Sau lũ, cô trò ôm nhau khóc
Sau lũ, giáo viên không biết lấy gì, không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào để dạy học trước những đống bùn đặc quánh phủ trên sách vở, đồ dùng học tập...
Học sinh không biết lấy gì để học và chỗ nào để chơi. Đó là tâm sự của nhiều giáo viên và học sinh ở Hà Tĩnh và Quảng Bình sau những cơn lũ kinh hoàng (hậu quả từ 2 cơn bão số 10 và số 11) vừa qua.
Sách vở trôi theo bùn đất
Qua nhiều đoạn nước lũ vẫn còn chia cắt, PV Báo GĐ&XH đã đến được huyện Hương Sơn, một trong những nơi ngập lụt nặng nề nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Trước mắt chúng tôi là những ngôi trường ngập sâu trong bùn đất, có trường bùn ngập đến nửa mét. Đồ chơi, đồ dùng dạy học, bàn ghế… đều ngập chìm trong bùn lầy và nước lũ. Các trường học đều huy động giáo viên, thậm chí cả phụ huynh học sinh nhặt nhạnh từng mẩu đồ dùng dạy học, rồi rửa sạch với hy vọng còn có thể sử dụng tiếp trong những ngày tới.
Giáo viên Trường mầm non Sơn Trung kiểm tra lại sách vở xem còn
sử dụng được không. Ảnh: Hoài Nam
Tại xã Sơn Trung (huyện Hương Sơn), cơn lũ đã cuốn 13 ngôi nhà đổ sập hoàn toàn. Ông Trần Song Hào - Chủ tịch UBND xã cho biết, Sơn Trung là một xã nghèo, 80% dân số làm nông nghiệp. Xã bị ngập 1.307 hộ dân, 13 ngôi nhà bị sập, 83.000 gia súc gia cầm bị chết, 162 ha ngô thu đông bị ngập nước, 573m bờ rào bị đổ. Xã có một trường THCS liên xã, một trường mầm non chia làm hai cụm và một trường tiểu học. Tất cả các trường đều bị ngập sâu, đồ dùng học tập, sách vở của giáo viên và học sinh đều bị hư hỏng nặng không thể hồi phục. Do lũ kéo về nhanh và ngập sâu nên không thể di chuyển các thiết bị dạy học lên chỗ cao.
Cô Văn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Trung cho biết, ngày 16/10 mưa to nên chỉ có 30 cháu đi học trên tổng số 140 cháu. Đến trưa 16/10, nước lũ về, các giáo viên phải dồn 30 cháu lại một phòng giao cho vài người trông, còn lại cả trường dọn đồ đề phòng lũ. Mưa mỗi lúc một to, các cô phải gọi bố mẹ đến trường đón các cháu về nên không có những tổn thất về người. “Mặc dù tất cả chúng tôi đã sắp xếp đồ đạc gác lên nơi cao nhất có thể nhưng lũ về nhanh quá, nước lại ngập sâu nên nhấn chìm tất cả thiết bị dạy học, đồ chơi, đồ dùng học tập của các cháu”, cô Hương cho biết.
Sau lũ, trước đống bùn đất vùi lấp trường lớp, nhiều giáo viên đã gạt nước mắt bắt tay lau chùi xem còn thứ gì sử dụng được hay không. Tuy nhiên cũng chỉ có một số bàn ghế và đồ gỗ, nhựa còn tận dụng được, còn lại các dụng cụ học tập khác đều không thể cứu nổi. Cô Hương ngậm ngùi: “Các cháu ở Hương Sơn đều là con nông dân, nhà cũng bị ngập, đến cái ăn cái mặc còn chật vật, giờ lấy tiền đâu mà đóng để mua đồ dùng học tập cho con?”.
Sách vở, dụng cụ học tập ở Trường mầm non Sơn Trung bị ướt nhoẹt sau lũ
Trò có nguy cơ bỏ học, cô màn trời chiếu đất
Tại Quảng Bình, nhiều trường cũng rơi vào tình trạng ngập lụt tương tự. Theo thống kê ban đầu của Phòng Giáo dục huyện Tuyên Hóa, có hơn 200 phòng học bị ngập và cuốn trôi hoàn toàn. Tại xã Cao Quảng, một trong những xã rẻo cao, nghèo nhất và bị thiệt hại nặng nhất của huyện Tuyên Hóa, đến ngày 19/10, về cơ bản là học sinh đã trở lại trường. Tuy nhiên, một số lớp bị tốc mái, nhà trường tạm cho học sinh dồn sang những lớp còn nguyên vẹn để chờ khắc phục. Cô Trương Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Quảng cho biết, nhiều học sinh ở đây gia cảnh vốn đã khó khăn, sau lũ đã bị cuốn trôi toàn bộ nhà cửa nên rất có nguy cơ bỏ học.
Cô Tuyết kể một số ví dụ như em Nguyễn Thị Mỹ Nga (học sinh lớp 3A), bố mất sớm trong một lần đi rừng, mẹ em một mình làm nông, làm thuê nuôi 3 con nhỏ. Thường ngày, giáo viên thỉnh thoảng phải đến nhà đón Nga đi học vì cứ hễ thiếu đói là em lại ở nhà. Đợt bão số 10, nhà em bị sập chưa dựng lại được. Đến cơn bão số 11, nhà lại bị lũ cuốn nốt những vật dụng còn sót lại nên giờ cả nhà Nga đang phải ở nhờ nhà người quen. Cái ăn cái mặc hàng ngày còn không có nên để tiếp tục theo học với em là rất khó.
Cũng có nguy cơ bỏ học sau lũ là trường hợp em Trương Công Tuyển (học sinh lớp 4A). Gia đình Tuyển có 4 anh em, bố mẹ làm nông, làm cỏ thuê… Anh em Tuyển hàng ngày phải lượm ve chai kiếm sống. Nhiều lần khổ quá, Tuyển đã tính bỏ học nhưng nhờ giáo viên động viên, cho ăn cơm nhờ, em lại tiếp tục đến lớp. Đợt lũ vừa qua, nhà Tuyển bị sập hoàn toàn khiến việc học của em trở thành gánh nặng cho bố mẹ.
Ngoài ra, theo cô Tuyết, có nhiều giáo viên trên địa bàn cũng đang trong cảnh màn trời chiếu đất. Trong số 10 giáo viên của trường tiểu học ở Cao Quảng có 5 giáo viên bị sập nhà. Cô Trương Thị Kim Anh, giáo viên dạy hợp đồng của nhà trường đang phải ở nhờ nhà họ hàng. Cô Trần Thị Hòa, giáo viên dạy Sử - Địa bị cơn bão số 10 làm sập nhà. Vợ chồng cô vừa mới dựng tạm được chỗ ở thì lại bị trận lũ kế tiếp cuốn trôi toàn bộ tài sản. Hiện, gia đình cô đang phải ở nhờ nhà ông bà nội vì chưa có kinh phí dựng lại nhà lần nữa…
Cơn lũ đi qua đã khiến các trường học tại Hà Tĩnh và Quảng Bình bị thiệt hại khá nặng nề. Lúc này, hầu hết cán bộ, giáo viên các trường đang ra sức khắc phục hậu quả để đón học sinh tới trường, ổn định việc dạy học.