Vụ 16 nữ sinh cười ngất: Náo loạn vùng quê
Đang ngồi học rất nghiêm túc, em bỗng đứng bật dậy, rồi nhảy ra giữa lớp cười phá lên.
“Bắt đầu từ em Lữ Thị Tới, học sinh lớp 8B, người Thái ở bản Pa. Đang ngồi học rất nghiêm túc, em bỗng đứng bật dậy, rồi nhảy ra giữa lớp cười phá lên. Em cười rất to, cười rũ rượi, chảy cả nước mắt nước mũi, không thể kiềm chế được.
Rồi em lại òa khóc nức nở. Tiếp đó là luôn miệng nói lảm nhảm. Chừng 20 phút sau thì em ngất đi”, thầy Phạm Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tam Thanh (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) mở đầu câu chuyện.
Điều lạ nữa là khi em Tới bắt đầu cười thì hai cô học trò cùng lớp là Lò Thị Nhân và Lương Thị Huyền cũng cười theo. Rồi thêm hai nữ sinh của lớp 8A là Lữ Thị Huyền Oanh và Hà Trang Nhung cũng cười sặc sụa không thể ngừng được.
Em Lò Thị Ngân (áo trắng) từng cười rũ rượi trong trường, Em Huyền Oanh (áo trắng xanh) không thể tin rằng có lúc mình đã cười khóc náo loạn cả trường lớp
Tiếp đó, các em cùng gào khóc rất to, nói cười lảm nhảm. Các em chạy loạn lên trong lớp, trong trường khiến các thầy cô giáo cùng chúng bạn rất vất vả mới giữ được. Cuối cùng, cũng như em Tới, các em đều ngất xỉu.
Khỏi phải nói quang cảnh nhà trường lúc đó náo loạn như thế nào. Đám học trò thì nhớn nhác, có em sợ hãi bật khóc hu hu. Các thầy cô cũng thực sự lo lắng, hốt hoảng vì chưa gặp tình huống này bao giờ.
“Chúng tôi vội đưa ngay các em đến trạm xá, rồi thông báo gấp cho người nhà của các em. Được hồi sức cấp cứu, rồi uống thuốc an thần, các em tỉnh táo trở lại. Nhưng kiểm tra sức khỏe cho các em thì không phát hiện ra bệnh gì nghiêm trọng”, thầy Huy cho biết thêm.
Theo thầy Huy, năm em gái mắc “bệnh lạ” đều là những học sinh ngoan và học giỏi của trường. Các em chơi thân với nhau và đang tham gia vào đội tuyển ôn thi để dự kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện sẽ diễn ra trong tháng 4/2013.
Sau lần khởi phát bệnh vào ngày 20/1/2013, thỉnh thoảng các em lại đồng loạt “rủ” nhau cười rũ rượi, chạy nhảy khắp trường lớp, khiến cả trường lại náo loạn cả lên. Chỉ chừng sau 20 phút, khi các em đã “hoàn thành” các biểu hiện cười – khóc – nói nhảm – ngất… thì mới thôi.
“Chúng tôi đã báo cáo ngay lên huyện để tìm hướng giải quyết. Đồng thời, cũng tự tìm hiểu thêm các thông tin trên mạng về chứng bệnh và biểu hiện tương tự. Khi các em được tách riêng ra, không ở gần nhau thì không thấy phát bệnh nữa. Lúc này cũng là thời gian nghỉ Tết, nên mọi việc đã nguôi nguôi”.
Buổi học đầu tiên sau thời gian nghỉ Tết thực sự là nỗi hoảng sợ với các thầy cô giáo trường Tam Thanh. Cả 13 nữ sinh của hai khối 7 và 8 cùng nhau cười rũ rượi. Thầy giáo và các bạn trong trường mướt mồ hôi hột đuổi bắt, ghì giữ các em khỏi chạy nhảy toán loạn trong tình trạng mất kiểm soát.
Thầy Hà Văn Khoa, hiệu phó nhà trường rầu rầu cho biết: “Trong khuôn viên trường, có một ta luy rộng, sâu cả chục mét. Chỉ sợ các em lao ra đó thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Hôm nào các em cười, cả trường cả bản vất vả, đưa các trò ra trạm xá, rồi ra huyện. Có hôm, hơn 22 giờ, tôi cùng các phụ huynh vẫn phải vượt đường núi đưa em Oanh tới Trung tâm y tế huyện, vì em hôn mê, suy yếu lắm”.
Năm ngày sau, cả trường lại thêm một phen náo loạn nữa. “Góp sức” thêm cho trận cười khóc hỗn loạn lần này có cả ba “cô nhóc” học lớp 6 là Lương Thị Huê, Hà Thị Duyên (cùng ở bản Cha Lung) và Lương Thị Trang (bản Ngàm). Đến lúc này sự việc đã nghiêm trọng đến đỉnh điểm.
Thầy Hà Văn Khoa lặng lẽ nói: “Trường Tam Thanh có 8 lớp với 202 học sinh các khối 6-7-8. Tỉ lệ học sinh nam và nữ khá cân bằng. Xưa đến nay, các em đều hiếu học, đến lớp rất chăm chỉ chuyên cần, sĩ số luôn đạt 100%.
Hai bản ở xa trường như Cha Lung, Pa thì các phụ huynh đến trường dựng nhà lớn, vững chãi, đem đồ dùng, thức ăn đến cho các em trọ học, yên tâm đến lớp. Toàn anh em họ mạc ở chung một nhà, nên dễ bảo ban nhau, cha mẹ lên thăm nuôi các con cũng thuận tiện.
Nhưng cùng một thời điểm, tất cả các em học sinh nữ đều nghỉ học ở nhà, chỉ có học sinh nam đến trường thì thật quá bất thường. Cha mẹ các em không dám cho con gái tới trường nữa, vì sợ các em lây nhiễm bệnh lạ”.
Các gia đình người Thái có con mắc bệnh “cười ngất” thì hoang mang tột độ. Ở vùng đất núi rừng còn thâm trầm, chưa có nhiều thông tin khoa học, mọi việc điều được đồn đoán là do “con ma” làm ra. Nhà nào cũng tá hỏa khi bỗng thấy đám con gái yếu đuối lăn ra cười, có em ốm ngất cả tuần trời.
Cô bé Lữ Thị Huyền Oanh khá trắng trẻo, xinh xắn trong bộ đồng phục, rụt rè trao đổi với chúng tôi tại phòng giáo viên, sau buổi học. Oanh bảo: “Bố em và bố bạn Nhung đã mời thầy cúng về bản, cúng ma cho bọn em.
Nhà các bạn khác cũng vậy, ai bị mắc bệnh này đều phải cúng hết. Sau này, khi nhiều bạn cùng mắc thì cả những nhà không có con bị bệnh cũng cúng trước để phòng”.
Cô nữ sinh đến từ bản Phe cho biết thêm, các em ở nhà tự chữa bệnh, không được đi chơi hàng xóm, không được gặp các bạn bè trong trường, chỉ sợ “gặp nhau là cười”. Cha mẹ các em thì tất tả đi vay mượn tiền, giết gà mổ lợn làm lễ cúng ma xì xụp mong các con qua khỏi.
Đến lúc này thì cả lãnh đạo huyện Quan Sơn phải vào cuộc, rốt ráo chỉ đạo các đơn vị y tế, Phòng Giáo dục, Đồn Biên phòng Tam Thanh… tìm giải pháp. Các em được khám chữa cẩn thận, xác định nguyên nhân gây bệnh. Những em bị bệnh được tạm nghỉ học, cách ly với nhóm bạn “hay cười” để phục vụ chữa trị.
Cán bộ y tế, nhà trường và biên phòng kiên trì đi đến từng nhà dân tuyên truyền, trấn an người dân rằng đây chỉ là căn bệnh Ichteria ở các thiếu nữ dậy thì, không liên quan tới ma rừng, ma bản nào cả.
“Đến nay, các em đều đã trở lại trường học bình thường, hơn nửa tháng nay chưa thấy xảy ra vụ việc nào nữa. Nhưng rõ ràng các em từng vướng vào bệnh lạ đã bị ảnh hưởng tới chất lượng học tập” – thầy Khoa cho biết.
Đôi mắt trong veo buồn bã của cô nữ sinh người Thái Lữ Thị Huyền Oanh cứ ám ảnh chúng tôi: “Không biết chúng em có được tham gia đội tuyển học sinh giỏi nữa không, còn ít bữa nữa thì đến ngày thi rồi chú ạ. Chúng em muốn học giỏi, muốn đi thi”…