Sinh viên cầm đồ để... nhậu tất niên

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Trước khi rời Thủ đô về quê ăn Tết, các sinh viên chia tay bạn bè, chiến hữu bằng trận nhậu tất niên “tới bến”. Trên bàn nhậu, những chuyện bi hài dở khóc, dở cười của những người trẻ cùng với văn hóa rượu bia đáng lo ngại.

Sinh viên cầm đồ để... nhậu tất niên - 1

Nhóm của Đức Cường (SN 1996, quê Hà Tĩnh) nhậu tất niên trước khi về quê. Ảnh: Bình Minh.

Gán điện thoại thanh toán tiền nhậu

Giáp Tết, các quán nhậu vỉa hè, bình dân gần các điểm trường đại học, KTX sinh viên, khu cho thuê trọ luôn chật kín người. Ở những quán nhậu cạnh KTX Mễ Trì, KTX Mỹ Đình, KTX ĐH Thủy Lợi... thậm chí phải đặt trước chỗ mới có bàn.

Trong quán vịt ở đường Vũ Hữu (Thanh Xuân, Hà Nội) tiếng “dzô dzô” vang cả một vùng. Vũ Huy Hoàng (SN 1998, ở Thanh Hoá), sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên cùng 7 người bạn ở KTX nhậu tất niên cuối năm. “Cuối năm nhậu triền miên quá. Nào là liên hoan bạn cùng lớp, đồng hương, hội chơi game, hội cùng phòng… toàn anh em quý nhau nên không chối được”, Hoàng chia sẻ.

Hoàng cho biết, toàn bộ số tiền gần 2 triệu đồng có được do làm thêm gia sư và “tiền lương” nhà gửi đã “nướng” hết vào các cuộc nhậu. Hoàng làm phép tính đơn giản để thấy sự tốn kém của nhậu tất niên: Nhậu vỉa hè, rượu ốc, nem khoai, sơ sơ cũng tốn trên dưới 100 ngàn đồng/người. Sang, làm nồi lẩu gà, vịt liên hoan chia tay phải mất ít nhất 200 ngàn đồng/người. Mà con trai phải ga lăng, khi con gái đi đông không thể để con gái đóng tiền. Chưa kể, nếu nhậu tới bến còn phải đi ca 2 karaoke nữa.

Ngồi chung bàn với Hoàng, Tiến Minh (SN 1997, ở Lạng Sơn), sinh viên năm 2 Đại học KHXH&NV chen lời: “Sinh viên nghèo tiền nhưng được cái tình cảm, chơi với anh em là tới bến luôn”.  Minh và nhiều thành viên khác ở KTX vì tất niên cuối năm, “lương” nhà gửi 2 triệu đồng không đủ nên tiêu thâm hụt luôn cả tiền vé xe về quê. Để có tiền tất niên tiếp đến cuối tuần và đặt vé xe, những chiếc laptop được nhóm bạn “gửi tạm” ở hiệu cầm đồ trước khi về quê. “Kể ra mang máy tính về quê cũng lềnh kềnh. Để trong phòng sợ trộm, gửi quán cầm đồ lại an toàn”, Minh khề khà nói.

Anh Võ Tuấn, chủ một hiệu cầm đồ trên đường Láng cho biết: Cuối năm sinh viên ồ ạt đến cầm điện thoại, laptop. Nhưng đa phần, vì đang đi học nên họ chỉ cầm số tiền 1 - 2 triệu đồng. Cuối năm sinh viên cầm cố mấy đồ giá trị quán cũng không muốn nhận. Nhưng vì nhiều khi khách quen, hoặc nhiều cô cậu cần tiền tất niên, vé xe nên quán vẫn tạo điều kiện cho cầm cố”, anh Tuấn nói.

Tại phố lẩu Thượng Đình, các quán lẩu bình dân đông nghịt sinh viên. Ở tầng 2 một quán lẩu nướng sinh viên, Đức Anh (SN 1996, quê ở Hòa Bình), sinh viên năm 3 ĐH Thủy Lợi đang ngồi nhậu tất niên cùng 4 bạn nữ. Nhóm bạn trẻ có dấu hiệu say xỉn mặt đỏ, “rượu vào nói lè nhè. Anh cho biết, cậu đang tán một cô gái trong nhóm bạn ngồi cùng. Vì 4 cô bạn ở chung nên khi mời tất niên cậu mời luôn cả phòng. Tình huống bất ngờ, ngoài dự trù kinh phí nên khi thanh toán tiền, Anh thiếu 400 nghìn. Sợ mất điểm với nhóm bạn gái, cậu gán điện thoại ở quán lẩu hẹn hôm sau đến chuộc lại…

Sinh viên cầm đồ để... nhậu tất niên - 2

Nhậu “nói không với điện thoại”. Ảnh: Bình Minh.

“Lẩu” điện thoại…

Để cuộc nhậu “vui vẻ” trọn vẹn, những cô, cậu sinh viên còn đặt ra những luật riêng cho nhóm nhậu mình. Đức Cường (SN 1996, quê Hà Tĩnh) đang cùng các chiến hữu đồng hương nhậu tất niên trước khi về quê. Nhóm này có nguyên tắc chung là khi nhậu không được sử dụng điện thoại. Toàn bộ điện thoại của các thành viên được gom lại chung trong một cái rổ trên bàn. Họ uống rượu với nguyên tắc: Chuông điện thoại ai đổ 1 chén, nghe máy 3 chén, đọc tin nhắn 1 chén, trả lời tin nhắn 3 chén, bất kể nam hay nữ. “Nhóm đặt nguyên tắc này bởi nhiều bạn khi ngồi với nhau cứ sống ảo, cầm điện thoại suốt. Nhưng vì nguyên tắc này, nhiều thành viên đã say sập luôn tại quán. Nhưng ai cũng thích thú vì đã đi nhậu với anh em là phải đàng hoàng”, Cường cười nói.

“Tất niên mấy ngày trước, say rượu mạnh dạn nhắn tin tỏ tình với bạn gái. Để nhắn 4 tin nhắn mình phải uống liền 12 chén rượu táo mèo. Sau đó, mình say và bị sốc, phải ôm bồn cầu nôn cả đêm. Nhưng may là sau đó lại có người yêu”. 

 Văn Hùng, sinh viên năm 3

Nói về nguyên tắc này, Văn Hùng (sinh viên năm 3, trường ĐH Lao động Xã hội), thành viên trong nhóm Cường cho biết, từng là nạn nhân của trò chơi này. “Tất niên mấy ngày trước, say rượu mạnh dạn nhắn tin tỏ tình với bạn gái. Để nhắn 4 tin nhắn mình phải uống liền 12 chén rượu táo mèo. Sau đó, mình say và bị sốc, phải ôm bồn cầu nôn cả đêm. Nhưng may là sau đó lại có người yêu”, Hùng nói.

Cũng vì những nguyên tắc lạ khi nhậu, nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”. Hoàng Linh (SN 1998, ở Hà Nội), sinh viên Học viện Ngân hàng cùng nhóm bạn của mình vì say rượu đã thả 9 máy điện thoại smatphone vào nồi lẩu. “Nhậu tất niên say đồng đều. Không hiểu lúc đó bọn mình nghĩ gì mà thách nhau thả điện thoại vào lẩu mà ai cũng đồng ý. Sau đó, 8 điện thoại bị hỏng, chỉ có 1 máy nước không vào còn dùng được. Hôm sau tỉnh rượu, ai cũng tiếc đứt ruột. Đúng là nồi lẩu đắt nhất mình từng ăn”, Linh nói sau tiếng thở dài.

Một bác sỹ công tác ở Bệnh viện 108 cho biết, uống rượu bia gây ra hàng loạt tác hại về mặt tâm thần. Việc uống rượu liên tục có thể ngộ độc rượu, sảng rượu, co giật do say rượu, rối loạn ý thức, rối loạn nhận thức, xuất hiện ảo giác… Việc dựa vào dịp tết, lễ để ăn nhậu mất kiểm soát sẽ gây ra rối loạn trí nhớ và các triệu chứng như mất ngôn ngữ, mất nhận thức, khiếm khuyết chức năng thi hành. Nghiêm trọng hơn, người nghiện rượu bị biến đổi nhân cách, mất khả năng tự vấn. “Rượu chủ yếu hấp thu 90% ở ruột non, chỉ khoảng 10% ở dạ dày và đào thải 90% theo đường oxy hóa qua gan, chỉ 10% qua thận, phổi nên người lạm dụng bia rượu sẽ gặp rất nhiều bệnh lý về gan như xơ gan, ung thư gan”, vị bác sỹ này nói. 

Nghỉ Tết, có nên “lì xì” bài tập về nhà cho học sinh?

Có nhiều ý kiến trái chiều về việc có hay không giao bài tập về nhà cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lộc Hà (Tiền Phong)
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN