Vai trò của người cha với sự phát triển của trẻ

Sự kiện: Giáo dục

Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nhi khoa của Cộng hòa Pháp cho biết sự hiện diện của người cha rất quan trọng để con trẻ phát triển tốt nhất về thể chất và tâm lý, làm giảm rối loạn trầm cảm, các vấn đề về hành vi và nguy cơ có thai sớm.

Đối với trẻ em nói chung

Các nhà khoa học của Ủy ban Nghiên cứu các khía cạnh tâm lý xã hội về Sức khỏe Trẻ em của Pháp cho biết, nếu người mẹ mang đến cho trẻ sự thoải mái và ổn định thì người cha lại kích thích trẻ theo một cách khác. Các ông bố thường tạo ra nhiều thử thách hơn trong các trò chơi, dẫn dắt định hướng trong các trò chơi khiến trẻ hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn. Điều này giúp chúng giảm lo âu, tạo cho chúng sự hưng phấn vui vẻ, đồng thời phát triển khả năng sáng tạo.

Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy rằng người cha thường sử dụng những biểu đạt đa dạng hơn đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhờ vậy mà kích thích sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Con trẻ bị kích thích bởi giọng nói vừa trầm lắng vừa mạnh mẽ của người cha. Do đó, chúng sẵn sàng tiếp nhận những ngôn từ và biểu tượng trong cuộc sống.

Vai trò của người cha với sự phát triển của trẻ - 1

Người cha có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của trẻ

Sự hiện diện của người cha còn khuyến khích trẻ tiếp cận với những người xung quanh một cách dễ dàng hơn và giúp trẻ tăng khả năng tương tác xã hội một cách hài hòa. Theo các nhà khoa học, người cha có vai trò hàng đầu trong việc xây dựng cấu trúc tâm lý của trẻ. Với hình ảnh của người cha đại diện cho sức mạnh uy quyền trong gia đình, đứa trẻ tự hình thành cấu trúc tâm lý, nhân cách, xây dựng quyền tự chủ và tự tin hơn về hình ảnh của bản thân. Và khi đứa trẻ lớn lên, cấu trúc tâm lý này có thể thay đổi và tiến triển bên ngoài khuôn khổ của gia đình.

Vì vậy sẽ rất ý nghĩa nếu người cha dành thời gian với con cái của mình như dùng bữa cùng con, đưa trẻ đến công viên, nói chuyện với trẻ, đọc truyện cho trẻ, lắng nghe trẻ... Những hoạt động này còn cần thiết đối với trẻ hơn nữa trong trường hợp ở những gia đình ly hôn và gia đình tái hôn có con sống cùng, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh. Họ chỉ ra rằng dù bất kể hoàn cảnh gia đình như thế nào thì sự hiện diện của một người đàn ông trưởng thành đối với con trẻ cũng rất quan trọng. Như vậy, người cha đã ly hôn, người ông hay người chú người bác đều có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ và họ nên dành thời gian cho con trẻ.

Và trẻ cá biệt

Đối với những đứa trẻ cá biệt như trẻ có biểu hiện rối loạn hành vi quá hiếu động, giảm tập trung, bướng bỉnh, hỗn hào…nhất là trẻ trai, luôn hiếu động do vậy rất cần có sự chăm sóc, quan tâm và ảnh hưởng của người cha nhiều hơn. Do thiếu tự tin và không kiểm soát được bản thân nên trẻ gặp nhiều khó khăn trong phát triển trí tuệ và đòi hỏi người cha cần phải có những hình thức giáo dục phù hợp. Trẻ thường có tính khí thất thường hay bốc đồng và vượt qua những kỷ luật bình thường nên đòi hỏi người cha cần tạo ra sự cương quyết, công bằng cho sự phát triển của trẻ.

Những trẻ này cần tuân thủ những ranh giới nghiêm ngặt, ranh giới này được nới rộng từng chút tùy vào mức độ phát triển của trẻ. Lúc này, vai trò người cha ở đây được coi là người giữ kỷ luật chứ không phải là người thường xuyên đưa ra những hình phạt. Sự có mặt của người cha tạo cho trẻ cảm giác an toàn để những lúc cần thiết cả gia đình có thể trông cậy vào. Người cha luôn luôn phải cân bằng giữa tư cách là người giữ kỷ luật đồng thời là người bạn tâm tình mỗi khi trẻ cần sự giúp đỡ, khuyên nhủ hoặc những lúc trẻ muốn vui chơi.

Điều đáng lo ngại hiện nay là do công việc bận rộn, nhiều người cha về nhà muộn, lúc trẻ đã ngủ do vậy dẫn đến tình trạng người cha có ít thời gian gần gũi với con mình việc  này với trẻ là rất thiệt thòi. Vì vậy, các bậc làm cha hãy dành nhiều thời gian quan tâm, thương yêu, dưỡng dục con hơn nữa để góp phần tích cực trong việc giáo dục, nuôi dưỡng cho sự  phát triển con trẻ.

Muốn trở thành người cha tốt, bạn nhất định phải học những cách này

Để trở thành người cha tốt, tâm lý và lấy được sự tin cậy của con cái không phải là điều đơn giản và tự nhiên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ThS. tâm lý Nguyễn Như Phương (Sức Khỏe & Đời Sống)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN