Nhiều nơi thiếu phòng học, nợ lương giáo viên

Năm học mới đã chính thức bắt đầu, song ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thiếu trường lớp, giáo viên và kinh phí đầu tư cho giáo dục, thậm chí thiếu cả lương giáo viên.

Nhiều nơi thiếu phòng học, nợ lương giáo viên - 1

Một lớp học tạm bợ thuộc trường Tiểu học Đôn Xuân C, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Đại Dương

Thiếu phòng học và giáo viên

Trước thềm năm học mới, Sở GD- ĐT Cà Mau thống kê nhu cầu xây dựng mới 463 phòng học, sửa chữa 848 phòng học và mua sắm thiết bị của các trường học trong toàn tỉnh khoảng 233,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên tỉnh xác định chỉ đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất cho 848 phòng học tại 58/147 điểm trường để chuẩn bị bước vào năm học mới với tổng kinh phí 59 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay không ít trường vẫn chưa hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp trường lớp khiến việc dạy và học gặp không ít trở ngại.

Thầy Lê Minh Hoàng-Hiệu trưởng Trường THPT Cà Mau cho biết, đã sử dụng nguồn vốn được tỉnh cấp để sửa chữa 41 phòng học bị hư hỏng và xây dựng nhà để xe. Tuy nhiên, do việc sửa chữa còn dang dở nên 80 lớp sẽ phải học dồn kín cả sáng lẫn chiều, không còn phòng học để hoạt động chuyên môn, bồi dưỡng học sinh, phụ đạo học sinh.

Tại Tam Nông (Đồng Tháp), tình trạng thiếu phòng học và giáo viên cũng diễn ra tại huyện vùng sâu này. Bà Lê Thị Mộng Tuyền - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Nông cho biết, tính đến ngày 5/9, toàn huyện Tam Nông hiện có 17 trường mầm non với 162 giáo viên, thiếu 36 giáo viên và trên 10 phòng học so với nhu cầu. Do thiếu phòng học và giáo viên, học sinh các lớp ở bậc mầm non phải chịu quá tải. Bình quân mỗi lớp học ở bậc mầm non chỉ có 30 em thì tại huyện Tam Nông có nhiều lớp thu nhận từ 42 em đến trên 60 em…

Bà Tuyền cũng cho biết, Phòng GD-ĐT đang tiếp tục tham mưu với lãnh đạo huyện tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường, nhằm đáp ứng nhu cầu đối với bậc mầm non nói riêng và các cấp học khác nói chung. Phòng cũng đã kiến nghị tỉnh xem xét cho huyện được phép ký hợp đồng và cấp kinh phí hợp đồng cho giáo viên mầm non để tổ chức các lớp bán trú nhằm đạt chỉ tiêu giao; đồng thời giao thêm định biên giáo viên các cấp trong đó có giáo viên mầm non.

Tại Sóc Trăng, tỉnh đã đầu tư trên 220 tỷ đồng để chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học 2016 – 2017. Tuy nhiên, ngành GĐ-ĐT Sóc Trăng đánh giá, một trong những khó khăn nổi cộm trong năm học 2016-2017 là lộ trình hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi còn chậm bởi thiếu kinh phí đầu tư và thiếu tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định; tỷ lệ học sinh yếu, kém và bỏ học mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao so với khu vực và cả nước, số học sinh học 2 buổi/ngày có tăng nhưng còn ít.

Học sinh ít đến lớp, giáo viên bị nợ lương

 “Chúng tôi không để học sinh nào khó khăn mà không đến trường và cố gắng hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng”- Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), ông Lý Văn Tiến nói. Tuy nhiên, tỉnh này đang phải đối mặt với tỷ lệ học sinh bỏ lớp, nghỉ học giữa chừng. Chỉ tính riêng năm học 2015-2016, Cà Mau có gần 7.800 em học sinh bỏ học, chiếm 3,76%, cao hơn mức bỏ học bình quân của cả nước. Trong đó, tỷ lệ bỏ học khối THPT chiếm tới 6,65%.

Theo bà Lê Thị Mộng Tuyền, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến lớp ở địa bàn Tam Nông còn khá thấp. Năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT huyện Tam Nông huy động học sinh đến lớp mới đạt tỷ lệ 64,37% đến 98,9%. Riêng bậc học mầm non, đến nay các trường mới chỉ huy động được 226/2.305 em nhà trẻ trong độ tuổi, đạt 9,62 %; trẻ từ 3 - 5 tuổi huy động được 3.632/5.087 em đạt 71,17%. Riêng trẻ 5 tuổi huy động được 1.590/1.725 em, đạt 92,17 %... Bà Tuyền cũng cho biết, Phòng đã chỉ đạo các trường tích cực tham mưu với UBND các xã thị trấn để huy động các cháu đến lớp, đặc biệt là huy động ở bậc mầm non ra lớp đúng địa bàn sinh sống.

Sở Tài chính tỉnh Cà Mau cho biết, từ 2011- 2015, các huyện, thành phố trong tỉnh nợ lương và các chế độ chính sách đối với giáo viên trên 126 tỷ đồng, và tính đến thời điểm cuối tháng 6/2016, tổng số nợ tăng lên 200 tỷ đồng. Ông Trần Hùng Dũng-Phó phòng GD- ĐT Trần Văn Thời cho biết, hiện Phòng còn nợ khoảng 13 tỷ đồng của cán bộ giáo viên, nhưng chưa biết khi nào có nguồn để thanh toán. “Nợ lương, phụ cấp cán bộ giáo viên là do các chính sách mới ra đời, chưa dự trù kinh phí và áp lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia buộc một số cán bộ quản lý không chi đúng nguồn”-ông Dũng giải thích.

Mới đây tỉnh Cà Mau ứng cho các huyện, thành phố trực thuộc 53,5 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ lương, chế độ chính sách khác đối với giáo viên. Ông Trần Hồng Quân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố trực thuộc và ngành GD- ĐT xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng giáo viên.

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Sóc Trăng, mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trong năm học 2016-2017 đã được HĐND tỉnh thông qua sẽ tăng hơn so với năm trước. Cụ thể, với khu vực thành thị sẽ tăng từ 40.000 lên 60.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn tăng từ 20.000 lên 30.000 đồng/học sinh/tháng. Đây là mức tăng thấp nhất trong khung học phí theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ nhưng do ngay đầu năm phải đóng nhiều khoản thu khác nên nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng khi mức tăng này sẽ ảnh hưởng đến các gia đình còn khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiền Phong
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN