Người đưa đường ở ngã tư tử thần

Không kể mưa gió, nắng gắt và nguy hiểm, 6 năm qua, ngày 4 lần, ông Điều lặng lẽ đưa học sinh trường Tiểu học Quỳnh Văn B qua ngã tư tử thần đến trường an toàn.

Chúng tôi đến ngã tư xóm 6 (điểm giao cắt QL 1A với con đường đi vào trường Tiểu học Quỳnh Văn B, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vào lúc có những cơn mưa nặng hạt. Tại đây, vẫn vóc dáng thân quen, ông Điều bất chấp mưa gió để đưa trẻ qua đường.

Từng đi bộ đội, làm công nhân mỏ than ở Quảng Ninh, nhưng vì là con trai duy nhất nên ông Hồ Văn Điều (SN 1959) phải từ bỏ công việc lương cao để về quê chăm lo việc nhà. Từ đó, ông nhận làm bảo vệ ở HTX Nông nghiệp Nam Sơn, Quỳnh Văn để có thêm đồng ra, đồng vào cho con cái ăn học.

Trường Tiểu học Quỳnh Văn B nằm giao cắt với QL 1A, nơi đây là khu chợ buôn bán lộn xộn, người dân tụ tập buôn bán hai bên đường nên các em học sinh gặp tai nạn xảy ra như cơm bữa. Nhiều người dân sống hai bên đường cho biết, có thời gian ngã tư xóm 6 này là điểm đen về tai nạn giao thông (TNGT) mà chủ yếu là những học sinh. Nhiều em học sinh băng qua đường đến trường do thiếu quan sát đã bị xe tông bị thương, tử nạn.

Trước tình trạng đó, đầu năm 2004, trường Tiểu học Quỳnh Văn B đề xuất với UBND xã tìm một người đứng gác tại ngã tư để đưa các em học sinh qua đường. Ông Điều nghe tin, mấy ngày liền đi qua đi lại "ngã tư tử thần" để tìm hiểu, nắm bắt tình hình.

“Thấy các cháu qua lại gặp nhiều nguy hiểm, tôi nóng ruột và bắt đầu lặng lẽ ra đứng chốt tại ngã tư mà không báo với chính quyền địa phương hay nhà trường”, ông Điều nhớ lại. Lúc đó, phương tiện hành nghề của ông Điều chỉ là một cành cây.

Người đưa đường ở ngã tư tử thần - 1
Người đưa đường ở ngã tư tử thần - 2

Ông Điều đã đưa đường cho học sinh suốt 6 năm qua

Một tháng sau, ông Điều đề xuất với UBND xã Quỳnh Văn nhận công việc làm người đứng chốt, đưa các em nhỏ qua ngã tư đến trường và được đồng ý. Từ đó, ông được UBND xã Quỳnh Văn cấp thêm một cái dùi cui và chiếc còi để xin đường.

Trong trang phục quân nhân, miệng thổi còi, tay cầm cờ phất lên ra hiệu mỗi lúc đưa học sinh qua đường. Mỗi tốp học sinh đến, ông lại thận trọng nắm tay các cháu, giữ đứng sát mép đường, chờ cho hết xe qua lại mới dắt các em qua. Cứ thế, ngày nào ông Điều cũng như con thuyền nhỏ đưa các em cập bến bình yên.

Ông Điều bảo: “Mỗi buổi đưa đón như thế này, không biết bao nhiêu lượt tôi phải qua lại vì học sinh không đến lớp theo đoàn mà đi lẻ tẻ. Mỗi sáng cứ qua lại như thế, đưa gần 100 em qua đường. Tuổi các cháu còn nhỏ nên rất hiếu động, chỉ lơ là là chúng lại vụt qua liền, rất nguy hiểm”.

Không thể cùng một lúc vừa làm bảo vệ HTX Nam Sơn vừa ngày 4 lần đưa trẻ qua ngã tư tử thần nên ông đã bỏ luôn công việc mà ông đã từng 20 năm gắn bó, lương cao để làm một công việc mà không ai muốn đưa, đón trẻ qua đường gần như không công.

Quyết định đó của ông đã bị gia đình, họ hàng phản đối kịch liệt vì lúc ấy người con trai cả của ông đang học đại học, 3 cô con gái thì đang học phổ thông. Mỗi khi ông bắt đầu đi làm, anh em họ hàng còn ra ngáng đường, thu dùi cui, còi hòng bắt ông dừng công việc ấy.

“Ai cũng muốn chỗ nào lương cao thì mới vào làm, đằng này tôi lại làm điều ngược lại khi từ bỏ một vụ 8 tạ thóc để nhận công việc 2,8 tạ/vụ. Không ít người bảo tôi làm thế thì lấy gì mà sống, lại còn phải nuôi con cái ăn học nữa.

Vợ chồng tôi cũng đã có một thời gian dài mất tình cảm, không nói chuyện, hỏi han gì nhau. Những lúc như vậy tôi rất khó xử nhưng hơn ai hết, tôi muốn được làm một việc gì đó có ích cho địa phương mình nên đã bỏ ngoài tai tất cả để làm cho bằng được công việc này. May sao rồi vợ con tôi giờ đã hiểu và thông cảm nên tôi mới tiếp tục được đến bây giờ”, ông Điều tâm sự.

Hằng năm, có khoảng 120 học sinh cấp 1 của hai xóm 9, 10 xã Quỳnh Văn phải qua ngã tư giao cắt với QL 1A để đến trường. Một tháng 30 ngày chỉ trừ lúc ốm đau, ông Điều vẫn đều đều ngày 4 lần đưa các cháu đi qua đường để đến trường rồi lại từ trường học qua đường để về nhà.

Ông Điều ước chừng bước chân của mình qua lại ngã tư này hằng ngày cũng dài hàng chục km. Vì thế, nhiều hôm trời vừa tảng sáng ông đã ăn mặc chỉnh tề và ra đứng chờ đón các em. Lại có hôm buổi trưa chưa kịp ăn thì đã đến giờ các em đi học buổi chiều.

"Ông Điều là một người có tinh thần, trách nhiệm với công việc cao nên khi chọn được người như ông đưa trẻ qua "ngã tư tử thần", chính quyền địa phương và bà con đều rất tin tưởng. Nếu người khác làm việc này cũng chỉ qua loa nhưng ông Điều luôn nhiệt tình, tâm huyết và đặc biệt yêu trẻ.  Đây là một việc làm hay, đầy ý nghĩa cần nhân rộng khắp nước”, ông Lê Đôn Hóa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn cho biết.

Đó là chưa kể những lúc ông còn phải chờ những đứa trẻ đi học về còn mải chơi, thấy chưa đủ số lượng, ông phải đi tìm dọc đường bảo chúng về nhà, khi đó ông mới yên tâm. Ông Điều phân trần: “Giờ giấc là thế nhưng nhiều đêm trằn trọc không sao ngủ được. Cứ lo các cháu lại đi học hoặc về sớm mà mình chưa ra kịp thì nguy”.

Đứng gác ở đây, cứ dăm ba phút lại có một hay cả một đám học sinh cấp 1 đi đến, mắt dáo dác nhìn quanh khi thấy ông Điều đến các cháu mới thở phào nhẹ nhõm. Không để nhắc nhở, các cháu học sinh lập tức xếp hàng ngay ngắn để chờ ông thổi còi, khua dùi cui để qua đường.

Để làm được việc này, theo ông Điều phải có đức tính chịu khó và quan trọng nhất là lòng yêu trẻ. Các cháu nhỏ lớp 1 đầu tiên mà ông đưa qua đường giờ đã học lớp 6, lớp 7. Mỗi dịp tết đến, xuân về hay ngày 20/11 hằng năm, nhà của ông lại rộn vang tiếng cười, nói của phụ huynh, học sinh tới thăm.

Có người phụ nữ quê tận Hà Nam biết chuyện, trong một lần công tác ngang qua đã dừng xe xuống và biếu ông 500 nghìn đồng để thể hiện lòng biết ơn và mong ông cố gắng duy trì công việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồ Duy (Báo Nông nghiệp)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN