Lưu bài Bỏ lưu bài

Quay cuồng với cơn bão giá và “ngàn lẻ một” cách cắt giảm chi tiêu để ví không hết tiền

Giá xăng tăng kỷ lục những ngày vừa qua đã tác động khiến các mặt hàng tiêu dùng từ gạo, mớ rau đến gói mì tôm,... đều đồng loạt tăng giá.

Nhiều bà nội trợ thở dài vì phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu; một số người khác thì thay đổi thực đơn đơn giản hơn nhưng không biết có "bảo toàn" được mâm cơm gia đình trong sự tiết kiệm mà vẫn đủ lượng và chất hay không.

Đi chợ như

Đi chợ như "đánh mất tiền" là điều nhiều bà nội trợ đang gặp phải trong cơn bão giá hiện nay

Hàng tiêu dùng, thực phẩm tăng giá “chóng mặt”

Bà Xuân (chủ sạp gạo tại chợ Nhân Chính, Thanh Xuân) cho hay 2 tuần nay, bà phải điều chỉnh giá gạo lên từ 1.000 - 3.000 đồng/kg.

"Mỗi lần lấy hàng là một lần giá mới cao hơn lần trước, nên tôi phải điều chỉnh tăng thêm mới có chút lời. Khổ nỗi tăng giá thì lại ế hàng, sáng giờ tôi mới bán được 20 - 30kg, mà ai cũng chậc lưỡi vì thấy giá tăng".

Cách đó không xa là dãy hàng ăn uống, thực phẩm tươi sống…, đa phần đều chịu chung sức ép từ giá xăng dầu tăng, nên hàng hóa tăng giá và chịu chung cảnh ế ẩm. Tiểu thương nào cũng lắc đầu ngao ngán, “xăng lên hàng họ ế ẩm, khách hàng cũng chạy trốn đâu hết"...

Nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá mạnh cùng giá xăng trong thời gian qua

Nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá mạnh cùng giá xăng trong thời gian qua

Là chủ quán cà phê ở khu vực Cầu Giấy, anh Bình, chủ quán kể: Mới đây nhà cung cấp nguyên liệu thông báo tăng các loại cà phê rang xay từ 10.000 đồng/kg, một can dầu ăn 30 lít tăng từ 700.000 đồng lên 1,2 triệu đồng… Mức tăng này khá cao, buộc quán phải tính toán lại việc tăng giá sản phẩm bán ra.

Nhiều tiểu thương và nhà bán lẻ thừa nhận bão giá đã làm thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của khách hàng. Họ mua ít hàng hơn trong mỗi lần đến siêu thị hoặc chợ. Đặc biệt rất nhiều người chỉ mua những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, sữa, đường, bột ngọt… Trong khi đó hạn chế tối đa mua hàng cao cấp, hàng đắt tiền như đồ nội thất, máy lạnh, máy giặt, thiết bị nhà bếp.

Tiểu thương ngán ngẩm "gồng" theo "bão giá"

Việc người dân, các bà nội trợ và giới văn phòng thắt chặt chi tiêu thời “bão giá” cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới những người kinh doanh, làm dịch vụ. Những tiểu thương nhỏ mất nhiều thời gian hơn để bán hết số hàng đã chuẩn bị trước đó. Trong khi những hộ kinh doanh cũng phải xoay sở đủ cách để thích nghi với hoàn cảnh mới.

Những tiểu thương nhỏ cũng gặp khó khăn do giá hàng hóa tăng cao khiến nhu cầu mua của người dân giảm

Những tiểu thương nhỏ cũng gặp khó khăn do giá hàng hóa tăng cao khiến nhu cầu mua của người dân giảm

Dù đã gần 12 giờ trưa nhưng chị Dương Bích Hằng (Vĩnh Phúc) vẫn kiên trì ngồi ở vỉa hè của chợ tạm trong con ngõ trên phố Nhân Hòa (Cầu Giấy) để mong bán được nốt phần giò, chả, thức ăn nhanh còn lại rồi mới trở về nhà.

Đôi mắt mệt mỏi, thiếu ngủ, chị cho hay, kể từ khi hàng hóa, thực phẩm tăng giá, trong mỗi buổi đi chợ, chị phải cố gắng hơn rất nhiều để mong có thêm thu nhập lo cho con cái, gia đình.

"Ngày nào tôi cũng dậy từ 3 giờ sáng để kịp làm giò chả, đi quãng đường gần 40km để bán hàng. Vất vả là vậy nhưng ế ấm, lãi lời chẳng đáng là bao” - chị Dương Bích Hằng (Vĩnh Phúc).

Hàng ngày thức dậy từ 3 giờ sáng, chị Hằng phải đi xe máy gần 40km đến chợ để bán hàng. Thời gian gần đây, do mọi thứ đắt đỏ, người dân thắt chặt chi tiêu nên những mặt hàng giò chả chị bán thường bị ế ẩm, lượng hàng bán được giảm tới một nửa so với trước khi hàng hóa tăng giá theo đà tăng của giá xăng dầu.

Hàng bán được ít cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của gia đình chị bị giảm xuống. Thu nhập giảm nhưng chi phí sinh hoạt hàng ngày lại tăng đột biến do giá cả leo thang khiến gia đình chị thêm chật vật.

"Ngày nào cũng dậy từ 3 giờ sáng để kịp làm giò chả, vất vả là vậy nhưng lãi lời chẳng đáng là bao. Giờ thịt lợn liên tục tăng giá nên hàng họ lại càng ế ẩm, nếu nghỉ thì mất khách. Làm gì bây giờ cũng khó khăn, không như trước kia đâu chị ơi”... – chị Hằng nói.

Sức mua của người tiêu dùng thời điểm hiện tại chỉ đạt khoảng 60 - 70% so với đầu năm.

Trong khi đó, nhiều tiểu thương tại các chợ đều cho rằng sức mua của người tiêu dùng đã giảm đáng kể khi giá xăng liên tục tăng phi mã trong thời gian qua. Theo tính toán của các tiểu thương, so với thời điểm đầu năm thì sức mua của người tiêu dùng thời điểm hiện tại chỉ đạt khoảng 60 - 70%.

Người tiêu dùng không còn mạnh tay chi tiêu như trước khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm đáng kể

Người tiêu dùng không còn mạnh tay chi tiêu như trước khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm đáng kể

“Người tiêu dùng vẫn mua hàng nhưng nếu trước đây có thể mua 1kg thịt thì nay chỉ mua 0,5kg, các mặt hàng khác cũng tương tự như vậy. Người tiêu dùng không còn mạnh tay chi tiêu như trước. Thay vào đó, tâm lý người tiêu dùng bây giờ là chỉ mua vừa đủ và mua những mặt hàng thực sự cần cho sinh hoạt” - chị Nguyễn Thị Loan tiểu thương bán thịt chia sẻ.

Từ bỏ thói quen mua sắm và hạn chế làm món cầu kỳ

Mặc dù giá xăng đã được điều chỉnh giảm mạnh hôm 11/7 vừa qua, giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước cơn “bão giá” đang diễn ra trên diện rộng, từ bà nội trợ, giới trẻ, nhân viên văn phòng đều quay cuồng bởi mỗi lần mua sắm như “đánh rơi tiền”.

Chị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) nhìn xuống cái giỏ đi chợ vẫn còn lép kẹp của mình và chia sẻ: “Để đủ tiền sinh hoạt, từ mấy tháng nay tôi cũng đã mua đồ ăn ít lại, chỉ dám mua những món cần thiết, dễ nấu. Nhưng mua ít không có nghĩa là tôi xài ít tiền hơn. Với giá cả mọi thứ đều tăng như lúc này, chưa hết một vòng chợ là đã cạn túi”.

Người tiêu dùng nâng lên đặt xuống trước khi mua một món đồ nào đó tại siêu thị

Người tiêu dùng nâng lên đặt xuống trước khi mua một món đồ nào đó tại siêu thị

Trong sinh hoạt hàng ngày, cái gì cần thiết lắm chị Vân mới dám chi tiêu. “Tôi phải đong đếm từng đồng, nếu không lúc thiếu biết vay mượn ai khi ai nấy đều phải tiết kiệm hết sức có thể trong thời buổi bão giá hiện nay”, chị nói.

“Nếu như trước đây 1 bữa ăn của cả gia đình (4 người) chi tiêu hết khoảng 100.000 đồng thì bây giờ tôi phải căn ke hơn, cố gắng gói gọn chi tiêu trong số tiền 80 - 90.000 đồng” - chị Vân, Cầu Giấy (Hà Nội).

“Giá xăng tăng, con cá, mớ rau tăng, giá gas tăng, tiền sách giáo khoa của con cũng tăng trong khi thu nhập thì eo hẹp nên cuộc sống vất vả lắm. Tôi phải cắt giảm tối đa những chi phí không cần thiết để mong có đủ tiền chi tiêu trong 1 tháng. Nếu như trước đây 1 bữa ăn của cả gia đình (4 người) chi tiêu hết khoảng 100.000 đồng thì bây giờ tôi phải căn ke hơn, cố gắng gói gọn chi tiêu trong số tiền 80 - 90.000 đồng”, chị Vân chia sẻ thêm.

Để hạn chế những chi phí không cần thiết, kể từ đầu năm 2022, chị Vân và chồng thống nhất sử dụng phương tiện công cộng để đi làm. Với cách này, gia đình chị cũng tiết kiệm thêm từ 800.000 – 1 triệu đồng/tháng tiền xăng xe.

Tương tự, chị Hà - một giáo viên mầm non (Hà Đông, Hà Nội) cũng như bao bà nội trợ khác, cho hay, vài tháng trở lại đây chị luôn canh cánh gánh nặng chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.

“Mỗi ngày, tôi phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu để chu toàn miếng ăn, cái mặc cho 4 thành viên trong gia đình” - chị Hà - một giáo viên mầm non (Hà Đông, Hà Nội)

Trong thời “bão giá” hậu đại dịch, chị Hà phải “thắt lưng buộc bụng” để chu toàn miếng ăn, cái mặc cho 4 thành viên trong gia đình.

Bữa cơm của nhiều gia đình trở nên đạm bạc hơn trong thời

Bữa cơm của nhiều gia đình trở nên đạm bạc hơn trong thời "bão giá"

Mỗi buổi sáng khi đi chợ, chị Hà lại “giật mình” vì giá cả của mặt hàng nào cũng tăng lên, cụ thể, mớ rau muống tăng lên 2.000 – 3.000 đồng, 10 quả trứng tăng lên 3.000 đồng, thịt lợn cũng tăng tới 10.000 đồng/kg… Ngoài ra, nhiều thứ khác như dầu ăn, nước mắm, các loại gia vị cũng đã tăng phi mã chỉ trong thời gian ngắn.

Vừa sắp xếp lại mâm cơm đạm bạc chỉ có món đậu rán, cá kho và rau, dưa, chị Hà chia sẻ, thời gian gần đây, giá cả nhiều thứ tăng cao nên cuộc sống gia đình bị đảo lộn khá nhiều.

“Các bữa ăn hàng ngày đạm bạc hơn, bữa nọ bù trừ cho bữa kia. Thu nhập không tăng mà giá cả các mặt hàng tăng lên chóng mặt thì chỉ có tiết kiệm là cách duy nhất để duy trì cuộc sống hàng ngày” – chị Hà nói.

“Bí kíp” cắt giảm chi tiêu thời bão giá

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của “cơn bão giá” đang diễn ra trên diện rộng hiện nay, hàng loạt những mẹo tiết kiệm đã được các bà nội trợ, nhân viên văn phòng chia sẻ trên các diễn đàn.

Chị Thu Hương (28 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ thu nhập của mình mỗi tháng 20 triệu đồng nhưng nhiều lúc cũng “thiếu trước, hụt sau” bởi vì mọi thứ tăng giá đến chóng mặt.

Không muốn bị thiếu trước hụt sau, nhiều người đã thắt chặt các khoản chi tiêu hàng ngày

Không muốn bị thiếu trước hụt sau, nhiều người đã thắt chặt các khoản chi tiêu hàng ngày

Trước bão giá, chị Hương chi tiêu khoảng 14 triệu mỗi tháng cho gia đình có một con nhỏ. Trong đó, khoảng 4 triệu cho chi phí sinh hoạt, 6 triệu cho ăn uống, 4 triệu là mua sắm và các khoản vặt. Khi bão giá xảy ra, mỗi khoản chi tiêu trong gia đình chị tăng lên từ 1-2 triệu 1 tháng.

“Mọi thứ đều tăng giá, cuối tuần nếu cho bạn nhỏ đi chơi tôi cũng không dám ăn uống mua sắm nhiều” - chị Thu Hương (26 tuổi, Hà Nội)

Để thích ứng với việc vật giá tăng phi mã như hiện nay, chị Hương cho biết đã phải cân đối lại các khoản chi tiêu và không dám chi mạnh tay như trước.

“Ví dụ bình thường nhà mình sẽ mua thêm quần áo mới nhưng đợt này là cũng phải suy nghĩ đắn đo xem nên mua thêm hay không. Hoặc đơn cử là giờ cuối tuần cho bạn nhỏ đi chơi cũng không dám ăn uống mua sắm nhiều, phải tiết kiệm hơn trước vì sau khi mọi thứ tăng giá thì khoản tiền mình để riêng cho việc hưởng thụ, giải trí nó không còn được nhiều nữa”, chị Hương chia sẻ.

Giá xăng tăng kỉ lục, người dân quay cuồng với cơn bão giá và “ngàn lẻ một” cách cắt giảm chi tiêu - 8

Các gia đình cũng hạn chế cho con vui chơi tại các trung tâm mua sắm

Với gia đình chị Loan tại Đông Anh - Hà Nội thì đã vạch hẳn ra một kế hoạch chi tiêu cụ thể với những quy định rõ ràng.

“Tôi cắt giảm đồ ăn vặt và chỉ mua đồ ăn vừa đủ trong ngày, tránh thừa thãi lãng phí” - chị Loan tại Đông Anh, Hà Nội

Theo lời chị Loan, về thực phẩm chị chỉ mua vừa đủ trong ngày, tránh lãng phí. Đồ ăn vặt của con cũng cắt giảm tối đa. Trong những ngày nắng nóng thay vì mua các loại nước giải khát thì chị chịu khó chế biến các món chè vừa ngon bổ rẻ vừa phù hợp túi tiền.

Để tiết kiệm điện năng trong những tháng hè nắng nóng, chị Loan cho biết có quy định rõ ràng, nhiệt độ mùa hè từ 30 độ trở lên, buổi trưa mới được bật điều hòa. Không có chuyện bật điều hòa đắp chăn cho dễ ngủ.  

Ngoài ra, chị Loan cũng cho biết bản thân mua sắm quần áo tối giản, du lịch địa điểm gần và rẻ, duy trì không gian thư giãn ngay tại gia đình.

Các hàng quán trở nên vắng vẻ hơn

Các hàng quán trở nên vắng vẻ hơn

Bên cạnh đó, chia sẻ với báo chí, Thạc sĩ Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối tài chính cá nhân FIDT, khuyến nghị: Để tránh lạm dụng chi tiêu trong giai đoạn bão giá như hiện nay, người tiêu dùng nên tách bạch các chi tiêu thành nhiều khoản khác nhau.

“Người tiêu dùng nên tách bạch các chi tiêu thành nhiều khoản khác nhau và không nên mua hàng tích trữ” - Thạc sĩ Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối tài chính cá nhân FIDT

Trong đó có ba khoản chi tiêu cần có gồm: Khoản chi phí tái đầu tư (chiếm khoảng 25%), chi cho nhu cầu giải trí (chiếm 10%-15% thu nhập) và chi phí này nên chuyển qua một tài khoản khác để tránh lạm dụng vào các khoản chi khác, thứ ba là chi phí cho các vấn đề thiết yếu.

“Ngoài ra, cần thay đổi thói quen tiêu dùng như không mua hàng tích trữ hoặc gia tăng mua hàng khuyến mãi thông qua các chương trình của ngành công thương hay siêu thị, cửa hàng, nhà bán lẻ” - ông Huấn gợi ý.

Còn theo ông Trần Bằng Việt, Giám đốc Đông A Solutions, bên cạnh việc quản trị dòng tiền thì chuyển đổi số cũng là một trong những cách giúp nhà kinh doanh, đơn vị bán lẻ… tồn tại và phát triển. Đơn cử để tăng kết nối với khách hàng, họ có thể tận dụng các nền tảng miễn phí hoặc chi phí rất rẻ chỉ vài chục đến vài trăm như chat box, contact center… Qua đó có thể mở rộng thị phần và tạo tính liên kết với khách hàng.

Giá xăng tăng kỉ lục, người dân quay cuồng với cơn bão giá và “ngàn lẻ một” cách cắt giảm chi tiêu - 10

Hồng Hương – Trung Kiên

Chủ Nhật, ngày 17/07/2022 19:18 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])