Tạo công bằng cho giáo viên
“Năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương” là lời hứa mà đến nay vẫn chưa thực hiện được. Điều đó cũng góp phần làm cho niềm tin của giáo giới ngày thêm giảm sút.
Số liệu của Bộ GD-ĐT cho biết cả nước hiện có trên 1,1 triệu giáo viên các cấp. Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, lương giáo viên hiện xếp hàng thứ 14 trong các ngành nghề. Thu nhập bình quân theo lương và phụ cấp kèm theo của giáo viên khoảng 3-3,5 triệu đồng/tháng/người. Giáo viên có thâm niên công tác từ 13 năm trở lên đến sau 25 năm, lương và phụ cấp khoảng 3,5 - gần 5 triệu đồng/tháng/người. Còn giáo viên mới ra nghề chỉ nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng.
Giải pháp số 1
Cũng theo số liệu khảo sát của Hội Cựu giáo chức VN, số giáo viên có thâm niên trên 13 năm hiện nay chỉ chiếm 50%. Như vậy cũng có nghĩa chỉ có khoảng nửa triệu giáo viên được hưởng mức lương trên bình quân, còn lại hưởng lương dưới mức bình quân. Mà theo GS Hoàng Tụy so sánh, mức lương đó nhân đôi vẫn chưa tới “ngưỡng” mà Quốc hội xem xét để phải đóng thuế thu nhập. GS Hoàng Tụy đưa vấn đề cải thiện chính sách lương cho giáo viên là giải pháp số 1 trong đề cương cải cách mới nhất của ông.
Các ứng viên trúng tuyển nhận giấy giới thiệu phân công nhiệm sở sáng 28/8/2012 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức - Ảnh:Như Hùng
Theo GS Vũ Hoan, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, phải kiểm tra nghiêm túc toàn bộ vấn đề đầu tư, chi tiêu ngân sách nhà nước và đóng góp của dân cho giáo dục nhằm xây dựng một cơ chế phân bổ minh bạch và quản lý vốn đầu tư từ các nguồn khác nhau cho giáo dục. Trên cơ sở này xây dựng chính sách lương cho nhà giáo. “Cần tách lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp” - GS Hoan nhấn mạnh.
Xứng đáng và công bằng
PGS Vũ Trọng Rỹ, Viện Nghiên cứu giáo dục VN, cho rằng ngoài bất hợp lý về lương có nhiều vấn đề khác cần được thay đổi và cải thiện. Đơn cử như việc cần điều chỉnh quy định về số giờ lao động của giáo viên vì hiện nay theo quy định này, giờ lao động của giáo viên nói chung vượt quá giờ lao động quy định trong Luật lao động. Chính sách bồi dưỡng giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên học nâng cao trình độ chưa được quan tâm. Chính sách khen thưởng cũng cần điều chỉnh bất cập khi danh hiệu thi đua chủ yếu dành cho cán bộ quản lý, không khuyến khích đông đảo giáo viên. Công tác quản lý giáo viên cần khắc phục tình trạng thiếu dân chủ, không phát huy tinh thần tự chủ của giáo viên. Cần để cho giáo viên được tham gia quá trình ra quyết định của các cấp quản lý.
PGS Khổng Doãn Điền, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, đề xuất trong việc thay đổi chính sách đãi ngộ và sử dụng nhà giáo phải quan tâm tới yếu tố công bằng. Những năm đất nước còn khó khăn, đời sống nhà giáo còn thiếu thốn hơn hiện nay nhưng vẫn nhiều người tâm huyết, tận tụy với giáo dục. Còn hiện nay, tâm huyết của nhà giáo giảm sút do niềm tin giảm sút. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là sự thiếu công bằng trong tuyển dụng, đãi ngộ và quản lý giáo viên.
Tình trạng người nhận lương cao nhưng lao động bỏ ra không xứng đáng, người được công nhận danh hiệu, được thăng chức, có học hàm, học vị cao nhưng không xứng đáng, đối nghịch với đó là những người lao động, cống hiến thầm lặng không được biết đến, coi trọng. Điều này tồn tại, kéo dài sẽ khiến nhà giáo không còn tâm huyết. Ngày càng ít người muốn gắn bó với nghề bằng lối sống đạo đức trong sạch.
Trả lương theo hiệu quả giảng dạy Cần hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc chế độ đầu vào giáo viên, tuyển giáo viên nghiêm ngặt. Nhà nước ban hành tiêu chuẩn tư cách giáo viên, xác định rõ tiêu chuẩn quá trình học tập khi nhậm chức của giáo viên và yêu cầu về đạo đức phẩm chất giáo viên; tăng cường quản lý giáo viên, hoàn thiện cơ chế cho ra khỏi ngành đối với giáo viên không đủ năng lực dạy học. Đối với các vùng khó khăn, phải hoàn thiện chính sách tạo nguồn tuyển sinh sư phạm cho người dân tộc thiểu số và người ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa; ban hành và triển khai quy định về nghĩa vụ của giáo sinh sau khi ra trường phải theo sự điều động của Nhà nước để góp phần khắc phục thiếu hụt về giáo viên ở các vùng khó khăn. Về chính sách đãi ngộ với giáo viên, cần đảm bảo mức lương bình quân của giáo viên cao hơn hoặc không thấp hơn mức lương bình quân của nhân viên công vụ nhà nước và từng bước nâng cao lên. Thực hiện việc trả lương theo hiệu quả công việc, thành tích công tác. Giáo viên cộng tác lâu dài ở cơ sở nông thôn và vùng sâu, vùng xa khó khăn, cần thực hiện chính sách ưu tiên về tiền lương, chức vụ, chức danh. Ban hành các chính sách ưu đãi về nhà ở giáo viên, chính sách chữa bệnh dưỡng lão cho giáo viên. Nhà nước khen thưởng cho giáo viên dạy học lâu dài ở vùng nông thôn, vùng khó khăn có cống hiến nổi bật. PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ (nguyên phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương): |