Thi Văn điểm cao: Năng khiếu chỉ là một phần

“Lập dàn ý, gạch ra những ý cơ bản cần triển khai, nắm rõ kiến thức cơ bản và phân chia thời gian làm bài hợp lý”.

Đó là những chia sẻ của cô Trần Thị Mai, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội về cách ghi điểm cao môn Văn học.

Lập dàn ý chi tiết

Theo cô Mai, với môn văn, năng khiếu chỉ là một phần. Quan trọng nhất là học sinh phải có kiến thức, có phương pháp ôn và kỹ năng làm bài thi tốt.

Đề văn thường có ba phần khá rõ ràng, trong đó có một phần là kiến thức cơ bản (cuộc đời, sự nghiệp của một tác gia, đặc điểm nghệ thuật của một tác gia…), một phần là yêu cầu bình giảng (phân tích một đoạn trong bài thơ). Phần còn lại sẽ là nghị luận về các vấn đề trong một tác phẩm (thường là văn xuôi, truyện ngắn)…

Phần nghị luận chiếm khoảng 50% tổng số điểm nên thí sinh cần lập dàn bài trước khi tiến hành viết để tránh sót và lặp ý. “Môn văn phải viết liền mạch, không như môn toán, sau khi làm xong có thể quay trở lại giải tiếp vì vậy thí sinh cần tập luyện tốt kĩ năng này”, cô Mai nhấn mạnh.

Cô Mai cũng chia sẻ, nếu viết dài, ý hay mà không có luận điểm rõ ràng sẽ không đạt điểm cao. Vì vậy, cần phải có kết cấu sáng tạo, từ mở bài đến kết bài. Khi bàn luận hoặc phân tích một vấn đề, thí sinh phải đưa ra ý kiến mới, chọn được dẫn chứng tiêu biểu, trúng vấn đề.

Thi Văn điểm cao: Năng khiếu chỉ là một phần - 1

Cô Trần Thị Mai, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ bí quyết ôn thi môn văn

Nắm chắc chương trình sách giáo khoa

Trong quá trình ôn thi, thí sinh cần ghi nhớ tất cả những nội dung được đưa vào sách giáo khoa đều quan trọng như nhau nên cần phải nắm chắc. Bỏ bất kì một nội dung nào cũng đều làm kiến thức của thí sinh bị thiếu hụt, dẫn đến nhận thức vấn đề không chắc. Đối với văn xuôi thì nắm vững cốt truyện, nhân vật, chi tiết, nội dung nghệ thuật, những sáng tạo độc đáo trong tác phẩm.

Để đạt điểm cao, thí sinh cần học cách khái quát giai đoạn văn học theo cây sơ đồ tư duy. Phân chia các giai với tên gọi và những đặc điểm riêng biệt. Khi ôn thi, thí sinh cần phải nắm vững nội dung từng tác phẩm và viết thành đề cương. Nếu thí sinh nắm được bản chất của tác phẩm, viết ra được các ý, sẽ không bao giờ quên bài.

Hiện nay tài liệu tham khảo và luyện thi môn văn tràn ngập thị trường. Để mua được sách hay, thí sinh nên nhờ thầy cô có uy tín giới thiệu. Khi đọc tài liệu tham khảo, thí sinh nên ghi chép, suy nghĩ, tán thành, hoặc phản đối, bởi không phải mọi kiến thức trong sách vở đều đúng. Những thắc mắc, nghi ngờ, nên ghi lại để hỏi cho rõ. Tất nhiên, việc đọc tài liệu tham khảo là cần thiết, nhưng không thể thay thế được việc nghe giảng trên lớp.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng nên tham khảo đề thi, đáp án, biểu điểm chính thức và dự bị những năm trước của Bộ GD&ĐT. Việc này sẽ giúp học sinh có định hướng rõ ràng hơn trong việc ôn tập và làm bài thi.

Trong khi làm bài thi, thí sinh trình bày sạch sẽ để gây cảm tình với người chấm. Ngay cả khi chữ viết của thí sinh không đẹp cũng nên chú ý đến cách trình bày. Khi viết sai không, chỉ cần lấy bút gạch đi và viết sang chỗ khác.

Cô Mai cũng không quên nhắc nhở, thí sinh nên cố gắng ôn tập đều ở tất cả các phần, các bài trong chương trình thi, không nên học tủ. Với cách ra đề phân thành nhiều câu, nhiều phần như chủ trương của bộ, thì học tủ là rất nguy hiểm. Tuy vậy, các em vẫn nên ôn tập có trọng tâm, trọng điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Hoàng ([Tên nguồn])
Bí quyết ôn thi hiệu quả Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN