Phụ huynh sợ khoản “tự nguyện” đầu năm
Một tháng sau ngày khai giảng, các phụ huynh học sinh được nhà trường mời đến họp triển khai “nhiệm vụ” năm học mới. Những khoản thu “tự nguyện” luôn làm bức xúc các bậc phu huynh.
Những khoản thu “tự nguyện” trên trời
Chị Nguyễn Thị Thanh năm nay có con vào lớp 1 tại trường Tiểu học N.D (huyện Từ Liêm, Hà Nội), đầu năm học chị đã phải nộp hơn 1,8 triệu đồng tiền học cho con. Nhưng chị Thanh cho biết đó chỉ là tiền “cứng”, còn khoản tiền “mềm” luôn khiến chị và nhiều phụ huynh khác bức xúc trong đó phải kể đến tiền quỹ lớp, quỹ trường, quỹ ủng hộ trường lên tới 700 nghìn đồng.
“Chúng tôi được Hội trưởng hội phụ huynh thông báo về các khoản tiền quỹ tự nguyện, nhưng sao lại quy định mức trần là 300 nghìn đồng quỹ lớp, 200 nghìn đồng quỹ trường, 200 nghìn đồng ủng hộ xây dựng trường. Chúng tôi phản ánh thì vị hội trưởng cho biết đã thống nhất với nhà trường rồi nên các phụ huynh thông cảm. Tôi thấy thật là hết sức vô lý”.
Vừa nói chị Thanh vừa mở cuốn sổ ghi chép chi tiêu cho con hàng tháng rồi phàn nàn: “Mặc dù tháng 9 mới khai giảng năm học mới, nhưng ngay từ tháng 7 chúng tôi đã phải đưa cháu đến trường. Tổng cộng 3 tháng nay, tôi đã phải nộp đến gần 5 triệu đồng tiền học chia làm 3 đợt cho cháu”. Tôi được biết, khác mọi năm, để phụ huynh đỡ kêu ca tiền học nhiều, trường bày ra "chiêu" thu từng đợt cho nhẹ hơn.
Chị Thu Hương ở đường Cầu Giấy, Hà Nội cũng chung tâm trạng khá bức xúc: "Không hiểu sao quỹ tự nguyện mỗi năm một tăng, năm ngoái 300 nghìn đồng quỹ lớp, năm nay 500 nghìn đồng. Lẽ ra thu tự nguyện theo chúng tôi hiểu là mình muốn nộp bao nhiêu là tùy mình, nhưng đằng này, chúng tôi rơi vào thế buộc phải theo.
Không chỉ những khoản thu tự nguyện, ngay cả những khoản thu bắt buộc cũng khiến nhiều phụ huynh băn khăn. Chị Phương có con học trường mần non ở Từ Liêm, Hà Nội phàn nàn: "Con tôi năm nào cũng phải nộp tiền mua máy chiếu, năm ngoái còn 3 tháng nữa là nghỉ hè mà chúng tôi vẫn phải nộp. Nhưng chúng tôi không biết nhà trường có dùng số tiền đó để mua máy chiếu hay không, vì con tôi đến khi học hết mầm non mà chưa được học máy chiếu buổi nào". Theo chị Phương, nhà trường còn thu thêm mỗi tháng 100 nghìn đồng tiền than củi và tiền nước phục vụ nấu ăn cho các cháu, mặc dù đã nộp tiền ăn.
Tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, có trường thu tiền môn tự chọn tin học dưới hình thức thu tiền... bảo dưỡng máy tính. Việc này sau đó đã được lãnh đạo Sở giáo dục Hà Nội nhắc nhở vì sai quy định. Bởi các môn tự chọn, kể cả tin học không được thu bất cứ khoản nào kể cả bảo dưỡng máy. Chỉ thu tiền với hình thức học nghề.
Những khoản thu của học sinh đầu năm đang khiến phụ huynh đau đầu (Hình minh họa)
Theo tìm hiểu của PV, tình trạng lạm thu không diễn ra ở tất cả các cấp học với sáng tạo khoản thu “tự nguyện” để móc túi cha mẹ học sinh. Năm nay tự nguyện mua điều hòa, sang năm mua máy chiếu... Rồi tự nguyện nộp quỹ lớp, quỹ trường, ủng hộ nhà trường xây dựng, tự nguyện nộp tiền điện thoại liên lạc... Thậm chí các trường còn hợp pháp hóa bằng cách để cho phụ huynh học sinh ký bản cam kết tự nguyện rồi nộp lại cho trường để chứng minh rằng phụ huynh “tự nguyện”.
Bức xúc nhưng không dám nói
Chị Nguyễn Thị Thanh tâm sự: "Không có gì bức xúc hơn khi việc mình không muốn vẫn phải làm, không đồng ý nhưng chẳng dám nói ra. Việc phải nộp 3 loại quỹ hết 700 nghìn, là điều nhiều phụ huynh bức xúc nhưng con mình học ở đấy, nói ra lỡ mất lòng cô giáo cháu sẽ thiệt thòi".
Chị Nguyệt ở Hoàng Mai, Hà Nội kể lại sau buổi họp phụ huynh: "Không khí buổi họp căng thẳng, mặc dù tất cả mọi khoản đóng góp đều được đồng ý. Nhưng sau buổi họp, các ý kiến xì xào, bức xúc mới được đưa đến hội trưởng phụ huynh học sinh. Có vị hội trưởng hội phụ huynh còn tuyên bố: Ông bà nào làm được thì làm đi, trên đe, dưới búa, từ nay tôi không làm nữa. Vậy là các bậc cha mẹ chỉ còn cách lặng lẽ ra về".
Chúng tôi tìm đến một vị hiệu trưởng trưởng tiểu học, nơi có nhiều phụ huynh phản ánh về mức độ lạm thu. Bà hiệu trường tỉnh bơ cho hay, bà không hề biết những khoản thu tự nguyện, trường chỉ thu những khoản do sở Giáo dục & Đào tạo quy định. Khoản thu “700.000 đồng/học sinh như phụ huyh phản ánh, ban giám hiệu nhà trường hoàn toàn không có chủ trương. Nếu có thì cũng chỉ ở ban phụ huynh từng lớp thống nhất với nhau, chứ hiện tại tôi vẫn chưa nhận được thông tin từ phía giáo viên, hay đại diện ban phụ huynh thông báo. Quan điểm của chúng tôi là không thu bất kỳ một loại phí nào khác ngoài danh mục Bộ giáo dục quy định”.
Liên quan đến khoản thu thêm 100 nghìn đồng/học sinh/tháng tiền mua than củi, nước..., bà hiệu trưởng này cho rằng số tiền thu thêm đó tất cả các trường đều thực hiện chứ không phải riêng gì trường của bà. Bởi theo vị hiểu trưởng này, số tiền trên sẽ dùng vào việc bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, quản lý, nhân viên phục công tác bán trú… Do đó, khoản tiền này đều hết sức minh bạch và đều do phụ huynh học sinh tự nguyện.
Trước khi năm học mới bắt đầu, Sở Giáo dục &Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các trường công khai, minh bạch tất cả các khoản thu, thu đúng, thu đủ, nếu trường nào cố tình thu các khoản không đúng quy định, sẽ xử lý. Tuy nhiên, tình trạng “lách” luật ngay lập tức đã diễn ra, tình trạng lạm thu vẫn không hề giảm mà có phần cao hơn ở các khoản “tự nguyện”. Theo PGS Văn Như Cương, thực tế cho thấy, từ trước đến nay, rất ít cơ sở giáo dục bị xử lý kỷ luật do lạm thu. Nhà trường gần như vô can, trách nhiệm được "chuyển" sang cho ban đại diện cha mẹ học sinh.
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP Hà Nội chiều 2/10 sau khi làm việc với Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội về thu chi học phí và các khoản thu chi khác năm học 2012 - 2013 nhận định: Sau khi kiểm tra 13 đơn vị, vẫn còn tình trạng thu không đúng quy định với nhiều khoản vô lý như thu ghế ngồi, thu tự chọn tin học, thu tiền phô tô đề thi, bảo dưỡng máy vi tính… Những khoản thu ấy dù nhỏ, nhưng gây bức xúc cho phụ huynh. Đoàn cũng yêu cầu trả lại học sinh những khoản thu sai, không đúng quy định, xử lý những trường hợp vi phạm. |