Doanh nghiệp - cử nhân khó đến với nhau

Trong khi một doanh nghiệp phải bỏ ra vài chục triệu đồng để tuyển nhân sự thì nhiều sinh viên ra trường vẫn phải kiếm tiền bằng những công việc tạm bợ vì không được các nhà tuyển dụng lựa chọn. Khủng hoảng kinh tế lại càng khiến hai phía khó gặp nhau.

Cử nhân ngồi nhà chơi game

Mùa ra trường của sinh viên các trường ĐH, CĐ từ tháng 5, tháng 6 và thời điểm này là cao trào của hệ thống tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tốt nghiệp từ khóa trước vẫn đang “xả hơi” ở nhà với thú vui chính là game online hay cố kiếm thêm ít thu nhập từ công việc của thời sinh viên như gia sư hay bán hàng... Trần Hoàng Nam, sinh viên mới tốt nghiệp ngành Kế toán, ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, hồ sơ xin việc đã được Nam nộp cho hàng loạt các công ty, đang chờ họ hẹn phỏng vấn.

“Đêm mải chơi game, xem phim nên hầu như cả buổi sáng chỉ để ngủ bù, ăn trưa xong lại ngủ trưa, chiều tối tụ tập bạn bè. Ngày nào cũng vậy nên không chỉ bố mẹ mà cả bản thân mình cũng bắt đầu cảm thấy sốt ruột khi chưa biết đến bao giờ mới kiếm được công việc ổn định chứ chưa nói gì đến đúng ngành, đúng nghề”.

Doanh nghiệp - cử nhân khó đến với nhau - 1

Sau 4 năm học tập vất vả, sinh viên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về việc làm

Nguyễn Mai Hiên, sinh viên tốt nghiệp ĐH Sư phạm II từ năm 2011 cũng đang loanh quanh ở Hà Nội chờ cơ hội xin việc làm tạm thay vì đến các trường học xin giảng dạy. “Chị em tốt nghiệp ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, khoa Văn, có chứng chỉ sư phạm, đi dạy đã 5 năm nay nhưng vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng, 3 tháng ký một lần.

Công việc đang bấp bênh thì trường thông báo nếu không thi đỗ viên chức thì hợp đồng cũng không ký được nữa vì nhà trường đã đủ chỉ tiêu giáo viên. Thấy vậy em cũng nản, không biết đến khi nào mới xin được một suất dạy học” - Hiên tâm sự. Hiện cô đang nhận làm nhân viên bán hàng ở quán cà phê của người họ hàng, lương tháng hơn 2 triệu đồng và ở trọ cùng các nhân viên nhà hàng này.

May mắn hơn Hiên, Nguyễn Mai Lan, sinh viên tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội vẫn nắm được mối làm gia sư nhờ Trung tâm Hỗ trợ sinh viên của trường từ khi cô là sinh viên năm thứ 3. “Bây giờ công việc chính của em chỉ là đi làm gia sư, công việc có được từ năm thứ nhất. Chỉ khác thời sinh viên ở chỗ thời gian lúc này rảnh rỗi hơn nhiều, không phải lên lớp, không phải ôn thi. Ngoài việc nhận dịch thêm thì công việc quan tâm nhất của em lúc này là tìm kiếm thông tin tuyển dụng trên mạng hay tại các trung tâm giới thiệu việc làm”.

Hiệu quả không bao nhiêu

Trong khi đang vào cao điểm mùa tuyển dụng với hàng chục nghìn cử nhân các trường ĐH, CĐ vừa mới tốt nghiệp đang tìm kiếm việc làm thì không ít doanh nghiệp vẫn thở ngắn than dài bởi khó tuyển nhân sự. Ông Phan Tiến Minh, Công ty TNHH Đồng Tâm cho biết, có đến cả năm nay công ty này cần tuyển nhân viên kinh doanh mà không được.

“Vẫn biết là đang ở thời điểm tốt để tuyển dụng, công ty đã tích cực phối hợp với sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội nhiều tháng nay đăng ký tuyển nhân sự mà vẫn chưa có hồi âm. Tôi cũng không hiểu vì sao sinh viên vào ngành kinh tế nhiều như thế mà cơ hội vào làm trực tiếp môi trường kinh doanh như ở công ty tôi lại không được quan tâm. Có lẽ là các cử nhân ĐH chỉ quan tâm tới các công ty lớn hay các công việc liên quan đến tài chính, ngân hàng... chứ nhân viên kinh doanh thì sẽ rất vất vả, di chuyển nhiều, lại lo khoán doanh số, lương không cao như mong muốn...” - ông Minh cho biết.

Tìm đủ mọi hướng tiếp cận nguồn tuyển, ông Bùi Quốc Huy, Công ty TNHH Set cho biết, các đầu mối như sàn giao dịch việc làm các tỉnh, các trung tâm giới thiệu việc làm địa phương, thậm chí đến tận trường ĐH, CĐ đào tạo sinh viên liên quan đến ngành nghề của mình mà vẫn không ăn thua. Thừa nhận việc giới thiệu việc làm cho sinh viên với các doanh nghiệp chưa mấy hiệu quả, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên ĐHQG Hà Nội cho biết hiện các trường đều gặp chung một khó khăn.

“Công tác tư vấn hỗ trợ việc làm cho sinh viên cần một bộ phận chuyên trách, tuy nhiên hiện nay công việc này chủ yếu là kiêm nhiệm. Cũng vì thiếu bộ phân chuyên trách nên việc tìm hiểu, liên kết với các doanh nghiệp đối với đơn vị trường học gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, sinh viên mới ra trường thì việc liên lạc lại cũng không dễ dàng. Các em thường về quê hoặc đi tìm công việc làm tạm thời nên khi có đặt hàng của doanh nghiệp, nhà trường muốn huy động lượng lớn sinh viên đã tốt nghiệp để giới thiệu công việc cũng không được nhiều”.

“Giải pháp hiện tại của nhiều doanh nghiệp là đăng báo tuyển dụng. Tuy nhiên, có thời điểm tiền đăng quảng cáo tuyển dụng trên các báo lên đến vài chục triệu đồng mà chỉ tuyển được một vị trí quản lý mạng thì phải thấy là chi phí tuyển dụng quá cao, hiệu quả lại không nhiều” - ông Huy cho biết - “Vì vậy, tốt nhất là cứ sử dụng nhân viên hiện có, động viên mỗi người kiêm nhiệm thêm một chút, còn hơn là phải chia sẻ lương thưởng cho nhân sự mới với chi phí đào tạo, tuyển dụng không nhỏ”.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Anh (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN