Xóa biên chế trong trường học: Đại biểu Quốc hội nói gì?

Sự kiện: Giáo dục

Xóa biên chế sẽ tăng tính cạnh tranh, người dạy luôn luôn rèn luyện để cho xã hội nhìn nhận mình, để xã hội họ thừa nhận khả năng của mình nếu không thì họ sẽ bị đào thải.

Đây là quan điểm của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng xung quanh đề xuất mới đây của Bộ GD & ĐT là bỏ công chức trong trường học.

Có lộ trình chuyển giáo viên biên chế sang hợp đồng

Nói rõ hơn về “ý tưởng” bỏ công chức đối với giáo viên, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, Bộ sẽ có lộ trình chuyển dần giáo viên biên chế sang hợp đồng.

Xóa biên chế trong trường học: Đại biểu Quốc hội nói gì? - 1

Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ

Theo đó, khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT đã phải tách thành hai. Một nghị định cho giáo dục ĐH và một nghị định dành cho giáo dục phổ thông. Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông chưa đề cập tới vấn đề tự chủ tài chính vì vấn đề này còn phải bàn thêm.

“Ở đây, tự chủ chính là phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về tổ chức bộ máy và nhân sự - đây là vấn đề thiếu tự chủ nhất hiện nay ở các nhà trường. Các trường mới là nơi có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu ra sao nhưng lại bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên.

Việc tuyển dụng thường do UBND huyện hay do các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường, dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. “Nếu chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được “đột phá” cho quá trình đổi mới giáo dục” - Bộ trưởng chia sẻ.

Vì vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ - tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên. Về lâu dài việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

 “Đây là vấn đề có thể tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo, vì vậy Bộ sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng lúc toàn ngành chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng” - Bộ trưởng cho biết.

Bỏ biên chế không làm giảm vị thế thầy cô

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh,  đừng nghĩ rằng bỏ biên chế ra hợp đồng thì giảm đi vị thế của giáo viên. Vị thế của họ là người thầy theo Luật giáo dục, còn họ có là viên chức hay gọi là người làm theo hợp đồng thì vai trò của họ là nhà giáo, vẫn phải được tôn vinh.  Bởi vì, chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, dù là giáo dục công lập hay tư thục đều là giáo dục và đó là sự công bằng.

“Bỏ biên chế là để làm tăng thêm khả năng linh hoạt của các cơ sở đào tạo. Cũng chính là khả năng linh hoạt của người tham gia giảng dạy. Hôm nay, tôi làm cho anh, đồng lương của anh tốt, khuyến khích tôi, tôi có thể làm. Hôm nay tôi di chuyển gia đình tôi đi chỗ khác thì tôi có thể cắt hợp đồng của tôi đi. Rất đơn giản chứ không bó buộc, chúng ta cần tạo nên sự linh hoạt trong hệ thống giáo dục.

Xóa biên chế sẽ tăng tính cạnh tranh, người dạy luôn luôn rèn luyện để cho xã hội nhìn nhận mình, để xã hội họ thừa nhận khả năng của mình nếu không thì họ sẽ bị đào thải. Bản thân các cơ sở giáo dục cũng phải có chính sách chiêu hiền đãi sĩ, cũng phải có chính sách đãi ngộ tốt. Một bộ môn chỉ cần một hai người thầy giỏi là nổi tiếng toàn trường, thậm chí nổi tiếng toàn quốc. Việc lựa chọn giáo viên giỏi không khác gì chọn một cầu thủ giỏi ngoại hạng. Giáo viên giỏi không chỉ biết đá và ghi bàn, họ còn biết cấu kết những người khác trong một đội bóng, nâng tầm đội bóng, nâng thương hiệu của nhà trường. Thậm chí một giáo viên giỏi còn trên cả cầu thủ ngoại hạng. Bởi vì không chỉ đi đá mà còn đào tạo một đội ngũ tiếp theo nữa”- ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu.

Xóa biên chế trong trường học: Đại biểu Quốc hội nói gì? - 2

ĐBQH Dương Trung Quốc

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: “Cái khó nhất hiện nay cần có tiêu chí để đánh giá tổng thể. Nhà nước phải tạo được tiêu chí không nên để vấn đề này tùy thuộc vào các ông chủ, các trường. Cần có tiêu chí nào đó để đảm bảo sự công bằng, chuẩn mực của xã hội. Vì cái gì có mặt trái của nó, mặt trái quá thì không kiểm soát được. Quản lý nhà nước nguy hiểm là mặt trái không kiểm soát được.  

Cái lo lắng nhất là tính không ổn định trong đội ngũ giáo viên, kể cả người có chất lượng thì họ có quyền lựa chọn nơi làm việc tốt nhất nên dễ thay đổi môi trường. Tính ổn định là tích cực với lợi ích của từng cá nhân, nhà nước. Tính ổn định rất cần thiết của nền giáo dục Việt Nam”- ĐB Dương Trung Quốc nói.

Đón xem đề thi thử THPT mới nhất 2017 cùng những mẹo mùa thi hữu ích cho các sĩ tử và thư giãn sau mỗi buổi học bằng những truyện cười mùa thi vô cùng thú vị được cập nhật thường xuyên tại DIEMTHI.24H.COM.VN.

Bỏ biên chế nhà giáo: Bộ trưởng GD&ĐT nói gì?

Liên quan đến chuyển giáo viên từ biên chế sang hợp đồng, bên hành lang kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, phóng viên Tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N. Huyền (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN