Trường học "một giới"
Tại năm trường mầm non ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển, quan điểm “trai là trai, gái là gái” đang bị thách thức với những kết quả thú vị.
Chống phân biệt giới tính
Ở 5 trường học nói trên, nơi thay đồ, để đồ chơi xếp hình, các đồ chơi khác, búp bê… được bố trí lộn xộn một cách có chủ ý như một phần của chính sách trung tính về giới. Khái niệm này ra đời vào năm 1998 khi Thuỵ Điển sửa đổi Luật Giáo dục, theo đó có quy định rằng tất cả các trường học phải có hành động chống lại sự rập khuôn (phân biệt) về giới tính. Kết quả là, Lotta Rajalin, Hiệu trưởng của 1 trong 5 trường mầm non công lập dành cho trẻ từ 1-6 tuổi nói trên, giới thiệu các chính sách trung tính về giới tại trường mình. Năm 2011, bà mở Egalia (tiếng Latin có nghĩa là bình đẳng), một trường chuyên giảng dạy công bằng về giới - một cách tiếp cận không cho rằng giới tính khác nhau có những đặc điểm, mong muốn và nhu cầu khác nhau. “Chúng tôi muốn mang đến cho tất cả trẻ em cơ hội cùng các quyền như nhau”, bà Rajalin nói.
Mọi sự thay đổi bắt đầu từ nhận thức của đội ngũ giáo viên (nguồn: qz.com)
“Chúng tôi không nói ‘Thôi nào các cậu trai, hãy đi chỗ khác và chơi bóng đá đi’, bởi vì có thể có những cô gái muốn chơi bóng đá”, bà Frida Wikström, điều phối viên của nhà trường nói, “Thay vì vậy, chúng tôi nói ‘các bạn’ vì nó tạo điều kiện các em tự chọn một mức độ bình đẳng”.
Ở những trường này, học sinh có thể sử dụng bất cứ kiểu nói năng nào mà chúng thích, nhưng nếu một em nào nói điều gì đó như: “Bạn không thể chơi cái đó, đó là trò chơi của con trai”, giáo viên sử dụng những câu hỏi mở để trao đổi tại sao con cảm thấy như thế. Họ sử dụng “người ấy” như một sự trung tính về giới thay thế cho ông/anh ấy hoặc bà/chị ấy bởi vì họ cảm thấy rằng nó không khuyến khích sự rập khuôn. “Ví dụ, nếu một nhân viên cứu hỏa đang tới và chúng tôi không biết nhân viên đó là đàn ông hay đàn bà, chúng tôi sẽ gọi là ‘người ấy’”, bà Wikström nói, “Chúng tôi cho rằng đó là một ‘ông’ bởi vì chúng tôi nhận được hình ảnh đó trong đầu của chúng tôi”. Họ cũng sử dụng từ “người ấy” trong các bài hát mà họ nhận thấy rằng những con vật tự tin hơn hay hung hăng hơn thường được gọi là “cậu ấy” và những con vật dễ thương được gọi là “cô ấy”. “Một con gấu gần như luôn luôn là cậu ấy. Tại sao thế?”, bà Wikström hỏi.
Khi bắt đầu ban hành quy định, bà Rajalin quay phim giáo viên để xem họ đối xử với trẻ trai và trẻ gái khác nhau như thế nào. “Chúng tôi phát hiện ra có một sự khác biệt lớn”, bà Wikström nó, “Ví dụ, chúng tôi mất nhiều thời gian hơn để dạy dỗ các em gái. Những em trai thì chỉ được bảo, ‘Thôi được rồi, các con làm tốt’”. Bước tiếp theo là đưa ra các hướng dẫn, trong đó có việc cho rằng trẻ thuộc hai giới tính khác nhau chơi theo một cách nhất định.
“Nó có tác động tích cực một cách thực sự. Bé trai và bé gái chơi với nhau nhiều hơn. Hiếm khi bạn nghe một cậu bé nói ‘Tớ chỉ muốn chơi với con trai’. Điều quan trọng đối với chúng tôi là thực sự làm việc với ý tưởng rằng chúng tôi là những người bạn và là một nhóm, không bị chia tách theo giới tính”.
Một số phụ huynh chọn những trường theo mô hình này do chính sách trung tính về giới. Ngay cả những người “khá truyền thống” cũng chọn loại hình trường này khi họ thấy rằng chính sách này không lấy đi một cái gì từ con cái của mình.
Những băn khoăn
Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái, những nhà cải cách gặp hầu hết thách thức từ phía người lớn. Trước hết, thay đổi những thái độ đã ăn sâu đến mức thâm căn cố đế về giới trong đội ngũ giáo viên là điều không dễ dàng. Bà Wikström nói: “Chúng tôi cho rằng chúng ta đối xử với mọi người như nhau, nhưng không phải như vậy. Rất khó thay đổi hành vi. Đề nghị đội ngũ phân tích hành vi của họ cũng rất khó khăn. Tự nhìn nhận bản thân theo hướng phê phán luôn không là điều dễ chịu, nhưng đó là xuất phát điểm”.
Khi được hỏi, có nhà giáo dục, tư vấn trẻ em cho rằng môi trường trung tính kiểu này có thể chứa đựng rủi ro ở chỗ khi lớn lên, các em có thể đối diện với nguy cơ bối rối, xấu hổ.
Trò chơi tuổi nhỏ đóng một phần quan trong trong xoá đi ngăn cách về giới (nguồn: afterellen.com)
Genevieve Passamonte, một giáo viên mầm non ở bắc London, cho rằng “Trường học tạo cơ hội bình đẳng và có chính sách chống thiên vị là trường tốt. Việc một chú bé muốn mặc váy cũng là điều tốt, nhưng ... để cho trẻ học ngôn ngữ một cách chính xác mới là điều quan trọng”.
Daniel Glaser, nhà thần kinh học và là giám đốc một tổ chức giáo dục có tên là Triển lãm Khoa học, cho biết ông ủng hộ quan điểm ngôn ngữ rất quan trọng trong việc xác định hành vi. “Những thay đổi rất tinh tế trong ngôn ngữ có thể có ảnh hưởng lớn”, ông Glaser nói, “Ngôn ngữ học tâm lý, hoặc việc sử dụng các từ khác nhau, rất có ảnh hưởng đến hành vi của giáo viên”.
Nhưng ông Glaser cũng cho rằng ngôn ngữ đóng vai trò cần thiết trong việc thay đổi nhận thức của trẻ em, nếu chúng ta nghĩ rằng cách trẻ em nhận thức về giới là quan trọng, thì việc tạo ra một sự can thiệp sớm để làm cân bằng về giới tính là một ý tưởng tốt.
Dù gặp những thách thức như vậy nhưng các nhà cải cách vẫn tỏ ra kiên định. Theo họ, các thế hệ trẻ ngày nay có quan điểm thoáng hơn về giới. Hiệu trưởng Rajalin mô tả cách tiếp cận của trường bà là sự chuẩn bị con người cho thế giới mới này. “Chúng tôi phải hành động để chống lại cách suy nghĩ truyền thống của chúng ta”, bà nói, “Cái thế giới mà tôi lớn lên không tồn tại nữa. Trẻ em hôm nay sẽ là những người lớn trong thời gian 15 hoặc 20 năm nữa. Họ sẽ sống trong một kiểu xã hội khác. Chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó”.
Ở những trường mầm non đi tiên phong chống phân biệt giới tính kiểu này, giáo viên nam chiếm tỷ lệ 40%.