng cho biết nguyên do phấn nụ bước ra khỏi hoàng cung đến với nhân gian được bắt nguồn từ một biến cố lịch sử. Năm 1945, khi triều đại nhà Nguyễn cáo chung, kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình, các cung nữ được xuất cung trở về với đời sống thị dân, trong đó có cả người cung nữ nắm giữ bí quyết làm phấn nụ. Sau khi xuất cung vì không muốn tinh hoa của dân tộc bị thất truyền, người cung nữ giữ bí quyết này đã truyền thụ tất cả cho người con gái út của mình là bà Trần Thị Thiểu (tên thường gọi là bà Hường, gọi theo tên chồng).

Kỹ nghệ làm đẹp trong cung cấm - 2

Rất nhiều bí quyết được lưu truyền cho đến ngày nay (Ảnh minh họa)

Sau khi có được phương thức bí quyết từ mẹ, bà Hường bắt đầu sản xuất phấn nụ để bán rộng rãi ra dân chúng, vừa là để mưu sinh, và cũng là để giữ nghề cho con cháu mai sau. Nhờ phát huy tốt bí quyết mà mẹ để lại, chỉ sau một thời gian ngắn, phấn nụ Huế của bà Hường đã nổi danh khắp xứ kinh kỳ dạo đó. Sau này, khi đã già yếu, bà Hường lại làm tiếp công việc truyền nghề cho thế hệ kế tiếp.

Một trong những nguyên tắc của người nắm giữ bí quyết pha chế phấn nụ là chỉ truyền nghề lại cho con gái của mình, ngoài ra người con gái đó phải có một cái tâm trong sáng, tính tình kiên trì, không nóng nảy. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch nên mặc dù có rất nhiều con gái nhưng bà Hường chỉ truyền nghề lại cho 2 người con là bà Trần Thị Tùng (con gái đầu) và bà Trần Thị Phương (con gái thứ 8). Hai người con này sau khi nhận đã tiếp nhận phương cách làm đẹp bí truyền thì đã tiếp tục nối nghiệp.

Sự kế nghiệp từ đời này qua đời khác là để có thể lưu giữ lại được nghề bí truyền và bảo vệ giá trị tinh hoa của dân tộc. Một thời gian sau, bà Tùng đã rời quê hương và sang định cư ở Hoa Kỳ từ năm 2003 nên không còn tiếp tục nối nghề phấn nụ hoàng cung được nữa. Tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương hiện là người duy nhất còn lưu giữ phương thức làm đẹp bí truyền này.

Nói về sự tiếp nối và lưu truyền phương thức làm đẹp chốn hậu cung bà Nguyễn Thị Phương chia sẻ: "Việc lưu giữ và tạo nên loại mỹ phẫm làm đẹp chốn cung cấm xưa giờ đây không còn là việc làm của cá nhân nữa mà là điều có ý nghĩa lớn đối với cả một dân tộc. Đây không còn là việc giữ và lưu truyền cho những thế hệ sau mà còn lưu lại những giá trị tinh hoa của phương thức làm đẹp người Việt xưa".

Mặc dù việc tạo nên được phấn nụ hoàng cung là vô cùng khó khăn và tốn rất nhiều thời gian, công sức, nhưng với những phương thức được truyền lại qua bao thế hệ thì bà sẽ cố gắng làm sao để có thể lưu giữ lại được nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Bà Phương cũng cho biết thêm là hiện tại đứa con gái của bà là chị Nguyễn Phương Khanh cũng đang tiếp tục kế nghiệp nhằm lưu giữ những giá trị tinh thần và bản sắc văn hóa của phương thức làm đẹp chốn hậu cung xưa.

Bà Phương cho biết: "Trải qua hàng trăm năm nhưng phương thức làm đẹp vẫn chỉ giữ nguyên một công thức bào chế. Những giá trị tinh thần từ loại phấn làm đẹp hoàng cung này vẫn được lưu giữ và truyền từ đời này qua đời khác. Phấn nụ hoàng cung là phương cách làm đẹp hữu hiệu nhất của các cung tần mỹ nữ xưa. Việc dùng phấn nụ hoàng cung để chăm sóc da từ lúc còn nhỏ cho tới lúc già giúp những cung tần xưa níu kéo thêm được tuổi thanh xuân cho mình".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Phong (Người Đưa Tin)
Chăm sóc da mụn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN