Trẻ biết bơi chưa hẳn đã an toàn, bố mẹ cần dạy trẻ thêm những kỹ năng “sống còn” này

Sự kiện: Dạy con

Những vụ đuối nước tập thể xảy ra trong thời gian vừa qua là hồi chuông cảnh báo gia đình và cộng đồng trong việc phòng chống những tai nạn thương tâm này…

Mới đây, vụ 8 học sinh sống tại Hòa Bình bị đuối nước trên sông Đà đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Theo đó, khoảng 15h ngày 21/3, 10 em trong độ tuổi học sinh (cả cấp 1 và cấp 2) rủ nhau ra ven sông Đà (thuộc phường Thịnh Lang,TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đá bóng.

Sau đó, các em xuống sông tắm và bị nước cuốn chìm, 8 em mất tích, 2 em gần bờ may mắn thoát nạn. Đến gần 17h cùng ngày, thi thể 8 nạn nhân xấu số đã được tìm thấy.

Vụ việc đau lòng trên cho thấy, dù chưa đến hè (mùa “cao điểm” hay diễn ra đuối nước ở trẻ em) nhưng số vụ trẻ em bị đuối nước trong những tháng đầu năm đã liên tục xảy ra.

Ngay ngày 11/3 vừa qua, sau khi đi học về, một nhóm học sinh cùng trú tại xã Dun (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã rủ nhau đi tắm tại một ao nước trong làng. Trong lúc chơi đùa, 2 anh em sinh đôi bị đuối nước. Thấy vậy, một bé trai 7 tuổi đã lao xuống cứu nhưng không thành. Hậu quả, khiến cả 3 cháu đều bị chết đuối.

Hay trước đó, chiều 8/2, 8 học sinh lớp 9 sống tại xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cùng rủ nhau đi tắm biển. Tuy nhiên, trong lúc tắm, sóng lớn bất ngờ ập đến khiến cả nhóm bị cuốn trôi. Nghe tiếng kêu cứu, người dân địa phương lập tức đến hỗ trợ, tuy nhiên, chỉ cứu được 2 em, 6 em còn lại đều đã tử vong.

Biết bơi vẫn có nguy cơ bị đuối nước

Nhiều người có suy nghĩ rằng, chỉ những trẻ không biết bơi mới có nguy cơ bị đuối nước. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều vụ đuối nước đã xảy ra ở cả những trẻ đã biết bơi, thậm chí là bơi giỏi.

Trẻ biết bơi chưa hẳn đã an toàn, bố mẹ cần dạy trẻ thêm những kỹ năng “sống còn” này - 1

Trẻ cần biết bơi và học các kỹ năng phòng tránh tai nạn và xử lý khi bị đuối nước. Ảnh TL

Theo các giáo viên Trung tâm dạy bơi Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các em thiếu những kỹ năng phòng tránh và xử lý khi có tai nạn bất ngờ xảy ra trong lúc bơi, tắm ở biển, ao hồ, sông suối.

Khi ở dưới nước, trẻ có thể gặp một số vấn đề như bị chuột rút, tê tay, trật khớp. Điều này hay xảy ra đối với những trẻ không khởi động hoặc khởi động không đúng cách trước khi xuống nước, nhất là trẻ nhỏ ở vùng nông thôn, miền núi khi đi tắm sông, suối.

Bên cạnh đó, một số trẻ do chưa nắm vững kỹ thuật bơi hoặc quá hiếu động mà không kiểm soát được hơi thở (thở quá nhanh, nín thở quá lâu, lấy hơi bị vào nước khi bơi) nên gặp các vấn đề như sặc nước, mất ý thức hoặc nặng hơn có thể dẫn đến tử vong ngay dưới nước.

Một trường hợp khác là đối với những trẻ biết bơi nhưng kỹ năng cứu người bị đuối không đúng cách cũng khiến nhiều trẻ khi nhảy xuống nước cứu bạn nhưng hậu quả cũng bị đuối nước cùng với nạn nhân.

Chỉ tắm, bơi ở khu vực an toàn, đông người

Từ thực trạng trên, cách chuyên gia khuyến cáo, trẻ em cần được học bơi và trang bị những kiến thức kỹ năng phòng chống đuối nước cũng như cách cứu đuối an toàn để góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ đuối nước.

Gia đình, nhà trường cần dạy cho trẻ những điều sau:

- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.

- Chỉ tắm ở những nơi an toàn, được cho phép và có sự giám sát của người lớn.

- Không bơi lội một mình nơi vắng vẻ, ngay cả với những người bơi lội giỏi vì sẽ rất nguy hiểm trong trường hợp có tình huống xấu xảy ra.

- Không tắm ở sông hồ trong lúc trời đang nắng gắt để tránh bị cảm nắng.

- Không đùa nghịch quá khích hoặc vận động chân tay quá nhiều dưới nước để tránh mất sức, dễ bị đuối nước.

– Phải khởi động kỹ trước khi xuống nước để tránh bị chuột rút và các vấn đề khác.

Khi thấy trẻ khác bị đuối nước:

- Nếu không biết bơi hoặc không tự tin vào khả năng bơi của mình, hãy hô hào thật to để nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh.

- Khi quyết định nhảy xuống nước cứu người, nếu bên cạnh có áo phao nên quăng xuống nước cho nạn nhân và mặc cho chính mình. Nếu không có phao, hãy tận dụng những vật nhẹ có thể nổi trên mặt nước hoặc mang theo một cái áo để nạn nhân có thể bám vào khi kéo lên bờ. Lưu ý không ôm quá chặt người nạn nhân để tránh cả 2 cùng chìm dưới nước.

Trẻ cần được trang bị ngay những kỹ năng này để tránh bị xâm hại

Gần đây, nhiều vụ dâm ô trẻ em xảy ra đã khiến các bậc phụ huynh có con nhỏ hết sức lo lắng. Theo chuyên gia Natasha Daniels,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Mai ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN