Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Rối rắm vì cải tiến
Những đổi mới trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 bộc lộ nhiều bất cập khi áp dụng trong thực tế khiến trường và thí sinh đều khổ.
Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 đang dần khép lại nhưng một số đổi mới trong quy chế tuyển sinh năm nay đã không mang lại kết quả như ý muốn. Đại diện nhiều trường nhận định chưa năm nào việc tuyển sinh lại căng thẳng và rối rắm như năm nay.
Khổ vì thí sinh ảo
Đại diện Trường ĐH Hoa Sen cho biết chưa bao giờ tỉ lệ ảo trong xét tuyển lại “khủng khiếp” như vậy: Trường tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung đợt 1, tỉ lệ ảo lên tới 90%, đợt 2 70%. Do vậy, lúc đầu trường chỉ dự kiến tuyển bổ sung 2 đợt nhưng cuối cùng phải kéo dài tới 4 đợt để cho đủ chỉ tiêu. Ông Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cũng cho biết tỉ lệ ảo hệ CĐ tại trường này lên tới 90%, trong khi hệ ĐH là 40%.
Đại diện nhiều trường ngoài công lập như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Kỹ thuật Công nghệ, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Ngoại ngữ Tin học… đều cho biết tỉ lệ ảo các NV lên tới 40%-70%. Tỉ lệ ảo quá cao khiến việc xét tuyển của các trường rất bị động, đặc biệt ở các trường CĐ. Ông Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết trường lường trước số ảo nên đã gọi thí sinh (TS) trúng tuyển lên tới 4.200 em, tăng 200% so với chỉ tiêu nhưng rốt cục chỉ có 1.300 em nhập học.
Nguyên nhân dẫn đến số lượng TS ảo lớn, theo đại diện các trường, là do quy chế tuyển sinh năm nay cho phép kéo dài thời gian xét tuyển nên TS “đứng núi này trông núi nọ”. Ngoài ra, nguyên nhân chính là TS được phép nộp bản sao kết quả thi và do đó, một TS có thể nộp vào nhiều trường nhưng thực tế TS đó chỉ có thể nhập học một trường. Vì vậy, nhiều trường không chủ động được nguồn tuyển.
Từ cấm thành cho
Quy chế tuyển sinh 2012 quy định điểm chuẩn đợt sau cao hơn đợt trước, đồng nghĩa với việc cho phép các trường hạ điểm chuẩn. Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng từ khi áp dụng “ba chung” đến nay, Bộ GD-ĐT cấm các trường hạ điểm chuẩn như là một giải pháp nhằm giữ công bằng trong xét tuyển và để bảo đảm chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, năm nay, bộ lại cho phép hạ điểm chuẩn. Theo đó, TS trúng tuyển trường này nhưng trường kia hạ điểm chuẩn thì lại rút ra, nộp vào trường kia, làm trường rất rối. Ngoài ra, cùng vào một ngành nhưng TS trúng tuyển đợt sau lại đạt điểm thấp hơn điểm đợt trước là điều thiếu công bằng.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển ở Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng việc hạ điểm chuẩn sẽ khó cho các trường tốp dưới. Đồng thời, có thể nảy sinh tiêu cực khi một số trường lợi dụng quy chế này để cho con em họ đủ điều kiện vào ĐH. Ngoài ra, việc hạ điểm chuẩn cũng khiến khả năng tuyển vượt chỉ tiêu cao, dễ bị phạm quy. Do vậy, để tránh rắc rối, cho đến thời điểm này, hầu hết các trường đã không áp dụng giải pháp hạ điểm chuẩn. Thay vào đó, rất nhiều trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập, ngay NV 1 chỉ xác định điểm chuẩn bằng điểm sàn tất cả các ngành để thuận lợi khi xét tuyển đợt sau mà không cần đến giải pháp hạ điểm chuẩn.
Giữ chân thí sinh
Đại diện các trường cũng cho rằng quy định cho phép tự chủ thời gian xét tuyển có thể giúp trường tuyển đủ chỉ tiêu nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến việc xét tuyển các NV năm nay rất căng thẳng. Theo ông Lý Ngọc Đức, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM, nhiều trường tổ chức thi cố giữ chân TS bằng cách không gửi hoặc gửi kết quả cho TS mượn trường thi rất trễ. Không chỉ trường không tổ chức thi, điều đó còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của TS đăng ký xét tuyển vào các trường này. “Có TS đến trường phản ánh vì sao trường A, trường B lại gửi giấy báo trúng tuyển trong khi các em không thi vào trường đó mà chỉ mượn trường thi” - ông Đức nêu thực tế.
Quy định tự chủ xét tuyển cũng bộc lộ bất cập khi nhiều trường do muốn rút ngắn thời gian xét tuyển đã hối hả kết thúc tuyển sinh sớm, có trường thông báo xét tuyển khi chưa đến thời hạn gửi phiếu điểm cho TS. Do đó, rất nhiều TS ở xa năm nay gặp bất lợi vì khi nhận được phiếu điểm để xét tuyển thì nhiều trường lại kết thúc xét tuyển rồi. Trước áp lực của TS và xã hội, Bộ GD-ĐT lại có công văn yêu cầu các trường không được phép kết thúc xét tuyển trước ngày 7-9. “Một mặt, bộ cho phép các trường được tự chủ trong xét tuyển nhưng một mặt lại can thiệp vào thời gian xét tuyển của các trường. Quy chế tuyển sinh năm tới cần phải thay đổi để tránh bất cập” - ông Đức nói.
Mướt mồ hôi rút hồ sơ Những trường quy định chỉ nhận phiếu điểm gốc thì tỉ lệ ảo ít hơn nhưng lại gặp khó khăn lớn khi phải mướt mồ hôi trả hồ sơ. Không ít trường đối mặt với cảnh chen lấn, quá tải vì TS cùng lúc đến rút hồ sơ quá nhiều như Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm... “Nhưng nếu trường chậm giải quyết việc trả hồ sơ cho TS, TS mất cơ hội xét tuyển vào trường khác - cũng có nghĩa là ảnh hưởng tới việc xét tuyển của trường khác. Quy định không cụ thể, rõ ràng đã ảnh hưởng liên hoàn, khiến các trường lẫn TS gặp rất nhiều khó khăn” - ông Trần Mạnh Thành phân tích. |