Nữ thủ khoa khiếm thị và những nốt nhạc buồn

Niềm hạnh phúc đỗ thủ khoa Học viện Âm nhạc Huế chưa kịp lắng, nỗi buồn về tương lai mong manh, không tiền ăn học lại ập đến với cô nữ sinh khiếm thị Võ Thị Oanh Kiều.

Thẩm âm bằng trái tim

Phòng học đàn bầu tại trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng), giờ nghỉ, một mình Võ Thị Oanh Kiều – tân thủ khoa Học viện Âm nhạc Huế vẫn miệt mài luyện tập. Kiều ngừng tay, mặt buồn buồn: “Đây là tất cả của em, nếu thiếu tiếng đàn, có lẽ em không sống nổi”.

Sáu tuổi, mang trên mình hành trang là đôi mắt đục mờ, ba mẹ Kiều xin cho em ra học ở trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, với hy vọng một ngày nào đó, có phép thần tiên cho đôi mắt em sáng lại. Đến lớp 5, Kiều bắt đầu làm quen với đàn bầu. “Đó là một lần em nghe tiếng đàn bầu bài Quê hương của một thầy giáo trong trường, em bị cuốn vào”.

Miệt mài rèn luyện đàn bầu, đến năm cuối cấp THPT, gia tài âm nhạc của em đã kha khá. Một Huy chương bạc “Tiếng hát từ trái tim” ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) năm 2011, cũng sau đó một tháng, chương trình diễn ra ở Quảng Nam, Kiều ẵm Huy chương vàng. Tháng 8 vừa rồi, em tiếp tục mang về cho trường giải Khuyến khích Cuộc thi âm nhạc dành cho người khuyết tật ở Hà Nội...

Nữ thủ khoa khiếm thị và những nốt nhạc buồn - 1

Võ Thị Oanh Kiều luyện đàn bầu ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Anh: N.C

Chừng đó là sự tự tin tiếp sức cho Kiều ở kỳ thi đại học vừa rồi ở Học viện Âm nhạc, em đạt 24 điểm, số điểm cao nhất với chuyên ngành đàn bầu. Kiều kể, lúc đầu em cũng run lắm, đi thi lấy giải có bạn bè, nhà trường ở bên động viên, còn cuộc thi này là bước ngoặt của đời em. Kiều là người được gọi tên đầu tiên, ngẫu nhiên chứ không theo thứ tự ABC. Là thí sinh khiếm thị, phần diễn chuyên ngành tiếng đàn bầu bài hát Quê hương của em làm giám khảo xúc động. Phần tiết tấu và thẩm âm, em cũng đạt được điểm cao. “Thẩm âm là sở trường của em mà, vì từ 5 tuổi đến nay em toàn “nhìn” bằng âm thanh”, Kiều tự tin.

Gập ghềnh tương lai

Khi nhận được thông báo, anh Võ Văn Mai tất tả dẫn con gái từ quê nghèo Bình Đào (Thăng Bình, Quảng Nam) ra Huế. Số tiền nộp làm anh choáng: hơn 4 triệu đồng học phí, tính cả các khoản là 7 triệu đồng. Với gia đình anh, đó là cả gia tài. Quay về!

Ngôi nhà vợ chồng anh Mai, chị Trần Thị Xuân chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy Dream cũ kỹ. Sau Kiều, anh chị còn phải vất vả nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn học. Tính nát nước, anh Mai đành liều lĩnh đi vay lãi, nộp tiền học cho con. “Cả nhà 8 miệng ăn trông chờ 4 sào ruộng, mùa màng thất bát. Đào đâu ra tiền?” – chị Xuân buồn bã.

Mượn được tiền gửi ra nhập học, cả ba mẹ Kiều đưa con ra Huế, ghé qua Đà Nẵng vào trường Nguyễn Đình Chiểu chào tạm biệt, nói lời tri ân với thầy cô. Chiếc xe Dream cũ kỹ chở thêm một bao gạo to đùng. Anh Mai tính toán: “Chừng này đủ cho em nó ăn 2 tháng, xoong nồi, bát đũa đưa từ quê ra hôm trước rồi. Phòng trọ cũng đã thuê, tìm mãi mới được cái gần trường, 500 ngàn đồng/một tháng. Lớn thật, nhưng đành chấp nhận. Thôi thì ráng đến đâu hay đến đó”. Kiều bị mù từ nhỏ, do di truyền, chẳng làm được việc gì nhiều, nhưng với nghị lực, em vẫn luôn cố gắng học giỏi để bố mẹ vui lòng. Mỗi kỳ nghỉ hè, Kiều vẫn cùng các em làm việc vặt, cuốc đất hái rau, chăm sóc lợn gà.

Tôi tiễn gia đình ba người ra bến xe Đà Nẵng đi Huế, bóng dáng ba người nhỏ thó, xiêu vẹo trong mưa. Đôi vợ chồng nhà nông khắc khổ, cố lấy áo mưa che bao gạo, đó là sự sống của cô con gái những tháng ngày xa nhà.

Kiều đã 19 tuổi, bé như cái kẹo, nhìn thế giới chỉ một màu, nhưng tâm hồn em long lanh với đời, bằng những nốt nhạc đàn bầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Cường (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN