Phụ huynh tá hỏa vì con hổng kiến thức
Chỉ sau một tuần học sinh Hà Nội tựu trường, nhiều bậc phụ huynh tá hỏa khi nhận được những bài kiểm tra điểm kém của con kèm theo lời nhận xét không mấy vui từ các cô giáo.
Câu chuyện ở các văn phòng những ngày này xoay quanh chuyện làm thế nào để vực lại kiến thức cho con sau mấy tháng hè. Rất nhiều kinh nghiệm quý báu được truyền thụ qua bữa ăn trưa hay những lúc giải lao.
Chị B.N, nhân viên một công ty dược phẩm nước ngoài có chi nhành tại Hà Nội, có con học lớp 5 ở một trường tiểu học công lập khu Trung Yên cho biết, một loạt các bài kiểm tra và phiếu toán ở lớp của con gái chị chỉ được điểm trung bình khiến hai vợ chồng vô cùng lo lắng. Điện thoại hỏi cô giáo chủ nhiệm, cô giáo cho biết, các dạng toán cháu vẫn nắm vững nhưng kỹ năng tính toán của cháu chậm và sai rất nhiều.
Trong khi đó, gia đình anh T.A ở Khu tập thể Trung tự, có cậu con trai đang học lớp 4 trường tiểu học Kim Liên thì lại chật vật giúp con làm toán đố. Tính vốn nóng nảy, anh T. A cho biết, giảng đi giảng lại, cho ví dụ rồi mà đến hôm sau gặp một bài toán cũng dạng đó nhưng câu văn hơi khác là cu cậu lại chào cờ. Nhiều lúc bực quá và đã khuya rồi anh đành phải dùng phương pháp làm bài hộ con rồi cho cháu đi ngủ.
Sau khi tìm hiểu từ chính cô giáo dạy con, cùng với nhớ lại cách học toán của mình thời đi học, chị B.N đã tìm ra một kinh nghiệm giúp con tính toán nhanh mà không bị tính sai. Thay vì bắt con học thuộc lòng một cách máy móc bảng cửu chương và các công thức, chị B.N dạy con ôn và nhớ lại tính chất giao hoán của phép nhân số tự nhiên: a×b = b×a.
Với cách học này, cô con gái của chị không còn phải nhẩm lại cả bảng cửu chương mỗi lần bị bố mẹ hỏi bất chợt. Sau một thời gian rất ngắn làm quen với cách học này, con gái chị B.N thấy vừa dễ học, dễ nhớ lại chủ động học một cách sáng tạo. Bởi với cách học này, kể từ bảng nhân 2 trở đi, cứ sau mỗi bảng, số dòng ta cần học thuộc mới sẽ giảm dần đi.
Phụ huynh tá hỏa vì con còn non yếu về kiến thức
Còn anh T.A, ý thức được kiến thức Toán lớp 4 rất quan trọng với các cháu, hàng ngày anh dành thời gian rảnh ở cơ quan để lên mạng tìm hiểu các cách dạy con học toán đố sao cho hiệu quả. Theo anh T.A, có rất nhiều kinh nghiệm được các bậc phụ huynh truyền nhau trên mạng, nhưng có một cách anh thấy nhiều người áp dụng và có hiệu quả. Với 5 bước đơn giản, các dạng toán đố đã được con anh T.A giải thông thạo.
Anh T.A cho biết, với phương pháp 5 bước mà anh áp dụng cho con: Đọc thật kỹ đề bài; Hiểu rõ câu hỏi; Tìm các yếu tố liên quan đến câu hỏi; Từ đó tìm ra phép toán cần thiết (+, -, x , : ) để sử dụng; Làm toán và sau đó kiểm tra lại, việcc giải toán trở nên đơn giản.
Trước đây anh T.A bắt con học thuộc đầu bài toán đố mà không để ý rằng cháu thuộc theo dạng học vẹt chứ không hiểu đề bài. Còn với phương pháp mới, anh hướng dẫn con đọc thật chậm, thật kỹ đề bài, gần như nhớ được các số liệu đề bài cho nhưng không phải theo cách học thuộc lòng. Sau đó anh T.A kiểm tra con bằng việc hỏi các dữ kiện đề bài và hướng giải toán mà theo cháu là đúng.
Với phương pháp luận như trên, chỉ mất vài ngày anh T.A vẫn phải dành thời gian giải các bài toán cùng con theo từng bước như trên. Tuy nhiên, sau đó cháu có thể tự làm, giải các bài toán đố nhanh mà có kết quả đúng.
Không chỉ giúp con làm quen với nhiều dạng toán đó, phương pháp mà anh T.A áp dụng còn giúp anh nhận ra con mình đang hổng kiến thức phần nào. Khi phát hiện phần kiến thức cháu bị hổng, anh tìm sách giáo khoa và giảng lại cho con phần kiến thức hổng đó.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn học bài cùng con, anh T.A đã phát hiện ra vì, hiện nay trẻ con thường ít quan sát và ít được tiếp xúc với môi trường bên ngoài dẫn đến không nắm bắt các kiến thức thực tế nên khó hiểu khi đề bài đề cập đến các kiến thức xã hội.