Tài năng bận kiếm sống: Tiếc nuối vì những dự định bất thành

Những điều kiện thuận lợi ở môi trường nước ngoài đã tạo nên một GS. Ngô Bảo Châu, còn ở trong nước đó là lại một “đá tảng” - TS Trần Nam Dũng, giải nhì toán quốc tế năm 1982 chia sẻ.

Infonet có cuộc trao đổi với TS. Trần Nam Dũng, giải nhì toán quốc tế năm 1982 về vấn đề những cây toán học “vang bóng một thời”, sau khi đạt giải toán quốc tế trở về nước họ đã làm việc và cống hiến như thế nào?

Tài năng bận kiếm sống: Tiếc nuối vì những dự định bất thành - 1

TS. Trần Nam Dũng

Có nhiều ý kiến cho rằng những tài năng khoa học khi chọn con đường về nước hầu như không thành công bằng những người ở lại nước ngoài. Ý kiến của ông thế nào?

TS. Trần Nam Dũng: Với những người đạt giải toán học quốc tế những năm 80 và 90 khi về nước tất nhiên họ không thể có điều kiện dành cho nghiên cứu như những người ở lại nước ngoài.

Vì môi trường khoa học ở Việt Nam có những khó khăn nhất định, nhưng điều này không có nghĩa là không có những người thành công nhưng để đạt đến độ xuất sắc là không có.

Những điều kiện thuận lợi ở môi trường nước ngoài đã tạo nên một GS. Ngô Bảo Châu, thì ở trong nước đó là lại một “đá tảng”. Vì trình độ khoa học cũng như những cơ chế, điều kiện vật chất trong nước chưa đáp ứng được cho những đòi hỏi của nghiên cứu khoa học vất vả.

Làm cái gì cũng phải có kinh tế, đó là điều kiện vật chất để đảm bảo cho những sinh hoạt tối thiểu thì những đam mê khoa học mới bỏ hết công sức ra cống hiến được. Còn khi họ vẫn phải lo toan miếng cơm manh áo không chỉ cho mình mà còn cho cả gia đình thì đó là một khó khăn không dễ vượt qua.

Còn về môi trường dành cho nghiên cứu học thuật ở trong nước cũng không thuận lợi. Chẳng hạn như xung quanh mình cần phải có những người thầy trên mình, những bạn bè ngang mình… để khi mình có những nghiên cứu khoa học và cho ra một kết quả mới và tìm một người ngang tầm hoặc trên tầm để trao đổi… Trong nước cũng không có.

Hay về kinh phí dành cho khoa học cũng hạn chế. Nếu chúng tôi muốn tham gia các hội nghị, các hội thảo lớn tầm quốc tế thì xin chi phí chỉ được 300 USD, hoặc phải xin thủ tục cũng rất nhiêu khê.

Còn đối với các nhà khoa học ở nước ngoài dù họ không giàu nhưng cũng đủ sống, với vài nghìn USD/tháng cũng giúp họ yên tâm nghiên cứu, còn ở Việt Nam đó là điều mơ ước của giới nghiên cứu khoa học.

Nói vậy nghĩa là những nhà toán học khó có thể thành công ở Việt Nam, thưa ông?

Tài năng bận kiếm sống: Tiếc nuối vì những dự định bất thành - 2

Làm cái gì cũng phải có kinh tế, đó là điều kiện vật chất để đảm bảo cho những sinh hoạt tối thiểu thì những đam mê khoa học mới bỏ hết công sức ra cống hiến được. Còn khi họ vẫn phải lo toan miếng cơm manh áo không chỉ cho mình mà còn cho cả gia đình thì đó là một khó khăn không dễ vượt qua.

TS Trần Nam Dũng

Vẫn có những nhà khoa học thành công nhưng lại ở lĩnh vực kinh  doanh. Chẳng hạn, Nguyễn Tuấn Hùng đạt giải toán quốc tế năm 1978 và Phan Phương Đạt giải toán quốc tế năm 1986-1987 cũng rất thành công ở vai trò phụ trách hoạt động trong một lĩnh vực của FPT.

Còn đa số chúng tôi về làm trong môi trường giáo dục, dù không có công trình khoa học nổi trội nhưng chúng tôi cũng đóng góp cho đất nước những lứa học sinh giỏi.

Trước kia, thầy có nghĩ khi về nước sẽ lập tiếp những chiến công trên lĩnh vực nghiên cứu Toán học với môi trường trong nước không?

Tôi tốt nghiệp khoa Toán, đại học Matxcơva, khi về nước tôi muốn nhắm đến những trường đại học có khoa Toán như Đại học Tổng hợp lúc đó. Tôi cũng có chút may mắn khi về nước được nhận ngay vào khoa Toán của trường Tổng hợp nên có quá trình nghiên cứu xuyên suốt. 

Tuy nhiên, ngay bản thân tôi cũng thấy hơi phí vì trong những thời điểm sung sức nhất lại không có cơ hội để tận dụng hết khả năng của mình và không thực hiện được những dự định của mình vì phải tự bươn chải.

Còn có những người đạt giải quốc tế về nước trước tôi vài năm thì lại không được bố trí việc làm phù hợp, thành ra họ lại quay qua kinh doanh. Điều này cho thấy những bất cập trong việc bố trí và sử dụng nhân tài. Đây là lãng phí chất xám.

Điều này cho thấy Việt Nam đã tốn rất nhiều công sức đào tạo nhân tài, cho đi học nước ngoài nhưng lại không sử dụng hiệu quả những chất xám đó. Bên cạnh đó, trong khi những nhân tài hiện có chưa sử dụng hết thì lại đi đào tạo lứa khác gây bất cập và lãng phí trong chiến lược đào tạo và sử dụng nhân tài.

Nên gây ra tình trạng có nhiều anh em tốt nghiệp xong thấy về nước không ổn, họ ở lại làm kinh tế ở Liên Xô cũ, sau vài năm họ cũng về Việt Nam đầu tư và đang rất thành công.

Còn những người tiếp tục muốn nghiên cứu và sang các nước Châu Âu hoặc Mỹ cũng đều thành công trên con đường khoa học. Chẳng hạn, Huy chương vàng Toán quốc tế năm 1982 là Lê Tự Quốc Thắng và Huy chương bạc toán quốc tế năm 1979 là Phan Hữu Tiệp, hai người này hiện giờ đều là giáo sư toán học tại Mỹ.

Vậy theo ông, để trọng dụng nhân tài thì Nhà nước nên có chế độ, chính sách gì?

Ngay bản thân tôi cũng thấy hơi phí vì trong những thời điểm sung sức nhất lại không có cơ hội để tận dụng hết khả năng của mình và không thực hiện được những dự định của mình vì phải tự bươn chải.

TS Trần Nam Dũng

Cho đến hiện nay hầu hết các trường hợp là tài năng trong các lĩnh vực, các em và gia đình đều tự lo hết. Dù trước kia Nhà nước cũng đã có một số chương trình về hỗ trợ cho các nhân tài nhưng không thường xuyên và tổng thể.

Vấn đề là làm sao hỗ trợ cho các em, không để các em tự bơi vì hoàn cảnh ở Việt Nam là có nhiều em học giỏi nhưng gia đình khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để các em có điều kiện theo đuổi con đường nghiên cứu với những tố chất có sẵn.

Còn đối với vấn đề sử dụng nhân tài, cái cần nhất là chúng ta phải tạo ra cơ chế để nhân tài dụng võ được thì khoa học mới phát triển, từ đó tạo đà cho các ngành nghề khác đi lên trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống. Một vòng quay khoa học-thực tiễn sẽ bổ sung cho nhau để cùng phát triển, đó là cái đích của nghiên cứu khoa học cần phải làm được và cần phải đạt tới.

Để thể hiện mình, tại sao những người tài không đưa những ý tưởng sáng tạo mới hay nghiên cứu của mình thuyết phục các đơn vị để áp dụng vào cuộc sống?

Tài năng bận kiếm sống: Tiếc nuối vì những dự định bất thành - 3

Những sáng tạo của những nhân tài hầu hết lại được đóng góp trong lĩnh vực tư nhân

Chẳng hạn, tôi đã từng làm việc ở FPT và thấy đây là môi trường luôn tạo cơ hội cho những người tài thể hiện và phát huy hết chất xám của họ. FPT luôn muốn có những cái mới để phát triển, do vậy những sáng tạo là được khuyến khích và coi trọng.

Còn ở những đơn vị Nhà nước thì các nhân tài rất khó phát triển. Cái khó ở đây là chúng ta đầu tư không đúng chỗ, dàn trải gây nên sự lãng phí. Chẳng hạn, chúng ta nên đầu tư cho khoa học phát triển, đầu tư vào con người thì chúng ta lại đổ rất nhiều tiền vào xây dựng cơ bản. Cái hạ tầng cơ sở này cũng quan trọng nhưng cái thượng tầng kiến trúc mới là cái cốt lõi để cho sự phát triển bền vững, hiệu quả và có hệ thống.

Vấn đề không phải là chúng ta nghèo không nghiên cứu được là do không xây dựng được khoa học cơ bản khi người giỏi tuy được đánh giá cao nhưng lại không được trả công xứng đáng. Nhiều khi người ta đánh giá nhau qua điều kiện vật chất, những người có điều kiện lại được cất nhắc lên những vị trí này, vị trí kia khiến cái quan niệm khoa học nó không được chuyên môn.

Hay trong quá trình dạy học tràn lan hiện nay, các trung tâm đào tạo mọc lên như nấm khiến cho tình trạng nhân viên phòng đào tạo giàu hơn cả giáo sư, điều này làm cho giới học giả chua chát nhất chứ không phải là họ sợ khổ.

Quản lý xã hội thiếu công bằng nảy sinh rất nhiều những trái ngang, khiến nó hút hết những ý tưởng, ước mơ đẹp của những cái đầu có nhiều hoài bão, có tố chất.

Những tài năng toán học hay trong các lĩnh vực khác khi chọn con đường về nước họ vẫn có những thành công nhất định, nhưng nếu ở lại nước ngoài thì họ sẽ thành công hơn nói riêng về mặt nghiên cứu và theo đuổi sự nghiệp khoa học.

Còn các thành viên về nước dù không có những công trình nổi trội cũng là điều đáng tiếc nhưng họ vẫn tìm được chỗ đứng cho mình, một phần tham gia vào thương trường, còn lại phần nhiều là tham gia vào công tác giảng dạy.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn này!

TS. Trần Nam Dũng - từng là học sinh chuyên toán trường Trung học Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng; Đạt huy chương bạc Olympic toán quốc tế (International Mathematical Olympiad: IMO) năm 1982 tại Paris, thủ đô nước Pháp.

Sau đó Trần Nam Dũng sang Nga làm sinh viên và nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Matxkva mang tên Lomonosov.

Khi về nước, thầy đã giảng dạy tại khoa Toán trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM và trường Phổ thông năng khiếu.

TS. Trần Nam Dũng đã góp công biên soạn bộ sách Tài liệu giáo khoa chuyên toán 10 gồm 4 quyển (NXB Giáo Dục Việt Nam, 2009).

Hiện TS. Trần Nam Dũng đang là Phó Hiệu trưởng trường quốc tế Châu Á- Thái Bình Dương, TP.HCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Lan (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN