Tuyển sinh ĐH, CĐ: Gấp gáp, rối bời
Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tiếp dời thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, thời hạn công bố danh sách các trường tuyển sinh riêng khiến cả trường lẫn thí sinh bối rối.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho hay đã có khoảng 60 trường gửi đề án tuyển sinh riêng lên bộ và đến hết ngày 15/3, danh sách các trường được tuyển sinh riêng mới chính thức được chốt, thay vì dự kiến công bố vào ngày 10/3 như trước đây.
Dồn áp lực cho trường và thí sinh
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng thông báo dời thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ chậm 1 tuần so với trước đây, tức là ngày 17/3 mới bắt đầu nhận hồ sơ. Sau khi Bộ GD-ĐT cho phép 62/207 ngành được đào tạo lại, nhiều ý kiến cho rằng việc bộ dời thời hạn nhận hồ sơ ĐKDT là để bộ xem xét và công bố thêm các ngành sẽ được tiếp tục đào tạo lại. Tuy nhiên, sự chậm trễ này đã gây nhiều khó khăn cho các trường cũng như thí sinh (TS).
Đại diện một trường ĐH tại TP HCM cho rằng việc dời thời gian nộp hồ sơ ĐKDT chậm 7 ngày, cũng có nghĩa sẽ kéo tất cả các khâu trong việc tổ chức thi chậm trễ. Đặc biệt, việc nhận hồ sơ chậm sẽ đẩy áp lực lên cho trường trong việc nhận hồ sơ, phân loại, thống kê hồ sơ… và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian cấp giấy báo dự thi cho TS. “Việc cấp giấy báo thi cho TS chậm, nếu có sai sót cần chỉnh sửa sẽ rất cập rập, gây nhiều khó khăn” - vị này cho biết.
Thí sinh rất lo lắng trước các thông tin chưa chính thức về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. Ảnh: Tấn Thạnh
Nhiều thay đổi về hồ sơ
Ngoài ra, hồ sơ ĐKDT năm nay có không ít thay đổi với mục dành cho TS dự thi vào các trường tuyển sinh riêng. Theo ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT - TS phải lưu ý cách ghi hồ sơ được hướng dẫn cụ thể trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 và trên bìa hồ sơ. Cụ thể, mẫu phiếu cũ có mục 2 để TS đăng ký vào trường tổ chức thi theo kỳ thi 3 chung; mục 3 để đăng ký vào trường sử dụng kết quả của kỳ thi chung nhưng không tổ chức thi. Dưới mục 2 của hồ sơ sẽ có thêm một dòng để TS đăng ký vào trường tổ chức thi riêng.
TS đăng ký dự thi vào những trường tuyển sinh riêng bắt buộc phải nộp thêm những hồ sơ theo yêu cầu riêng của trường sau khi đề án tuyển sinh riêng của trường chính thức được thông qua. Ông Nghĩa cũng cho rằng TS phải kiểm tra cẩn thận về tiêu chí xét tuyển của trường, hồ sơ gồm những gì, TS được phép bổ sung gì, thời gian nộp hồ sơ, cách thức nộp ra sao… Do trường tuyển sinh riêng có thể xét tuyển không theo “3 chung” mà xét theo kết quả học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT nên hồ sơ thi riêng của TS sẽ nhiều hơn so với hồ sơ thi “3 chung” hằng năm.
Riêng - chung chưa ngã ngũ
Kỳ thi càng đến gần TS càng lo lắng vì hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về việc tuyển sinh riêng.
Chính vì danh sách các trường tuyển sinh riêng đến giờ vẫn chưa có nên những tài liệu liên quan đến tuyển sinh như cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ; phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 và hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay vẫn chưa được phát hành. Sự chậm trễ này khiến không chỉ TS mà cả các trường ĐH, CĐ, các sở GD-ĐT đứng ngồi không yên vì thời gian chuẩn bị cho kỳ thi quá gấp gáp.
Ông Trần Văn Nghĩa cho hay dự kiến chậm nhất là ngày 17/3 các TS sẽ có tài liệu và mẫu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay. Tuy nhiên, liệu trong 2 ngày sau khi danh sách các trường tuyển sinh riêng được công bố, các tài liệu liên quan đến những trường này sẽ kịp in và phát hành tới tay TS?
Vì không lường trước những thay đổi sẽ diễn ra nên trong khi Bộ GD-ĐT chưa gửi mẫu hồ sơ mới, không ít sở GD-ĐT đã hoàn tất việc in ấn hồ sơ ĐKDT theo mẫu năm trước. Lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT địa phương lo lắng về sự lãng phí nếu không tận dụng mẫu hồ sơ cũ để TS ghi thêm một dòng nếu muốn thi vào các trường tuyển sinh riêng.
Ban hành quy chế tuyển sinh mới Ngày 11/3, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2014. Theo đó, 2 thay đổi lớn trong tuyển sinh năm nay là bộ cho phép các trường thực hiện tuyển sinh riêng và sửa đổi chính sách ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực. Cụ thể, những trường có đề án tuyển sinh riêng phù hợp với các quy định của bộ thì sẽ được tự chủ tuyển sinh. Về chính sách ưu tiên, Bộ GD-ĐT bổ sung đối tượng ưu tiên như người khuyết tật nặng được cộng thêm 1 điểm, chỉ những TS có hộ khẩu tại các xã đặc biệt khó khăn theo quy định mới được hưởng ưu tiên 1, TS dân tộc thiểu số thuộc nhóm đối tượng ưu tiên 2… Hằng năm, các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy tổ chức 1 đến 2 lần tuyển sinh, Bộ GD-ĐT quy định cụ thể thời gian tuyển sinh. Về vấn đề điểm sàn, trong quy chế năm nay không còn nhắc tới mà được thay thế bằng cụm từ tiêu chí bảo đảm chất lượng. Do đó, căn cứ kết quả thi của thí sinh, Bộ GD-ĐT sẽ xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học ĐH, CĐ đối với từng khối thi, từng ngành đào tạo. Ph.Thảo |