Trách nhiệm nhà trường ở đâu khi học sinh bị tai nạn?
Tuy tai nạn ngoài ý muốn, nhưng hàng loạt vụ việc học sinh, sinh viên gặp tai nạn trong trường học nhưng một số trường lại không thể hiện tinh thần trách nhiệm, thậm chí che giấu sự việc đã gây nhiều bức xúc cho dư luận. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, dù học sinh bị tai nạn vì lý do gì, trách nhiệm vẫn thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục nơi xảy ra tai nạn.
Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Hà Nội - nơi xảy ra sự việc học sinh bị ngã từ tầng 2 xuống ngày 17/10. Ảnh: Website nhà trường
Liên tiếp các vụ tai nạn trong trường học
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn học đường liên tiếp xảy khiến các bậc phụ huynh lo lắng khi con đi học ở trường. Như, chiều ngày 17/10, một học sinh lớp 8, Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị ngã từ tầng 2 xuống đất. Ngay sau khi bị ngã, học sinh được Ban Giám hiệu và thầy cô đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức và báo với gia đình. Trước đó, một học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trãi (ở Hà Đông, Hà Nội) cũng bị rơi từ tầng 3 xuống đất, bị chấn thương vùng xương chậu và chân.
Không may mắn như những trường hợp bị thương nói trên, khoảng 18 giờ ngày 17/10 tại khu B của Trường Đại học Công nghệ TPHCM, một nam sinh viên ngành Kỹ thuật Môi trường trong lúc đứng đợi thang máy lên lớp học thì bị một vật thể rơi vào đầu dẫn đến tử vong. Nguyên nhân sơ bộ được xác định là do mảng vữa của phần mái che trên cao rơi trúng đầu. Sau khi sự việc xảy ra, trên trang web của trường đã đăng tải thông tin chia buồn với gia đình sinh viên bị nạn.
Điều thường thấy là trong khi học sinh bị tai nạn, lãnh đạo các trường đã thể hiện trách nhiệm của mình, khẩn trương đưa cấp cứu học sinh bị tai nạn, tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình. Tuy nhiên, dư luận xã hội những ngày gần đây đặc biệt quan tâm tới trường hợp một học sinh lớp 1 Trường tiểu học Tam Quan (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), chiều ngày 11/10 khi chơi ở khu vực cổng trường thì bị cánh cổng trường đổ sập xuống người dẫn đến gãy xương quai xanh.
Điều đáng nói ở đây là sau hơn một ngày học sinh bị tai nạn, Hiệu trưởng nhà trường chỉ cử giáo viên chủ nhiệm đến thăm. Phòng GD&ĐT huyện Tam Đảo cho biết, sau khi nhận được thông tin học sinh Trường tiểu học Tam Quan bị tai nạn, Phó Trưởng phòng GD&ĐT phụ trách mảng tiểu học đã xuống thăm hỏi động viên gia đình và có lời xin lỗi phụ huynh học sinh, mong phụ huynh chia sẻ, cảm thông. Phòng cũng sẽ chấn chỉnh sai sót của nhà trường.
Cần truy trách nhiệm nhà trường
Cuối tháng 2 vừa qua, UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội đã ra quyết định cách chức Hiệu trưởng và Hiệu phó Trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) vì không trung thực trong báo cáo, cố tình che giấu vi phạm trong vụ xe taxi đâm gãy chân học sinh trong sân trường. Theo kết luật của Công an TPHà Nội, ngày 1/12/2016, bà Ngọc và bà Hương đã ngồi trên taxi và đi vào trong sân trường. Khi vào đến sân trường, cháu Trần Chí Kiên đang chơi đùa đã chạy về phía đầu xe và bị ô tô đâm, ngã bệt xuống đất. Sau đó, cả bà Ngọc và bà Hương liên tục thông tin học sinh tự ngã, rồi nói không biết sự việc.
Chứng kiến một số câu chuyện mà đại diện nhà trường có phần thiếu trách nhiệm với học sinh bị tai nạn trong trường học, TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, những sự vụ tai nạn thương tích trong trường học thời gian qua đều là những sự cố đau lòng. Điều này phản ánh một thực trạng vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa thực sự trung thực, đạo đức nghề nghiệp còn bị coi nhẹ và chưa đủ tình thương với con trẻ.
Ngoài các biện pháp nâng cao an toàn cho học sinh tại nhà trường, các trường cần phải xây dựng văn hóa ứng xử, tinh thần trách nhiệm và trung thực với học sinh, phụ huynh. Ngoài chuyên môn, thầy cô càng cần phải có tâm có đức trong nghề sư phạm, đủ tình thương yêu trẻ để không vi phạm nội quy nhà trường hay có các hành vi thiếu trung thực. Nếu Hiệu trưởng không gương mẫu, thực hiện tốt vai trò của mình thì làm sao dạy được trẻ tính trung thực, thương yêu người khác? Nếu không may xảy ra sự việc, cần phải xử lý thật nghiêm minh và truy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục nơi xảy ra sự việc.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhiều địa phương đã ban hành các quy định về nâng cao các biện pháp an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh tại trường học, khu vực cổng trường. Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… cũng đã quy định rõ hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất an toàn cho học sinh, trẻ mầm non. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, những tai nạn xảy ra trong trường học chỉ là hi hữu, tuy nhiên vẫn phải xem xét lại trách nhiệm của nhà trường trong việc bảo vệ học sinh. Họ cho rằng dù tai nạn do nguyên nhân thế nào thì nhà trường vẫn phải có trách nhiệm.
Sau một loạt vụ việc học sinh đánh nhau, bị tai nạn trong trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã vừa có yêu cầu các trường học trên địa bàn tăng cường công tác an toàn, an ninh trường học. Công văn nêu rõ, các nhà trường phải đẩy mạnh việc phối hợp với gia đình trong công tác quản lý, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường tuyên truyền để cha mẹ học sinh thấy rõ trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ biết cách phòng, tránh nguy cơ mất an toàn cho bản thân; phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các cơ quan liên quan trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề không may xảy ra. |
Đến xin lỗi gia đình, nhưng vị hiệu trưởng vẫn tỏ thái độ trách móc vì cho rằng gia đình vòi vĩnh tiền bạc, khiến...