DANH MỤC

Khóc hết nước mắt vì đu đỉnh cổ phiếu và những “kỷ lục” thảm của nhà đầu tư

Khắp các diễn đàn, hàng nghìn nhà đầu tư cho biết khóc hết nước mắt khi mỗi ngày nhìn tài khoản chứng khoán kéo theo sổ tiết kiệm, xe hơi, biệt thự "bay hơi"... thậm chí nhiều người "cháy tài khoản" do dùng margin cao.

Nhà đầu tư sốc “toàn tập”, khóc hết nước mắt

Mới tham gia thị trường vào đầu năm 2022, anh Nguyễn Đình Phong (32 tuổi, nhân viên kinh doanh) không khỏi sốc với bức tranh hiện tại của thị trường chứng khoán.

“Thật đau lòng khi tôi nghĩ tới con số 300 triệu. Hiện tại là cảm giác sốc, thất vọng và tự trách mình” – Nguyễn Đình Phong, một nhà đầu tư F0

Anh Phong chia sẻ: “Chứng kiến đồng nghiệp hoan hỉ khoe tài khoản tăng, sẵn có 300 triệu gửi tiết kiệm, tôi quyết định rút ra đầu tư 4 mã cổ phiếu khác nhau vì thấy lãi suất ngân không hấp dẫn bằng sự phát triển của chỉ số Vn-index. Ban đầu, tôi có cái nhìn khá lạc quan về TTCK nhưng hiện tại là cảm giác sốc, thất vọng và tự trách mình vì thị trường lao dốc quá nhanh".

Hiện tại, danh mục đầu tư của Phong chỉ có một mã đứng giá, các mã còn lại đều giảm sâu trong nhiều phiên liền dù thuộc nhóm bluechip.  

Thị trường chứng khoán lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề

Thị trường chứng khoán lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề

Không chỉ NĐT F0, mà hàng loạt NĐT có kinh nghiệm cũng toát mồ hôi khi mỗi ngày chứng kiến tài khoản của mình bốc hơi.

Khóc hết nước mắt, loạt NĐT âm thầm nhìn tài khoản bay hơi 30% - 70%

Vào thị trường từ năm 2017 và trải qua những đợt biến động vào năm 2018, 2020 nhưng Chị Hà (45 tuổi, nhân viên văn phòng) vẫn khá căng thẳng trong đợt lao dốc này của thị trường.

“Dù đã mạnh dạn cắt lỗ ngay một số khoản đầu tư xấu mang tính đầu cơ, diễn biến giảm đều trên thị trường vẫn khiến tài khoản của tôi giảm hơn 30% NAV” – chị Hà cho biết.

Dù tình hình không mấy lạc quan nhưng nhà đầu tư này không có ý định rút khỏi thị trường.

“Chiến lược của tôi là hạn chế sử dụng margin (ký quỹ) trong thị trường giá xuống. Tuy nhiên, tôi vẫn đang phân bổ khoảng 70-80% vào cổ phiếu nên vẫn chịu tổn thất nhất định, một phần là tiền mặt để chờ thời cơ mua lại. Tùy từng thời điểm mình sẽ tăng tỷ lệ tiền mặt trong danh mục, tuy nhiên chưa có ý định rút khỏi thị trường” – nhà đầu tư này nói và cho rằng vẫn tin thị trường sẽ đi lên trong dài hạn.

Trên nhiều diễn đàn về đầu tư chứng khoán những ngày gần đây, hàng trăm nghìn “chứng sỹ” vì quá xót của đã phải thốt lên những tiếng "than thân trách phận".

“Hàng ngày tôi đi grab bike mong tiết tiệm vài chục nghìn. Cũng là tôi, rút tiết kiệm đầu tư chứng khoán và kết cục bay màu gần 200 triệu. Đắng lòng”. Ngay sau đó một tài khoản khác lên tiếng “Tôi thì tiết kiệm từng đồng mua rau, nhưng âm thầm chịu đựng nỗi buồn mất cả con mazda3”.

"Ăn không dám ăn, quần áo không dám mua, tiết kiệm bao nhiêu đầu tư hết vào chứng khoán với ước mơ làm giàu vậy mà giờ đây -53% tài khoản. Tan nát cõi lòng", một tài khoản khác chia sẻ.

“Tài khoản của tôi chính thức bị âm 50%. Nếu không có giới hạn biên độ giảm thì chứng khoán Việt không hề thua bitcoin về độ khốc liệt”, tài khoản Mạnh Dũng cho biết.

Ngay cả những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm cũng sốc với đà giảm của thị trường chứng khoán trong hơn 1 tháng qua

Ngay cả những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm cũng sốc với đà giảm của thị trường chứng khoán trong hơn 1 tháng qua

"Không dám nghĩ đến ngày thứ hai tuần sau... nếu thị trường tiếp tục giảm tài khoản của em có thể mất trắng khi nhiều mã cổ phiếu đã giảm từ 60 đến 70% rồi, các anh ơi có cách gì không giúp em!", đó là tiếng kêu cứu của chị Mỹ Phượng trên một nhóm đầu tư chứng khoán sau phiên giao dịch lao dốc của thị trường ngày 13/5 vừa qua. Nhà đầu tư này thừa nhận đã khóc hết nước mắt khi chứng khiến hàng chục triệu đồng “bốc hơi” khỏi tài khoản của mình sau mỗi phiên giao dịch.

"Thị trường quá đáng sợ, khốc liệt, cảm giác tiền bốc hơi nghi ngút trước tầm mắt mà không thể làm được gì. Cầu mong thị trường chứng khoán đừng giảm nữa, thảm thương quá rồi... Mỗi ngày cổ phiếu trong tài khoản giảm có thể thổi bay cả 3 tháng lương của tôi", anh Tuấn – một nhà đầu tư tại Quảng Ninh chia sẻ về sự khốc liệt của thị trường chứng khoán trong hơn 1 tháng gần đây.

Một số tài khoản khác thì hài hước cho rằng, đầu tư chứng khoán Việt là lên thang bộ và xuống thang máy, cũng may có chế tài ở biên độ phần trăm, chứ không thì thang máy đứt dây”.

Nỗ lực 11 năm bị thổi bay chỉ trong 1 tháng rưỡi

Theo giới đầu tư, thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua nhiều biến động tiêu cực cả về chỉ số lẫn thanh khoản, điều này càng khiến tâm lý nhà đầu tư bi quan hơn về xu thế hiện tại của thị trường trong thời gian tới.

VN-Index xuyên thủng mốc 1.200 điểm, chỉ trong hơn 1 tháng thậm chí đã thổi bay nỗ lực của cả thị trường trong suốt 11 năm qua

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/5 vừa qua, chỉ số VN-Index tiếp tục lao dốc hơn 4,5% trong sự hoang mang về vùng 1.182,77 điểm. Với mức giảm này, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã kết thúc một tuần kinh hoàng khi VN-Index mất đến 146,49 điểm, chính thức xác lập "kỷ lục buồn" với mức giảm mạnh nhất lịch sử. Đây đã là tuần giảm thứ 6 liên tiếp của chỉ số và rơi về vùng giá thấp nhất kể từ tháng 3/2021 đến nay.

Chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm kỷ lục chưa từng có kể từ khi lập đỉnh vào ngày 6/1/2022

Chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm kỷ lục chưa từng có kể từ khi lập đỉnh vào ngày 6/1/2022

Rơi sốc từ vùng đỉnh lịch sử (1.528,57 điểm ngày 6/1/2022), VN-Index ghi nhận mức giảm kỷ lục chưa từng có tính theo số tuyệt đối (345,8 điểm). Con số này thậm chí còn lớn hơn cả điểm số của VN-Index trong nhiều giai đoạn trong quá khứ.

Đà lao dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 1 tháng qua thậm chí đã thổi bay nỗ lực của cả thị trường trong suốt 11 năm qua. Bởi trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất tới 11 năm để tăng trở lại mốc 1.200 điểm (từ năm 2007 đến 2018) và mất thêm gần 4 năm để chinh phục mốc 1.500 điểm. Nhưng chỉ trong hơn một tháng gần nhất, xu hướng giảm đã khiến chỉ số VN-Index thủng mốc 1.200 điểm, quay về vùng giao dịch cách đây tới 15 năm.

Cùng với đà giảm của điểm số, giá trị vốn hóa của thị trường cũng đang trải qua quãng thời gian lao dốc không phanh.

Chỉ tính riêng tháng 4/2022, giá trị vốn hóa sàn HoSE đã bốc hơi hơn 484.500 tỷ đồng và các phiên đầu tháng 5 mất thêm 729.000 tỷ đồng. Như vậy sàn chứng khoán lớn nhất cả nước trong gần một tháng rưỡi vừa qua đã rơi hơn 22%, tương đương vốn hóa sụt hơn 1,2 triệu tỷ đồng (hơn 52 tỷ USD).

Thanh khoản của VN-Index giảm mạnh trong tháng 5 - Ảnh chụp màn hình

Thanh khoản của VN-Index giảm mạnh trong tháng 5 - Ảnh chụp màn hình

Không chỉ về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cơ sở cũng mất hút, chỉ quanh 15.000 tỷ đồng trên HoSE mỗi phiên. Một số công ty chứng khoán khuyến nghị hạn chế margin và đứng ngoài thị trường đã khiến lực cầu mua cổ phiếu càng bị yếu thế.

Thị trường chứng khoán "quá bất thường"?!

Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 11/5, đánh giá về diễn biến thị trường chứng khoán, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thị trường chứng khoán hiện "quá bất thường".

“Thị trường chứng khoán hiện "quá bất thường" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

"Ngày nào tôi cũng xem chứng khoán. Thị trường gần đây quá bất thường, có phiên giảm đến hơn 4,4%, rồi hôm qua (ngày 10/5) có phiên giao dịch 'sáng mưa, chiều nắng'. Thị trường không ngày nào ổn định như thế, có yên tâm được không?", ông Huệ nêu vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ lo lắng khi thị trường chứng khoán hiện quá bất thường - Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ lo lắng khi thị trường chứng khoán hiện quá bất thường - Ảnh: Quốc hội

Tương tự, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ), nêu thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi.

“Thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi” - ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Bên cạnh đó, việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm. Ông cho rằng thao túng cổ phiếu đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.

"Số lượng lớn nhà đầu tư mới (khoảng 1,5 triệu) không chuyên nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định", ông Thanh nhìn nhận.

Trước những diễn biến khó tin của thị trường, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: FED tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng,...

Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư. 

"Chúng tôi đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường chứng khoán trong nước” – đại diện UBCKNN nói.

Ngoài ra, đại diện cơ quan này đồng thời cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có thêm những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán. Quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng thời tạo điều kiện, phát huy vai trò của các tổ chức này để cung cấp dịch vụ minh bạch, an toàn, hiệu quả cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư". 

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng những nhà đầu tư F0 cần giữ tâm lý vững vàng

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng những nhà đầu tư F0 cần giữ tâm lý vững vàng

Các chuyên gia chứng khoán khuyến nghị gì?

Dù có quãng thời gian hơn 5 năm đầu tư vào thị trường chứng khoán, có những năm tài khoản nhân lãi tính bằng lần nhưng anh Hoàng một nhà đầu tư tại Hà Nội thừa nhận đà giảm của thị trường chứng khoán trong hơn 1 tháng gần đây quá khốc liệt, thậm chí đến mức phi lí khi nhiều doanh nghiệp làm ăn kinh doanh tốt, mỗi ngày thu lãi cả trăm tỷ nhưng cổ phiếu cũng bị bán tháo như những mã đầu cơ. “Với tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư, các mã cổ phiếu không có nhiều sự khác biệt bởi nhóm bluechip cũng bị coi giống như nhóm đầu cơ và bị các nhà đầu tư bán bất chấp để cứu tài khoản”, anh Hoàng chua chát chia sẻ.

Trong khi đó, nói về tình trạng thị trường lao dốc hiện nay, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng những nhà đầu tư F0 cần vững vàng và có cái nhìn lạc quan với thị trường.

“Nhà đầu tư cần phải giữ bình tĩnh, không hoảng loạn và có cái nhìn lạc quan với thị trường” - ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao chứng khoán KIS Việt Nam

Ông Phương cho biết nhà đầu tư cần phải giữ bình tĩnh, không hoảng loạn trước sự biến động của thị trường. Tâm lý không vững vàng sẽ khiến dễ bị cuốn theo những lời đồn thổi, xúi giục vô căn cứ. Tâm lý này cũng sẽ khiến nhiều người bán tống bán tháo một cách không cần thiết dù nắm trong tay những cổ phiếu tốt.

Ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MBS cho rằng nhà đầu tư nên tạm dừng nhìn bảng điện để lấy lại sự bình tĩnh

Ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MBS cho rằng nhà đầu tư nên tạm dừng nhìn bảng điện để lấy lại sự bình tĩnh

Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư trong thời điểm này, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MBS, đưa ra dẫn chứng về câu chuyện đầu tư của mình.

“Tôi thấu hiểu cảm giác của NĐT lúc này, nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng trong nguy có cơ. Hãy suy nghĩ tỉnh táo và tạm dừng nhìn bảng điện tử” - ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MBS

"Sau nhiều phiên giảm mạnh, hiện có rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng nề. Tôi cũng thấu hiểu cảm giác đó, bởi cú sập năm 2011 khiến tôi từng mất đến 50% tài khoản song vẫn lấy lại được khi thị trường hồi phục. Đôi khi chúng ta quá bi quan nhưng cần phải hiểu rằng trong nguy có cơ, hãy suy nghĩ tỉnh táo và tạm dừng nhìn bảng điện tử. Sau những năm giảm rất mạnh như 2011, 2018, 2020 thị trường luôn có thời điểm ổn định và đi lên. Thời điểm này khi thị trường giảm mạnh với yếu tố cảm xúc cực đoan thì đã mở ra cơ hội cho tất cả mọi người vì mặt bằng giá cổ phiếu đang rất rẻ" – ông Tuấn chia sẻ.

Niềm tin nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam?

Dù chứng khoán Việt Nam đang trải qua kỳ điều chỉnh mạnh, khiến vốn hóa thị trường bốc hơi hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay đến hết năm 2022, nhiều chuyên gia đều cho rằng, thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt hơn, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn vững, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại. Đây là những yếu tố rất quan trọng để tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6,5 – 7% - đây là con số khá ấn tượng trong mặt bằng chung toàn cầu nếu Việt Nam đạt được.

“Trong quý I/2022, 86% số công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch đã công bố báo cáo có lãi, cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021”

Chứng khoán Việt Nam sẽ phục hồi trở lại sau cú giảm sốc?

Chứng khoán Việt Nam sẽ phục hồi trở lại sau cú giảm sốc?

Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Trong quý I/2022, 86% số công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch đã công bố báo cáo có lãi, cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong quý I/2022 cũng tăng 33,7% so với cùng kỳ 2021. Qua thông tin sơ bộ công bố tại mùa đại hội cổ đông 2022 đang diễn ra, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đều đặt chỉ tiêu tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận cho cả năm 2022.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua (chỉ tính riêng trong tháng 4/2022, đã có 231.275 tài khoản chứng khoán mở mới, đưa tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán lên hơn 5,2 triệu tài khoản) và hiện mới chiếm khoảng 5% dân số cũng cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước.

Khóc hết nước mắt vì đu đỉnh cổ phiếu: Cháy tài khoản, nhà lầu xe hơi lần lượt ra đi - 9

Hồng Hương – Trung Kiên

Chủ Nhật, ngày 15/05/2022 19:26 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])