Xúc động nơi Đường Tăng lưu chân
Kỷ niệm của đoàn "Tây Du Ký" tại địa điểm lịch sử nơi Đường Huyền Trang từng lưu lại trên đường qua Tây Trúc thỉnh kinh.
Chỉ riêng tại Trung Quốc, dù đã lên sóng hơn 2.000 lần nhưng "Tây du ký" phiên bản 1986 vẫn là bộ phim được yêu thích, cứ mỗi dịp năm mới lại có đài truyền hình chiếu lại, vẫn đạt rating rất cao. Thế nhưng, để có một tập phim được yêu thích như thế, đoàn làm phim đã trải qua rất nhiều khó khăn mà hiếm người biết được. Chuyên đề Tây Du Ký - Chuyện giờ mới kể sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn chân thật về quá trình thực hiện tác phẩm kinh điển nổi tiếng này. |
Cách Thổ Lỗ Phàn không xa là một khu thành trì hoang phế, điêu tàn – đó chính là Cao Xương cổ thành. Có lẽ vì lý do về nguồn nước hay chiến tranh, bệnh dịch nên khiến người dân ở khu vực này rời bở thành Cao Xương. Do đó mà ngày nay, Cao Xương cổ thành đã là một thành trì hoang tàn và đổ nát.
Cảnh quay từ trên cao với thầy trò Đường Tăng tại Cao Xương cổ thành. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Mã Đức Hoa chụp ảnh lưu niệm cùng một chú la mượn được của người dân ở cổ thành Cao Xương. Nếu không có người chủ đứng cạnh, chú la cứng đầu chắc hẳn không chịu đứng yên cho Mã Đức Hoa cỡi. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Khi đoàn phim Tây Du Ký tiến vào bên trong thành, bốn bề đều được bao phủ bởi những bức tường đất màu vàng hoàng thổ. Từ kiến trúc cho đến quy mô bên trong thành, người ta có thể đoán biết nơi đây từng là một đô thị phồn hoa và tấp nập giữa sa mạc Tân Cương.
Ngoài ra, trong thành Cao Xương còn có một khu vực trống khá rộng, không khác một quảng trường của khu dân cư cổ xưa. Đặc biệt, ở khu vực trung tâm quảng trường, xuất hiện một công trình có dạng hình tròn khá độc đáo. Nơi đây là nơi từng được người dân của Cao Xương sử dụng trong các dịp tổ chức những lễ nghi tôn giáo.
Tho ghi chép, quảng trường này từng là nơi Đường Huyền Trang đi qua trên đường sang Ấn Độ lấy kinh, từng dừng lại giảng kinh cho dân chúng thành Cao Xương. Vì mộ đạo và mến sự uyên thâm kinh Phật của Đường Huyền Trang, chính quyền và người dân nơi đây đã mong mỏi ông ở lại giảng dạy và truyền kinh Phật cho dân chúng trong thành.
Công trình kiến trúc được cho là nơi Đường Huyền Trang và người dân Cao Xương thực hành nghi lễ tôn giáo cách đây vài ngàn năm trước. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Cảnh quay cổ thành Cao Xương trong Tây Du Ký.
Cảm mến lòng thành kính với niềm tin của dân thành Cao Xương, Đường Huyền Trang đã lưu lại đây bốn tháng (có tài liệu ghi nửa năm), nhưng sau đó ông vẫn nung nấu và quyết tâm lên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh về cho Đông thổ Đại Đường. Biết không thể giữ chân một người mộ đạo như Đường Huyền Trang, người dân nơi đây đành phải cáo từ một vị xuất gia uyên bác.
Hai xe cứu hỏa và cảnh mưa tầm tã ở Cao Xương
Khu vực bên trong thành cổ Cao Xương được đoàn phim Tây Du Ký chọn làm bối cảnh quay cho một số phân đoạn trong tập 17 - Ba lần lấy quạt Ba Tiêu. Đó là cảnh sau khi biển lửa ở Hỏa Diệm Sơn đã được dập tắt nhờ quạt Ba Tiêu, người dân sống dưới chân núi vui mừng hân hoan, cùng nhau nhảy múa đón mừng cơn mưa lớn từ trên trời tưới xuống. Một cảnh tượng mà cả trăm năm nay họ mới lại được thấy trời mưa.
Thầy trò Đường Tăng vui sướng nhìn cảnh người dân hân hoan cùng cơn mưa sau khi Hỏa Diệm Sơn được dập tắt.
Với cảnh trời đổ mưa, tất yếu sẽ phải dùng đến xe chứa và vòi phun nước. May mắn đoàn phim đã nhờ được hai xe cứu hỏa của đội cảnh sát cứu hỏa ở Thổ Lỗ Phàn tới giúp sức.
Cảnh quay trời mưa có thể coi là cảnh khá náo nhiệt và và để lại nhiều kỷ niệm trong quá trình đoàn Tây Du Ký khởi quay tại Thổ Lỗ Phàn.
Trong những người nhảy múa hân hoan dưới mưa, có một vài người là diễn viên của đoàn ca múa Thổ Lỗ Phàn. Ngoài ra, đoàn còn mời thêm người dân địa phương tham gia với vai trò diễn viên quần chúng. Mọi người ở đây đều hết sức nhiệt tình. Họ đến từ sớm và hóa trang để đợi đến cảnh quay.
Trong số này có một cụ ông người dân tộc Duy Ngô Nhĩ khoảng hơn 70 tuổi, vận trang phục truyền thống, dáng người gầy gò nhưng rất hoạt bát và nhanh nhẹn. Sự tươi vui và hân hoan hiện trên nét mặt và điệu múa của cụ ông, như cây cối cằn khô, đất đai chịu nắng hạn bao năm nay bỗng được hồi sinh trở lại. Thật ý nghĩa vô cùng!
Lòng nhiệt thành và tình yêu ca múa của dân địa phương
Từ những cảnh đầu của phim, khắp nơi đâu đâu cũng chỉ thấy hình ảnh của cái nóng, nguồn nước thiếu thốn, người dân bệnh tật nằm lê lết khắp trong thành. Hình ảnh một phụ nữ giơ đôi tay gầy guộc bê chiếc bình đất, hứng từng giọt nước mà có lẽ cả ngày may ra mới được một ngụm... Thế rồi, đột nhiên một thanh niên bật dậy và hô lớn: “Mau ra mà xem này, Hỏa Diệm Sơn đã được dập tắt rồi!”. Chỉ ngay sau tiếng reo mừng của nhân vật trên, hai chiếc xe cứu hỏa đang đợi sẵn, lập tức hướng ống nước vào giữa đám người và phun nước xối xả.
Người dân tộc Duy Ngô Nhĩ hát múa biểu diễn cho thành viên đoàn Tây Du Ký. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Cả khu vực quay bỗng chốc hóa cơn mưa tầm tã, xóa tan cái nóng oi bức thực tế vẫn đang “hoành hành” nơi đây. Dân chúng đang nằm bệt vì khát, lả đi vì đói và bệnh tật đều bật dậy reo hò.
“Cơn mưa” diễn ra được một lúc, nước trong bình hai chiếc xe cứu hỏa cũng đã cạn, “mưa” vì thế ngớt theo. Vậy nhưng “dân chúng” như chưa dứt hẳn niềm vui “nhập vai”, họ vẫn hân hoan nhảy múa, cho dù ai nấy đều bê bết và lấm lem bùn đất. Đây là cảnh tượng mà theo nữ đạo diễn Dương Khiết chia sẻ, là lần đầu bà cùng mọi người trong đoàn Tây Du Ký được chứng kiến và cảm nhận về những con người yêu đời, yêu ca hát nơi Cao Xương cổ thành.
Thầy trò Đường Tăng và người dân vui đón cơn mưa sau khi lửa được dập tắt.