Vi phạm nào khiến trường ĐH bị buộc đóng cửa?
Để có thể tồn tại, nhiều trường ĐH đã chấp nhận vi phạm quy chế tuyển sinh, tuyển cả thí sinh dưới điểm sàn, khác khối, thậm chí lập hồ sơ thí sinh giả để qua mặt các cơ quan chức năng... Những việc làm như vậy, trường ĐH sẽ có nguy cơ bị đóng cửa hoạt động.
Xung quanh việc Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội vừa kiến nghị lên Bộ GD-ĐT dừng hoạt động của Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị và Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, đồng thời có văn bản báo cáo hàng loạt sai phạm của 20 cơ sở đào tạo; liên kết đào tạo ĐH, CĐ, TCCN trên địa bàn thành phố năm 2013, ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết thêm về việc siết chặt hoạt động của các trường đại học.
Việc kiến nghị đóng cửa, ngừng hoạt động hai trường đại học trên của Hà Nội, ông có thể nói rõ hơn về cơ sở nào để có thể đóng cửa các trường đại học?
Hành vi vi phạm các quy chế tuyển sinh, vi phạm tài chính, các quy chế hoạt động, cơ sở vật chất… đều có thể đủ điều kiện đóng cửa hoạt động của bất kỳ một trường ĐH nào.
Ví dụ như tại Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị và Đại Học Bắc Hà đang làm dư luận hết sức bất bình trong những ngày qua. Hai trường này đã vi phạm nghiêm trọng các quy chế tuyển sinh theo quy định của Bộ GDĐT.
Cụ thể là vi phạm quy chế nào, thưa ông?
Những trường ĐH kém chất lượng, đầu ra không có việc làm lượng sinh viên đăng ký dự thi rất ít
Sau khi kiểm tra 254 hồ sơ tuyển sinh từ năm 2009 – 2012 đã phát hiện 5 sinh viên có đầu vào là 12,5 điểm (điểm dưới sàn), như vậy là vi phạm quy định điểm sàn của Bộ GD&ĐT.
Ba thí sinh của các khối B, C, D không đúng khối xét tuyển (trường tuyển khối A); 5 hồ sơ không có phiếu báo điểm và 12 sinh viên không tìm được thông tin theo phiếu điểm dự thi. Nguy hiểm hơn, có tới 145 sinh viên trúng tuyển với giấy báo điểm giả không khớp với trường dự thi.
Những trường đại học hoạt động như thế nào sẽ bị kiến nghị đóng cửa, thưa ông?
Trong khi thực tế trong thời gian qua, có nhiều trường cả năm không tuyển được sinh viên nào. Đây là thực tế rất khó khăn, vì sinh viên học xong không có việc làm. Dĩ nhiên Chính phủ cho phép trường ĐH có thể có thời gian để khắc phục khó khăn, ví dụ như trường có thể kéo dài tình trạng không tuyển sinh được trong 3 năm, nhưng sau đó thì phải tính.
Nếu 3 năm liên tiếp mà nhà trường không tuyển được 200 sinh viên/năm, thì sẽ không có nguồn thu để tồn tại. Như thế khó có khả năng để duy trì sự phát triển hoạt động, kể cả đơn giản nhất là duy trì bộ máy.
Các trường phải tìm biện pháp để thu hút người học, dĩ nhiên là các biện pháp tích cực cũng có và tiêu cực cũng có. Chẳng hạn như mấy trường kể trên, muốn có sinh viên, trường ĐH lại vi phạm quy chế tuyển sinh, tuyển sinh bừa bãi, không có sinh viên theo học, giấy báo điểm giả, cơ sở hạ tầng không đảm bảo…
Những hành vi như vậy, nếu đoàn thanh tra liên ngành phát hiện sẽ đề nghị Bộ GDĐT đình chỉ hoạt động của trường vì không đủ điều kiện hoạt động...
Không có sinh viên, các trường ĐH cũng tự đóng cửa
Thưa ông, từ trước tới nay đã từng có trường ĐH nào không cần kiến nghị cũng tự đóng cửa chưa?
Hiện nay, số trường ĐH ngoài công lập quá nhiều, chưa kể các trường dạy nghề. Nhưng số trường có chất lượng thì không nhiều.
Nếu các trường ngoài công lập có uy tín thì họ vẫn phát triển tốt như: ĐH FPT, ĐH Thăng Long, Hoa Sen… Đó là những trường có ý thức về đầu tư cơ sở vật chất, làm ăn bài bản, đầu tư cho đội ngũ, quan tâm đến sinh viên, cùng với đó gắn với các hoạt động xã hội để củng cố uy tín của mình.
Vì thế trong những năm qua họ vẫn tuyển sinh đạt chỉ tiêu và sinh viên ra trường vẫn tìm được việc làm. Còn những trường không phát triển được thì thể hiện rất rõ, không có sinh viên, giáo viên đi thuê, không có địa điểm trường... vì thế chất lượng nhà trường không có gì bảo đảm cả.
Nếu rơi vào tình trạng đó, cơ quan quản lý không cần ra lệnh thì trường ĐH đó phải tự đóng cửa, vì họ không đủ nguồn lực để phát triển.
Xin cảm ơn ông!