Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ, tất cả tài liệu hiện nay sẽ trở thành văn bản cổ

“Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì các học giả sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả, phải đi học lại từ đầu; tất cả các tài liệu khoa học sẽ thành văn bản cổ, chỉ các nhà nghiên cứu về chữ cổ mới có thể đọc được”.

Đó là ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

Vừa qua, PGS.TS. Bùi Hiền đã "gây bão" mạng xã hội với bài viết “Chữ Quốc ngữ và hội nhập quốc tế”, trong đó đề xuất giảm ký tự bảng chữ cái từ 38 xuống 31.

Cụ thể, tác giả này đề xuất sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt và thêm một số chữ cái tiếng Latin cho dễ sử dụng như: F, J, W, Z.

Cùng với đó, sẽ tiến hành thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên. Ví như: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = D, Gi, R.

Theo PGS.TS. Bùi Hiền, đề xuất này sẽ giảm được những khó khăn cho người dùng, không gây lẫn lộn và bất cập. Theo đó, bộ chữ cái tiếng Việt chỉ còn 31 ký tự, thay cho 38 ký tự như hiện nay.

Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ, tất cả tài liệu hiện nay sẽ trở thành văn bản cổ - 1

Một ví dụ về văn bản dùng chữ viết cải tiến theo đề xuất của PGS.TS. Bùi Hiền. (Ảnh: M.Q)

Liên quan đến vấn đề này, PV Báo điện tử Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ, tất cả tài liệu hiện nay sẽ trở thành văn bản cổ - 2

GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay: “Thực ra PGS.TS Bùi Hiền không phải người đầu tiên đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ. Hàng chục năm nay, đã có nhiều đề xuất tương tự.

Gần đây nhất, vào năm 1998, có kiều bào ở Pháp sốt sắng gửi thư cho nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị Nhà nước ta cải tiến chữ quốc ngữ cho hợp lý hơn.

Văn phòng Bác Phạm Văn Đồng có gửi công văn hỏi ý kiến một số cơ quan về đề xuất này. Thay mặt Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi có gửi công văn trả lời, trong đó có câu: “Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì chúng ta sẽ phải đào tạo lại hàng chục triệu lao động; các học giả cũng sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả và sẽ phải đi học lại từ đầu. Đó là chưa kể tất cả các văn kiện của Đảng, Nhà nước và tất cả các tài liệu khoa học sẽ thành văn bản cổ, chỉ có các nhà nghiên cứu về chữ cổ mới có thể đọc được”.

Thực ra, chữ Quốc ngữ mới được xây dựng gần 400 năm nay và khá hợp lý so với nhiều thứ chữ khác, như chữ Anh hay chữ Pháp.

Việc chữ viết sau một vài trăm năm thực hiện có độ vênh với ngữ âm là chuyện bình thường, vì ngữ âm như cơ thể luôn phát triển, còn chữ viết như cái áo không thể phát triển theo cơ thể, do đó sẽ trở nên chật chội, bất hợp lý ở chỗ này chỗ kia.

Chữ nào cũng sẽ có những điểm vô lý, cho nên muốn xây dựng một thứ chữ hoàn hảo thì rất khó. Bởi lẽ, trước sau gì, cùng với thời gian nó cũng sẽ trở nên bất hợp lý.

Nếu nói về những điểm bất hợp lý thì chữ Anh còn nhiều nhược điểm hơn chữ Quốc ngữ của ta. Thế nhưng người Anh không không sửa. Ta thử hình dung xem, nếu người Anh hay người Mỹ loay hoay sửa chữ Anh cho hợp lý hơn thì chuyện gì sẽ xảy ra: Chắc chắn là hàng tỷ người sẽ phải đi học lại. Theo tôi, những đề xuất về cải tiến chữ Quốc ngữ là không cần thiết, nó sẽ tạo ra nhiều hệ lụy.

Trong đề xuất của mình, PGS.TS Bùi Hiền lý giải: “Nếu cho học sinh chưa biết chữ, chúng ta thử chia 2 lớp học. Một lớp cho học chữ hiện hành, còn một lớp học chữ theo đề xuất của tôi thì tôi tin lớp học chữ hiện hành sẽ học chậm hơn. Tôi đã làm phép tính, nếu viết chữ theo đề xuất của tôi sẽ có thể tiết kiệm thời gian, sức lực cũng như vật tư khoảng 8%. Cũng theo phép tính đó, nếu một đơn vị phát hành sách 1 năm tiêu tốn hết 100 tấn giấy thì với cách viết chữ cải tiến này, một năm có thể tiết kiệm được 8 tấn giấy, thời gian và công sức đánh máy cũng theo đó mà giảm được 8%".

Về nội dung này, GS. Nguyễn Minh Thuyết lập luận: Tôi không biết PGS.TS Bùi Hiền đã thực nghiệm dạy đối chứng 2 thứ chữ ở đâu để rút ra những kết luận này. Nhưng tôi ngờ rằng cả người dạy học, người viết sách, người đánh máy, người biên tập, người đọc sách đều sẽ phải loay hoay, mất thời gian hơn với thứ chữ cải tiến này.

"Đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ nếu được chấp nhận sẽ làm cho hàng chục triệu người lao động phải học lại từ đầu, hàng chục triệu tài liệu phải in lại, như vậy thì sẽ tốn giấy mực và thời gian hơn nhiều" - GS. Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.

Từng có đề xuất cải tiến “Tiếq Việt” đơn giản hơn đề xuất của ông Bùi Hiền

Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu cải tiến chữ Quốc ngữ, làm giản tiện và hợp lí hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Đề xuất tiếng Việt kiểu mới của PGS-TS Bùi Hiền Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN