Hốt hoảng cảnh cháy động Bát Giới

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 514Kỳ mới nhất

Có khá nhiều tình huống cháy xảy ra trong khi đoàn "Tây Du Ký" nên vấn đề phòng cháy luôn được bảo đảm một cách hết sức nghiêm ngặt.

Chùa Linh Ẩn là một danh lam cổ tự lâu đời và nổi tiếng của Hàng Châu. Kiến trúc độc đáo và quy mô bề thế của chùa đến nay vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Phía sau chùa có một hang động mang tên Thông thiên động. Đó là chiếc hang đá tự nhiên được con người tu bổ và xây cất thành một điểm thăm quan trong khu vực chùa.

Thông thiên động có kết cấu động trong động, tức là có nhiều động nối liên tiếp nhau. Khu vực chính của động có kết cấu vòm lộ thiên, hứng ánh mặt trời vào trong hang, không khác một sân vận động. Phía dưới lòng hang bằng phẳng và tràn ngập ánh dương, được đoàn Tây Du Ký dùng làm bối cảnh quay động phủ của các yêu quái trong phim. Nhờ cấu tạo độc đáo, hang hứng được nhiều ánh sáng nên tiết kiệm được khâu chiếu sáng, đồng thời không lo tình trạng bí hơi vì ở trong hang lâu.

Hốt hoảng cảnh cháy động Bát Giới - 1

Trong tập 7, Trư Bát Giới của Mã Đức Hoa cũng bị bỏng vì lửa cháy quá lớn không kịp dập.

Ngoài ra, địa hình bằng phẳng, thoáng đãng cũng giúp đoàn dễ dàng bố trí cảnh quay. Lần đầu đoàn sử dụng động Thông thiên làm bối cảnh quay động phủ của Trư Ngộ Năng (Trư Bát Giới) có tên Vân Sạn động trong tập 7 - Thu nhận Trư Bát Giới. Tập phim có cảnh Tôn Ngộ Không (Lục Tiểu  Linh Đồng) phóng hỏa đốt động, hòng dụ Bát Giới (Mã Đức Hoa) ra ngoài giao đấu. Vì trong động chứa nhiều cây cỏ khô và vật liệu dễ cháy, Mã Đức Hoa không kịp tránh lửa nên đã bị bỏng.

Lần này trở lại Hàng Châu, đoàn tiếp tục sử dụng động Thông thiên làm bối cảnh quay cho động bọ cạp tinh (hay tì bà tinh) trong tập 16 - Thỉnh kinh Nữ Nhi quốc.

Nội dung cảnh quay trong động bọ cạp: tỳ bà tinh (Đỗ Vân Quyên) vốn là một thị nữ trong triều và là người gần gũi với nữ vương của Tây Lương nữ quốc. Cũng giống như nữ vương, tỳ bà tinh đem lòng say đắm Đường Tăng, ả bắt ông về hang chiếm đoạt làm của riêng. Trong hang động, tỳ bà tinh vì không lay động được Đường Tăng nên đã dùng yêu thuật dụ dỗ và hãm hại ông. Vừa hay lúc đó Ngộ Không xuất hiện, giao tranh ác liệt với bò cạp tinh để cứu sư phụ thoát chết trong gang tấc.

Hốt hoảng cảnh cháy động Bát Giới - 2

Hốt hoảng cảnh cháy động Bát Giới - 3

Tỳ bà tinh vốn là một cung nữ trong triều của nữ vương Tây Lương nữ quốc.

Để tạo cho không khí cảnh quay thêm phần dữ dội, tổ biên đạo đã thiết kế hàng loạt điểm cháy nổ. Trong đó đáng chú ý là cảnh Ngộ Không vung thiết bảng tấn công tỳ bà tinh nhưng nữ yêu biến hình thoăn thoắt chạy trốn. Thiết bảng đập trúng tảng đá, gây ra tiếng nổ đinh tai nhức óc kèm theo khói lửa bốc lên nghi ngút.

Trước khi quay cảnh trên, chuyên gia khói lửa Lưu Lễ đã dự trù trước số lượng thuốc nổ cần thiết, chôn các kíp nổ ngầm. Ngoài ra Lưu Lễ còn trộn thêm một số thành phần vào trong thuốc nổ. Khi khói và lửa bốc lên sẽ tạo ra đủ màu sắc, mang lại hiệu quả về hình ảnh khá đẹp mắt và nhuốm màu ly kỳ, ảo diệu.

Công việc này chiếm không ít thời gian và công sức của đội ngũ nhân viên đoàn. Đặc biệt sự phối hợp giữa diễn viên và chuyên gia khói lửa phải có sự hiểu ngầm lẫn nhau, nếu không việc phải quay đi quay lại là điều không tránh khỏi. Do đó, trước khi quay, mọi kế hoạch quay đều được bố trí và thông báo cho đoàn bộ diễn viên cũng như nhân viên đoàn. Sau đó mọi người diễn tập nhiều lần cho đến khi nào thuần thục mới quay chính thức. Không ai muốn cảnh quay gặp sự cố và phải quay lại. Vì sự kỳ công này, mọi người trong đoàn hao công tốn sức không ít.

Hốt hoảng cảnh cháy động Bát Giới - 4

Hốt hoảng cảnh cháy động Bát Giới - 5

Ngộ Không và Bát Giới giao đấu cùng tỳ bà tinh.

Cảnh Ngộ Không giao đấu với tỳ bà tinh trong phim.

Ngoài ra, toàn bộ đạo cụ của đoàn đều là nguyên liệu tự chế, vật liệu đốt là chất dẻo bọt hết sức thô sơ nên công tác phòng chống cháy nổ cũng được đảm bảo một cách hết sức nghiêm ngặt. Trước đó đoàn đã gặp sự cố cháy nổ ở trường quay Nhà hát quân đội Bắc Kinh. Bối cảnh quay được giả định là Long cung, Ngộ Không dùng thiết bảng đập vào ngai của Long Vương, lửa bốc cháy và tạo thành cảnh quay đẹp mắt.

Tuy nhiên những tàn lửa xót lại khiến không ai để ý, bắt đầu cháy lan ngày một rộng. Mọi người cuống cuồng tới dập, không ai ngờ càng dập lửa càng cháy khỏe và lan nhanh. Trường hợp này rất nguy hiểm nếu là những người không có kinh nghiệm về dập lửa. May thay lúc đó có người chạy tìm bình cứu hỏa mới dập được ngọn lửa.

Hốt hoảng cảnh cháy động Bát Giới - 6

Long cung từng bị cháy vì không có người am hiểu về phòng chống cháy nổ, hỏa hoạn.

Một cảnh quay khác cũng khiến diễn viên của đoàn bị thương từ lửa. Đó là lần quay ở khu vực núi Trường Bạch, tỉnh Cát Lâm cho tập 14 - Đại chiến Hồng Hài Nhi.

Mặc dù đã tính toán hướng gió cũng như chôn các đường dẫn nổ ngầm dưới đất cách xa nhau nhưng khi lửa nổi lên, hướng gió bất lợi và cháy ngày một dữ dội. Ngộ Không đã bị ngọn "lửa Tam Muội" của Hồng Hài Nhi bén và bị cháy rụi toàn bộ phần lông mặt, may không ảnh hưởng đến tính mạng (do đã được phòng hộ và an toàn trước khi diễn).

Từ đó về sau, mỗi khi quay cảnh khói lửa, đoàn đều bố trí người có kinh  nghiệm dập lửa, phụ trách sự cố cháy nổ, hỏa hoạn để ứng cứu trong bất cứ tỉnh huống phát sinh ngoài ý muốn.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 514Kỳ mới nhất

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Tây Du Ký 1986: Chuyện giờ mới kể Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN