Sinh viên tìm việc làm: Khó vượt rào cản

Không mặn mà với việc tuyển nhân sự mới để tiết giảm chi tiêu, nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu các sinh viên mới tốt nghiệp thực sự muốn tìm kiếm việc làm thì phải tăng cường nhiều kỹ năng thực hành, đồng thời không nên đòi hỏi mức lương cao khi bản thân chưa thể hiện được năng lực thực tế.

Mâu thuẫn bởi mức lương

Tìm đến với địa chỉ của VietnamWorks, đơn vị có dịch vụ cung ứng nhân lực chất lượng cao khá uy tín hiện nay, ông Nguyễn Tiến Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đức Anh cho biết, hồ sơ đơn vị này cung cấp khá nhiều nhưng công tác tuyển dụng lại không khả thi.

“Doanh nghiệp và người lao động không gặp được nhau bởi độ vênh giữa yêu cầu của người lao động với khả năng đáp ứng của phía tuyển dụng. Hồ sơ của các ứng viên ở đây đều rất mạnh, sơ yếu lý lịch toàn bằng tiếng Anh với các loại bằng cấp, chứng chỉ nhưng kèm theo đấy là đòi hỏi không kém phần “mạnh dạn” về vị trí làm việc.

Sinh viên tìm việc làm: Khó vượt rào cản - 1

Nhiều doanh nghiệp đòi hỏi ở sinh viên tốt nghiệp các kỹ năng xử lý công việc

Nhìn mức lương nhẹ cũng chục triệu và có đề xuất lên đến tiền nghìn USD do các ứng viên này đặt ra thì chúng tôi thấy không khả thi với đơn vị mình. Hơn nữa, kinh nghiệm rút ra từ các đơn vị bạn cho thấy, với những ứng viên như vậy thường không yêu thích công việc ổn định, luôn muốn vươn tới các doanh nghiệp khác có thu nhập hay vị trí cao hơn” - ông Minh cho biết.

Ngoài đòi hỏi quá cao về thu nhập thì chất lượng tấm bằng cử nhân của các các ứng viên cũng khiến các doanh nghiệp thất vọng. “Vào các tháng sinh viên tốt nghiệp, công ty chúng tôi nhận được cả trăm hồ sơ xin tuyển dụng.

Tuy nhiên, số nhân viên chính thức được tuyển cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi qua vòng phỏng vấn chuyên môn, rất nhiều bạn đã bị loại” - chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng, ông Nguyễn Thế Đức, Công ty Thương mại Sao Việt cho biết: “Cử nhân ngành kế toán nhưng sử dụng Excel còn chưa thạo. Đưa ra bài tập liên quan đến chuyên ngành thì làm sai hết chứ đừng nói là hỏi đến kinh nghiệm thực tế”.

Ngay cả với tấm bằng cử nhân ĐH Ngoại thương, đơn vị đào tạo uy tín nhất hiện nay trong lĩnh vực kinh tế cũng vẫn khiến nhiều doanh nghiệp thất vọng khi không ít sinh viên tốt nghiệp trường này quá tự tin vào tấm bằng mà không thể hiện được khả năng đáp ứng công việc thực tế.

Ngược lại, về phía sinh viên, nhiều bạn cũng tỏ ra thất vọng không ít khi mức lương do các doanh nghiệp đề xuất trong thời gian thử việc chỉ bằng lương lao động phổ thông. “Bao nhiêu công bố mẹ bỏ tiền cho mình ăn học, giờ đi làm có lương vẫn phải xin trợ cấp của gia đình thì cũng không thể yên tâm với công việc” - Đặng Văn Hợp, sinh viên ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết.

Khó thích ứng vì thiếu kỹ năng mềm

“Đã có rất nhiều khảo sát, nghiên cứu về mối liên hệ giữa đào tạo sinh viên với nhu cầu công việc thực tế cho thấy rất nhiều nguyên nhân khiến sinh viên tốt nghiệp bị doanh nghiệp từ chối. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm làm việc trực tiếp với sinh viên nhiều năm, tôi thấy vấn đề ở đây là nhiều bạn rất thiếu tự tin. Sự thiếu tự tin một phần là ở cá tính, môi trường.

Điều này có thể khắc phục được. Nhưng còn một nguyên nhân lớn hơn, xuất phát ngay từ việc lựa chọn ngành nghề vào trường. Nhiều bạn không tự lượng sức, trình độ chưa tương thích với đào tạo ĐH, chỉ phù hợp với CĐ hay đào tạo nghề nhưng vẫn cố với.

Kết quả là dù tốt nghiệp nhưng kiến thức hổng nhiều. Hay như với công việc tương lai, các bạn khi quyết định vào trường chỉ dựa trên ý thích hay lời khuyên của cha mẹ mà không hình dung cụ thể công việc thực tế là gì, đòi hỏi gì ở bản thân để tự điều chỉnh cách học của mình. Kết quả là dù có tấm bằng ĐH nhưng các bạn vẫn rất thiếu tự tin để có thể đối mặt với trách nhiệm công việc thực tế” - ông Nguyễn Việt Hùng, phụ trách hoạt động nội trú sinh viên ĐHQG Hà Nội cho biết.

Ông Phạm Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên ĐHQG Hà Nội cho biết, trường đã triển khai tín chỉ bắt buộc về kỹ năng mềm với toàn bộ sinh viên các đơn vị thành viên ĐHQG Hà Nội. “Có tới 19 loại kỹ năng mềm mà theo các nhà tuyển dụng là cần thiết nhất đối với người lao động được nhà trường đưa vào giáo trình cho sinh viên.

Theo đó, bắt buộc sinh viên phải lựa chọn 5 kỹ năng phù hợp với nhu cầu bản thân để đảm bảo học đủ 3 tín chỉ. Chỉ khi có chứng chỉ về các khóa đào tạo này thì sinh viên ĐHQG Hà Nội mới được cấp bằng tốt nghiệp” - ông Phạm Trung Kiên cho biết. Trong số 19 kỹ năng mềm này thì theo ông Kiên, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc theo nhóm... được nhiều sinh viên lựa chọn nhất.

Thêm một lời khuyên từ chuyên gia tư vấn việc làm đối với các bạn sinh viên tốt nghiệp là tích cực tích lũy kinh nghiệm thực tế ngay từ các hoạt động xã hội trong quá trình đào tạo ở trường. Các hoạt động đoàn hội, câu lạc bộ hay hoạt động tình nguyện... sẽ đem đến cho sinh viên môi trường giao tiếp mở rộng, quan hệ với nhiều đối tượng, giúp sinh viên thoát khỏi sự đóng khung lý thuyết trên lớp học. Ngoài ra, nhận công việc làm thêm khi đi học cũng là cách để sinh viên cọ xát với thực tế để lấy kinh nghiệm cho công việc chính thức sau này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duy Anh (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN