DANH MỤC

 

Ngồi ở nhà đặt hàng và chỉ vài phút sau là món đồ đã có mặt trước cửa. Có một hình thức mua sắm thậm chí tiện lợi hơn cả các app giao hàng đang nở rộ ở các thành phố lớn: mua bán trên chợ cư dân. Đây đồng thời cũng mở ra cơ hội thu nhập cho rất nhiều người.

Bán hàng online trên chợ cư dân

-Số lượng chung cư tại Hà Nội: ~ 2600 tòa

-Số lượng chung cư tại TP. Hồ Chí Minh: ~ 1518 tòa

-Số người tham gia trong mỗi chợ cư dân: Từ 1.000 đến 100.000 người

-Các mặt hàng: Đồ gia dụng, điện tử, quần áo... Nhiều nhất là thực phẩm

 

 

Dân cư ở toà chung cư Ecolife không lạ gì chị Nguyệt cùng chiếc xe đẩy hàng đi khắp các tầng căn hộ. Hôm chị giao rau, khi thì hoa quả ngày rằm, đến hôm khác thì là dầu ăn, nước giặt. Hàng xóm thân thiết hay đùa gọi chị là tiệm tạp hoá di động. Chị kể có người quen, nhà cứ cần gì đột xuất là hỏi chị đầu tiên rồi mới xuống siêu thị.

Nếu có ai hỏi làm nghề gì, chị chỉ cười là buôn bán lặt vặt quanh chung cư đủ sống thôi. Nhiều người bảo thế cũng tốt, không phải thuê cửa hàng, không bị gò bó mà mưa nắng không đến mặt, khách thì ổn định, cũng toàn người có học thức.

Bán hàng cho hàng xóm - 4

“Nhưng mà cũng áp lực lắm em ạ” chị Nguyệt kể, “mình đây mang tiếng là bán cho hàng xóm nên làm ăn có gì thì mang tiếng cả khu. Nhiều khi mình bán đắt hơn ở chợ tầm 5, 10 ngàn thì cũng có người xì xào người quen mà lấy đắt thế. Họ có nghĩ đâu còn công mình ship về khu rồi đi giao tận cửa.”

Rồi thì vì là hàng xóm nên cũng rất ngại đi đòi tiền vì ít khi trả tiền trực tiếp mà đều là để cửa rồi chuyển khoản. Nhiều khi chỉ là ít rau mươi, mười lăm ngàn. Nhắc một lần người ta quên là chẳng muốn nhắc tiếp.

Theo chị, mỗi lần định nhập hàng gì bán là cũng phải thử chán chê mà vẫn có lúc bị chê trách “Đến một cái cây cả trăm quả ngọt cũng có đôi quả chua. Nhập mấy thùng về mà chẳng may nhà nào nhận phải quả không ngon là phải tức tốc đi đổi hàng hoặc hoàn tiền ngay.”

Bán một đôi lần thì không sao chứ để làm ăn được lâu ở khu dân cư thì phải có chữ tín. Hàng hoá có vấn đề gì thì người dễ tính họ chỉ lẳng lặng không đặt nữa nhưng phần lớn thì “tiếng lành đồn xa” vì mọi người đều quen biết nhau. Ví dụ chỉ cần các cụ hưu trong khu “bắn tin” cho nhau là mất hết khách. “Chị sợ nhất là mấy vụ bóc phốt trên group cư dân. Vì cân hoa quả mà ầm ĩ, không nhìn mặt nhau, tình làng nghĩa xóm chẳng còn gì. Chung cư là chốn đi về của mình mà cứ bị hàng xóm xì xào thì mệt mỏi lắm.”

 

 

Bán hàng cho hàng xóm - 6

Các cộng đồng mua bán cho cư dân chung cư đã hình thành từ lâu. Trung bình mỗi nhóm trên Facebook có khoảng từ vài trăm đến vài ngàn thành viên. Cá biệt có những khu dân cư lớn, chợ online có tới cả trăm ngàn người tham gia. Ở các thành phố như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lượng chung cư có thể lên tới hàng ngàn. Có thể dễ dàng tưởng tượng việc mua bán trong các cộng đồng này nhộn nhịp thế nào.

Có lẽ phong trào mua bán trên hội nhóm cư dân đạt đỉnh khi dịch bệnh bùng phát. Cả tháng trời mọi người không ra khỏi nhà, nếu phải đi chợ thì phải lấy phiếu rồi theo theo giờ hoặc cầm phiếu rất bất tiện. Nhiều cư dân văn phòng nghỉ làm ở nhà cũng tìm mối bán từ dầu ăn, mắm muối,  rau, thịt cá rồi thực phẩm chức năng tăng cường sức khoẻ, khẩu trang, que test…

Chị Hương, chung cư Lĩnh Nam kể ngày đấy chị nhập bao nhiều hàng về là hết bấy nhiêu. Có ngày chị lấy về cả tạ rau, nhà 5 người đi giao không xuể. Rồi như bà Thu, nếu bình thường bán túc tắc được 15 suất bún chả một ngày thì đến lúc dịch bệnh bán đến 80 suất. “Hồi đấy cả tháng người ta không được ra ngoài nên thỉnh thoảng có mấy món bình dân ngoài hàng như phở, bún hay chỉ là dưa muối thôi là cư dân đua nhau đặt ăn chống ngán.”

Chợ cư dân online cũng là cứu cánh cho vợ chồng anh Jang, người Hàn Quốc ở Việt Nam. Dịch bệnh, công ty đóng cửa, anh chị không có thu nhập. Vợ anh quyết định dùng vốn tiếng Việt khiêm tốn của mình đăng bài bán những món ăn Hàn Quốc, kim chi tự làm, rất may là cũng được nhiều hàng xóm ủng hộ.

 

 

Dịch bệnh rồi cũng qua đi, mọi người dần trở lại nhịp sống thường ngày: đi làm, đi học rồi đi chợ. Hàng hoá không phải nhập về bao nhiêu cũng hết nữa. Như chị Nguyệt mùa dịch bệnh trót nhập về lô máy đo SpO2 nhưng đến giờ vẫn chưa bán hết. Mấy triệu tiền máy giờ vẫn ở nguyên trong hộp, không biết làm thế nào.

Phần lớn sau dịch bệnh, mọi người chỉ coi buôn bán trên chợ cư dân là nghề phụ thêm thu nhập. Hàng hoá nhập về bán cũng không phải hàng đại trà dễ dàng mua ngoài chợ mà phần lớn là đồ tự làm, có nguồn gốc rõ ràng, quà quê, những món đặc sản hoặc mua chung giá tốt.

Anh Cường, trong tuần làm kỹ sư công nghệ, đến cuối tuần là nhận nhiệm vụ từ vợ, xắn tay áo đi ship ngao biển hay khoai lang kén gửi từ quê lên. Một giờ đi giao hàng trong khu cư dân, lãi được một, hai trăm ngàn. “Vợ mình bán hàng vì đam mê thôi, chủ yếu là nhà cũng có nhu cầu thì tiện thể lấy hàng share với mọi người tiền ship. Thế nhưng cũng mất công phết. Giao đồ tươi sống hay đông lạnh là phải canh giờ người ta có nhà mới giao. Rồi thì đồ nặng là phải để ý không được treo ở tay nắm của kẻo hỏng.”

Bán hàng cho hàng xóm - 8

Bán hàng cho hàng xóm - 9

 

 

Những người chọn buôn bán trong chợ cư dân là nguồn thu nhập chính thì phải xác định cạnh tranh giờ nhiều hơn, khách hàng cũng nhiều lựa chọn nên phải tính toán cẩn thận. Như chị Nguyệt, rút kinh nghiệm bị ôm hàng, giờ mỗi tuần chị đều lên file excel kế hoạch chi tiết nhập gì, bán gì. “Chị cũng in mã QR ra rồi dán lên từng gói hàng, dù có là hàng xóm sát vách thì mỗi lần giao là chị phải chụp lại ảnh, chuyển tiền là xác nhận qua facebook. Mình cứ làm quy củ thế chả ai trách được. Trước chị cũng hay đại khái nhưng giờ thì ghi chép, đối chiếu công nợ rõ ràng.”

Hiện nay việc mua bán trên các chợ cư dân vẫn còn mang tính tự phát. Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ doanh thu còn ít, chưa đến mức phải nộp thuế. Tuy nhiên về lâu dài và trở nên chuyên nghiệp, các hộ này vẫn cần đăng ký với cơ quan nhà nước, cần có mã số thuế để kiểm soát. Đây cũng là yếu tố cần sự phối hợp của cả những người kinh doanh và cơ quan địa phương để chống thất thu thuế.

 

 

Bán hàng cho hàng xóm - 12

Bán hàng cho hàng xóm - 13

Bán hàng cho hàng xóm - 14

5 năm trước khi tới Việt Nam, tỷ phú Jack Ma từng nói với các sinh viên Hiện tại 54% dân số dùng di động, nhưng nhiều người chủ yếu để chơi game. Bạn hãy cố gắng sử dụng di động để buôn bán, giao tiếp với mọi người trên mạng… Việt Nam có 95 triệu dân nhưng chỉ 4 triệu người mua bán trên mạng. Đó chính là cơ hội để bạn thực hiện

Và kinh doanh ở chợ cư dân có lẽ là một trong những phép thử khởi nghiệp tiện lợi nhất.

Bà Tần hồi dịch bệnh tìm được mối trứng ngon phục vụ cư dân, rồi thi thoảng nấu bữa cháo trai, cháo sườn cho các cháu đổi bữa. Được nhiều người ủng hộ, ra Tết, bà quyết định thuê một cửa hỏ nhỏ ngay dưới chân chung cư bán quà sáng và quà chiều. Khu dân cư đông trẻ nhỏ, cửa hàng lại sạch sẽ hợp vệ sinh nên rất đông khách. Không đủ chỗ ngồi thì bà lại cho người giao đến tận cửa căn hộ. Ngoài 60 tuổi, bà có thêm một nguồn thu nhập mới bên cạnh đồng lương hưu ngày trước. “Lúc đầu tôi cũng sợ ế nhưng giờ chỉ lo có đủ sức để làm tiếp hay không thôi.”

Bán hàng cho hàng xóm - 15

Mai Phương, cô sinh viên năm cuối khéo tay, thích xem các video làm bánh rồi tự thực hành. Học về kinh doanh và được gia đình động viên. Phương lấy can đảm đăng bài đầu tiên trên chợ cư dân. Buổi đầu bán được gần 50 chiếc bánh tart handmade khiến chính Phương cũng phải bất ngờ. Dần dần, em cũng thử nghiệm thêm nhiều món mới như mousse, spaghetti… món nào được người nhà “gật đầu” là bắt đầu bán.

Vừa đi học, vừa làm hàng để bán nhưng Phương không hề thấy mệt vì làm bánh, nấu ăn với em là niềm vui. Lúc đầu chỉ dùng nồi chiên không dầu nhưng khi đơn nhiều hơn, Phương xin mẹ đầu tư thêm lò nướng, máy đánh trứng lớn rồi đặt hộp, sticker lượng lớn… Gần đây em cũng làm bánh cho quán trà sữa của một người bạn.

“Em cũng tìm hiểu để mở được quán, xây dựng thuơng hiệu rồi bán online qua app thì cần khoảng 80 triệu. Bây giờ cứ bán trong chung cư, rồi sắp tới em đi làm dành dụm thêm tiền để thử sức kinh doanh và chắc chắn em cũng sẽ học thêm lớp dạy làm bánh bài bản nữa.” Theo Phương có bạn của em cũng đã mở cửa hàng nhưng thường là kinh doanh nhượng quyền còn Phương đang đặt mục tiêu lớn hơn là xây dựng một thương hiệu của riêng mình.

Bán hàng cho hàng xóm - 16

Thực hiện: Hoàng Anh

Sự kiện: Chuyện nghề
Chủ Nhật, ngày 20/11/2022 05:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])