ĐD Đặng Nhật Minh: VN duyệt phim là thoáng đấy
Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến liên quan đến các quyết định của Hội đồng xét duyệt phim Quốc gia sau khi một số phim không được phát hành như hai bộ phim nước ngoài có tựa tiếng Việt là Cô gái có hình xăm rồng, Trò chơi sinh tử và gần đây nhất là bộ phim Bẫy cấp 3 của Việt Nam.
Xung quanh chuyện "gác cổng" của Hội đồng xét duyệt phim Quốc gia, phải chăng Hội đồng đã quá khắt khe? PV đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Đặng Nhật Minh, một người từng ngồi trong Hội đồng xét duyệt phim Quốc gia về chuyện duyệt phim ở ta.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh
-Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc gần đây một số bộ phim nước ngoài dù rất được chào đón ở thị trường thế giới nhưng lại không qua được vòng xét duyệt của Hội đồng xét duyệt phim Quốc gia nên bị cấm chiếu ở Việt Nam, thậm chí mới đây nhất, phim “Bẫy cấp 3”, một bộ phim Việt Nam cũng bị cấm chiếu?
-Theo tôi được biết, chỉ những bộ phim vi phạm luật pháp Việt Nam, phạm vào những điều cấm trong Luật Điện ảnh như phim kích động bạo lực, chống đối nhà nước, không phù hợp với thuần phong mĩ tục của nước ta và không có giá trị nhân văn thì mới bị xử lí không cho ra rạp. Trên thực tế là, nhiều phim dù các thành viên hội đồng đánh giá là "nhạt", được coi là "rác" nhưng do không vi phạm các tiêu chí trên nên vẫn được ra rạp, trừ những phim quá quắt lắm thì người ta mới cấm hẳn. Hiện nay, các đạo diễn có quyền thoải mái làm những phim nhảm nhí, ba lăng nhăng, vô thưởng vô phạt để kiếm tiền, miễn là không vi phạm pháp luật.
-Chứ không phải là Hội đồng xét duyệt phim Quốc gia đã quá khắt khe?
-Hội đồng duyệt phim của mình không phải là con ngáo ộp ghê gớm nhất trên thế giới đâu. Có nhiều nước Châu Á việc duyệt phim của họ còn khe khắt hơn ở ta rất nhều. Hội đồng duyệt của mình là thoáng đấy. Những phim có nhiều cảnh sex, cảnh “hot” quá thì người ta yêu cầu cắt bớt đi thôi chứ người ta cũng không bắt cắt hẳn.
Tôi được biết hai bộ phim Sống trong sợ hãi và Bi đừng sợ mặc dầu Hội đồng duyệt của mình đã cho qua rồi, nhưng khi đem sang bên Nhật, người ta cắt sạch những cảnh “hot” rồi mới chiếu. Đấy, một chuyện như thế thì không thấy ai phản đối cả, mà chỉ thấy người ta kêu Hội đồng duyệt nước mình khắt khe. Ở một số nước châu Á kiểm duyệt còn khắt khe hơn ta nhiều. Luật điện ảnh của Iran có tới 200 điều cấm kỵ.
Cảnh trong phim Bẫy cấp 3
-Ông nói vậy có phải vì ông từng ở trong Hội đồng xét duyệt phim Quốc gia?
-Một thời gian tôi cũng ở trong Hội đồng duyệt cùng với các đạo diễn trẻ như Nguyễn Thanh Vân, Bùi Thạc Chuyên… nên cũng có một ít thực tế trong chuyện này. Bây giờ thì tôi không còn dính dáng gì đến Hội đồng này nữa. Tôi khẳng định là, không có phim nào kém hay đi, hay khó hiểu, khó theo rõi chỉ vì bị cắt bớt những cảnh sex và phim nào thêm cảnh sex thì tự nhiên thành tuyệt tác. Phim hay ở chỗ khác chứ không phải ở chỗ có nhiều cảnh sex hay ít cảnh sex. Tôi cũng lạ không hiểu sao đọc báo, chỉ thấy người ta toàn bàn đến những cảnh “hot” trong phim. Trong khi, để nâng cao chất lượng phim ảnh còn biết bao nhiêu chuyện cần bàn chứ đâu chỉ có chuyện có cảnh “hot” hay không.
Hãy nhìn sang điện ảnh Iran mà xem. Đây là một ví dụ nhỡn tiền để các nhà làm phim của ta suy ngẫm. Bộ phim A Separation của đạo diễn Asghar Farhadi người Iran vừa được giải Quả Cầu vàng lần thứ 69 và giải Oscar năm 2012 dành cho phim nước ngoài xuất sắc. Đó là một bộ phim chẳng hề mang tính giải trí, không có chân dài chân ngắn, những gương mặt diễn viên rất đỗi bình thường như ta gặp ngoài đời, và tuyệt nhiên không có cảnh sex, cảnh “hot”. Ấy vậy mà nó chiếm trọn giải Oscar, mang vinh quang về cho đất nước Iran..
-Nếu bớt cảnh sex đi mà phim vẫn không mất giá trị thì các đạo diễn cần nhiều cảnh sex để làm gì, trong khi làm những cảnh đó không hề dễ dàng?
-Cần những cảnh đó để câu khách. Vì người ta làm phim lấy đồng tiền làm mục đích, làm phim theo lối bắt chước, thấy phim người ta sex thì mình cũng sex, thấy người ta đồng tính mình cũng đồng tính, người ta làm phim ma mình cũng làm phim ma. Một nền điện ảnh bắt chước, chẳng bao giờ được ai kính trọng. Vì đồng tiền mà đánh mất bản sắc của mình thì thật đáng buồn. Gần đây tôi có đọc một bài viết của một nhà thơ Nga có tựa đề: Ở đâu đồng tiền lên ngôi, ở đó văn hóa nghệ thuật băng hoại.
-Phim "Cô gái trên sông" của ông cũng có nhiều cảnh” hot “?
-Cô gái trên sông cần những cảnh đó vì nhân vật chính là cô gái làm nghề bán thân nuôi miệng. Còn nếu nhân vật này là một cô giáo hay một nữ sinh ở trường Đồng Khánh thì không thể cho những cảnh đó vào được. Những cảnh “hot” đó là hợp lí và cần thiết cho nên hồi đó cũng không ai bắt cắt. Phim ra cũng có người nói này nói nọ nhưng chẳng ai bắt bẻ gì cả. Mà giá trị của phim "Cô gái trên sông" đâu phải ở những cảnh đó. Nếu có thì có lẽ vì cách đây hơn 20 năm nó đã cảnh báo rằng những người cách mạng khi còn trong bóng tối , dựa vào nhân dân, được nhân dân giúp đỡ, đến khi thắng lợi rồi thì đừng quay lưng lại với nhân dân. Tôi nghe nói gần đây ở TPD (Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh) có chiếu lại phim này, rất đông người xem.
Xin cảm ơn ông!